Khoe bảng điểm, giấy khen của con em trên mạng xã hội là phạm luật
(DNTO) - Ngày hôm qua 26/5, lễ tổng kết của các trường phổ thông và mầm non đã diễn ra kết thúc một năm học. Đến hẹn lại lên, không gian mạng lại được mùa tràn ngập bảng điểm, giấy khen của con em do các bậc phụ huynh “hào phóng” post lên.
“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương…”. Thắm thoắt mà đã hết một năm học. Nghỉ hè, bãi trường là một sự kiện, một dấu ấn sâu đậm của tuổi học trò. Nếu như hoa phượng thắm, tiếng ve ngân là biểu tượng mùa hạ của đất trời thì trong lòng các cô cậu học trò, đó chính là nỗi buồn chia tay, đặc biệt là với các bạn cuối cấp.
Không giống nỗi buồn “man mác”, “mênh mông” có phần “rối rắm” của các anh chị lớp 12 trong buổi Lễ trưởng thành, các “thiên thần” lớp lá trong ngày Lễ ra trường chỉ có duy nhất một nỗi buồn xa lớp, xa cô và bạn: “Tạm biệt búp bê thân yêu… Mai em vào lớp Một rồi, nhớ lắm quên sao được trường mầm non thân yêu…”.
Mùa hạ và nỗi buồn học trò đã đi vào thơ ca nhạc họa, đã nuôi lớn tâm hồn của mỗi đứa trẻ, làm “nặng” thêm hành trang vào đời của các bạn. Đây mới chính là nét đẹp của ngày bãi trường. Thay vì chia sẻ tâm tư này với con em, tiếc thay, ngày nay phần lớn phụ huynh chỉ chú trọng vào thành tích học tập, cụ thể là bảng điểm và những tấm bằng khen. Điều này khiến cho nỗi buồn mùa hạ đáng lý là cảm xúc hồn nhiên, thánh thiện và “bình đẳng” cho tất cả các em, bỗng được phân chia ngôi thứ bởi sự tác động cảm xúc của phụ huynh.
Vừa qua, có dịp dự Lễ tri ân và ra trường dành cho học sinh lớp lá của một trường mầm non và Lễ tổng kết năm học của một trường tiểu học, tôi quan sát thấy, khi học sinh nhận bằng khen, hầu hết các em chạy xuống dúi vào tay phụ huynh hoặc bỏ vào ba lô, rồi chạy chơi với các bạn, thậm chí không nhìn xem trong đó viết gì. Tôi có cảm giác như giấy khen đối với các em chỉ là nghĩa vụ phải hoàn thành. Các em vui mừng vì đã hoàn thành nghĩa vụ đó, không loại trừ có thêm sự nhẹ nhỏm vì thoát được cảnh bị phụ huynh “chì chiết” so sánh với “con nhà người ta”.
Nhưng với phụ huynh thì khác, sự hãnh diện, thậm chí “hả hê” lộ rõ. Họ liền biến niềm vui, sự tự hào ấy thành hành động cụ thể nhằm chia sẻ với cả thế giới. Đó là post bảng điểm và giấy khen của con lên Facebook. Kết quả nhận về những cơn “đại hồng thủy” lời khen ngợi tung hô.
Nhưng bên cạnh sự vuốt ve tâm lý đơn thuần, các bậc phụ huynh vô tình đã bỏ qua rất nhiều hệ lụy được cảnh báo gần đây về sự an toàn lẫn tổn thương tinh thần của trẻ vì thói quen này.
Về sự an toàn của trẻ. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội an toàn thông tin (VNISA) Ngô Tuấn Anh TTXVN, việc bố mẹ vô tư khoe bảng điểm, giấy khen của con với đầy đủ thông tin hình ảnh về trường lớp lên mạng xã hội chính là điều kiện thuận lợi để kẻ lừa đảo thu thập dữ liệu và thực hiện những cuộc gọi nhắn tin lừa đảo tinh vi sau này.
Sự bất cẩn này của phụ huynh cũng nhận được các cảnh báo tương tự đến từ nhiều chuyên gia khác. Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ, TB và XH) cho biết: Qua phân tích những cuộc gọi về Tổng đài 111 cho thấy, đối tượng xấu nghiên cứu rất kỹ về nạn nhân trước khi gọi điện và rất hiểu tâm lý của nạn nhân khi trò chuyện. Bà Nga khẳng định “Một trong những giải pháp để chống lộ dữ liệu của trẻ em chính là ý thức của cha mẹ”.
Về những tổn thương mà trẻ con phải hứng chịu. Một cuộc khảo sát nhỏ cho thấy, xấp xỉ 90% trẻ không muốn phụ huynh chia sẻ những hình ảnh đó lên mạng với lý do sợ bạn “kỳ thị”. Riêng với trẻ mầm non, các cháu hoàn toàn bị động nhưng vô tình trở thành nạn nhân của lòng “đố kỵ” của người lớn.
Sự tràn lan hình ảnh bảng điểm và bằng khen học sinh giỏi xuất sắc của “con nhà người ta” trên mạng xã hội còn là một cú “sang chấn” tâm lý với những trẻ thành tích học tập chưa tốt và phụ huynh của các trẻ này. Nhẹ nhất là chạnh lòng, buồn bả, tự ti… Nghiêm trọng hơn là dẫn đến nhiều hành động “lợi bất cập hại” như vừa qua đã xảy ra trong thực tế.
Đó là trường hợp một phụ huynh chụp ảnh bảng điểm với kết quả học tập yếu kém của con chia sẻ trên mạng xã hội, theo lời chị là nhằm mục cho con “xấu hổ” mà cố gắng hơn trong năm tới. Kết quả, cháu xấu hổ thật, khóc lóc vật vả và đòi mẹ gỡ xuống.
Một trường hợp khác xảy ra hồi mấy năm trước chắc nhiều người vẫn còn nhớ. Đó là việc một em học sinh photoshop bảng điểm với toàn điểm 10 rồi chia sẻ lên mạng nhằm để hài lòng bố mẹ đang đi công tác xa. Sự việc sau đó bị bạn bè “bóc mẻ”.
Cũng đã từng xảy ra và dần được phổ biến, đó là trường hợp phụ huynh tự “chế” giấy khen đăng lên mạng với lời giải thích đại ý trường không cho con giấy khen thì họ tự làm cho con. Đây là một việc làm không nên khuyến khích vì nó hại nhiều lợi. Trước hết đây là một loại giấy khen “giả”, không có “giá trị pháp lý”, nó phản ánh cho sự thiếu trung thực, nó còn làm lây lan cho trẻ căn “bệnh thành tích”, lối sống ảo tưởng về năng lực bản thân và triệt tiêu sự phấn đấu của trẻ.
Trong một lớp học, có em học giỏi, có em học khá, có em trung bình thậm chí yếu kém là chuyện bình thường. Việc khoe thành tích học tập của con lên mạng, sẽ tạo áp lực lên con cái (cả vô tình tạo áp lực lên chính phụ huynh), đi ngược với tinh thần đổi mới giáo dục là xóa bỏ quan điểm học vì điểm số, bằng cấp, xóa bỏ “bệnh thành tích” trong giáo dục.
Mong rằng tất cả phụ huynh không nên duy trì thói quen này.
Việc khoe bảng điểm, giấy khen của con lên mạng xã hội còn là hành vi vi phạm luật. Trước hết là Luật Trẻ em, có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 quy định đăng ảnh con trên bảy tuổi lên mạng xã hội mà không có sự đồng ý từ đứa trẻ là vi phạm Luật. Kế đến là Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 quy định trẻ em có quyền được giữ bí mật đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng (Điều 29).