Làm gì khi con em mình bị bắt nạt trong nhà trường?
(DNTO) - Bạo lực học đường không còn mới lạ. Trên hành trình đi tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục, các chuyên gia nhận ra nó có mối quan hệ mật thiết giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Về phía phụ huynh, nên phản ứng như thế nào trước tình trạng con em mình bị bắt nạt trong nhà trường?
“Oánh lộn” là chữ dùng trong dân gian để ám chỉ nạn đánh nhau giữa các bạn nhỏ học trò trong hay ngoài phạm vi trường học.
Khi tình trạng đánh nhau giữa các học sinh trong trường không chỉ dừng lại ở những cái tát, những cuộc xô xát cá nhân mà kết thành bè nhóm đánh hội đồng, dùng nón bảo hiểm đập vào đầu, sỉ nhục trước sân trường, đánh đấm, xé quần áo của bạn, dùng điện thoại quay clip tung lên mạng xã hội, để lại hậu quả nghiêm trọng thì hành vi này được “nâng” lên thành “bạo lực học đường”.
Bạo lực học đường được Bách khoa toàn thư mở Wikipedia định nghĩa là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học.
Tại Việt Nam, số liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cũng theo thống kê của Bộ GDĐT, cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau.
Điều đó cho thấy, bạo lực học đường không phải là một câu chuyện mới. Nhưng với vụ việc vừa xảy ra tại Trường Quốc tế American Academy (ISHCMC-AA) ở An Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM vào ngày 26/5/2022 thì vấn đề đã được khơi lại với sức nóng bùng phát nhanh và lan rộng, thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận.
Câu chuyện trở nên "dậy sóng" khi một phụ huynh livestream tố việc con gái mình bị đánh tại trường, bị thương tích và sang chấn tâm lý nặng nề. Rất nhiều người đã bức xúc, thậm chí phẫn nộ, nhiều comment đẩy vấn đề lên cao trào. Bộ GDĐT đã vào cuộc, đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan nhanh chóng xác minh thông tin, xử lý vụ việc gửi về Bộ GDĐT trước ngày 31/5.
Phản ứng của phụ huynh học sinh, trước tình trạng con em bị bắt nạt trong nhà trường hiện nay đang trở thành một hiện tượng đáng lo ngại không kém hành vi bạo lực học đường của học sinh. Chỉ tính thời gian gần đây, liên tiếp những vụ việc phụ huynh hành xử bạo lực với bạn học của con đã xảy ra.
Vào ngày 5/2, một nữ sinh của Trường Tiểu học và THCS Thụy Ninh, Thái Thụy, Thái Bình chở theo hai bạn học trên xe đạp điện đã bị bố của một nữ sinh khác chạy ô tô đuổi theo đạp mạnh khiến ba nữ sinh ngã xuống đường. Sau đó, người đàn ông này túm tóc, tát và đạp vào đầu, mặt của nạn nhân vì cho rằng đấy là thủ phạm “hành hung” con mình.
Tiếp theo đó, ngày 28/2, tại Bình Dương, trong buổi hòa giải vụ việc mâu thuẫn nhau tại trường của hai em học sinh, một nữ sinh lớp 9 bị mẹ của bạn đánh tại trường phải nhập viện cấp cứu vì đã can ngăn không cho phụ huynh này đánh một học sinh khác.
Và chắc mọi người chưa quên vụ hai học sinh lớp 1 ở Hòa Bình nảy sinh mâu thuẫn trên lớp xảy ra trước đây, câu chuyện ấn tượng bởi vì nạn nhân, bị bố của bạn mình vì bênh con nên vào tận trường đấm vào mặt phải nhập viện, chỉ là 1 học sinh lớp một.
Khi phụ huynh hành xử bạo lực với bọn trẻ như thế, tức là phụ huynh đang dạy con mình dùng bạo lực ứng phó với bạo lực! “… Người lớn còn hành xử như vậy thì làm sao mà dạy bọn trẻ được, cứ như vậy bảo sao bạo lực học đường không gia tăng…”. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc - nguyên giáo viên Trường Trung học phổ thông Thăng Long (Hà Nội) cảm thán.
Bảo vệ khác với bao che, bênh vực. Bảo vệ con bằng cách dọa dẫm, bắt nạt, hành hung gây thương tích đối với bạn học của con là hành vi hoàn toàn sai trái. Khi hành xử của người lớn đi quá giới hạn cho phép thì chính mình đang là tấm gương xấu xí cho con trẻ noi theo. Trẻ sẽ dựa vào bố mẹ như một tấm lá chắn, xem thường và có thái độ thách thức mối quan hệ học đường và cả mối quan hệ xã hội trong tương lai.
Thông thường, khi nghe con mình bị một ai đó bắt nạt, đánh đập, bản năng hoàn toàn thuận với tự nhiên của cha mẹ là lo lắng, hoảng hốt, bức xúc, sốt sắng bảo vệ con mình và sẵn sàng “ra tay” với đối phương. Tâm lý này là nguyên nhân khiến bố mẹ mất bình tĩnh. Mà đáng lý ra, theo các chuyên gia tâm lý giáo dục học đường thì khi biết con em mình là nạn nhân của bạo lực học đường, sự tỉnh táo, cố gắng kiềm chế cảm xúc, tìm hiểu rõ thực hư sự việc, xác định đúng - sai sẽ giúp bố mẹ có được suy xét cẩn thận hòng đưa ra hướng xử lý đúng đắn nhất giúp đỡ con giải quyết vụ việc.
Trước tiên, bố mẹ cần kiên nhẫn, nhẹ nhàng, cầu thị, lắng nghe con kể lại sự việc một cách cụ thể. Qua đó, nhận ra những điểm hợp lý và chưa hợp lý của câu chuyện, đánh giá cảm nhận của trẻ, thấu hiểu tâm tư, tình cảm của con.
Nếu thấy sự việc chỉ là những hiểu lầm, mâu thuẫn, xích mích nhỏ nhặt, bố mẹ có thể gặp trực tiếp phụ huynh của bạn kia để tìm hiểu, nói chuyện cùng nhau, đưa ra phương án thích hợp nhằm hóa giải mâu thuẫn và gắn kết hai trẻ. Trong thực tế, đây là biện pháp có hiệu quả rất tích cực. Nhiều trường hợp chẳng những hai trẻ mà cả hai gia đình trở nên thân thiết nhau về sau.
Trong trường hợp cần thiết, thông tin với giáo viên chủ nhiệm, phối hợp với nhà trưởng để xử lý vụ việc. Quá trình giải quyết vụ việc phải hết sức tế nhị, không nên nóng vội; không làm ầm ĩ, chuyện bé xé ra to, làm ảnh hưởng đến nhiều mối quan hệ mà vấn đề cũng không đi đến đâu.
Nếu vấn đề quá nghiêm trọng, phụ huynh có thể nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý, xem xét việc chuyển trường cho trẻ, đồng thời nhờ pháp luật can thiệp và xử lý.