Ngẫm thêm về trách nhiệm công dân từ vụ án của bà Nguyễn Phương Hằng
(DNTO) - 20h ngày 21/9, HĐXX TAND TP.HCM đã tuyên án bị cáo Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Theo đó, bị cáo Nguyễn Phương Hằng bị tuyên phạt cao nhất 3 năm tù. Có lẽ vụ án cũng ít nhiều để lại trong mỗi chúng ta đôi điều suy ngẫm.
Sau gần 2 năm, trải qua nhiều lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vụ án liên quan bà Nguyễn Phương Hằng đã được TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vào sáng ngày 21/9/2023.
Đây là một vụ án được đông đảo người dân trong và ngoài nước quan tâm với các ý kiến trái nhiều có thể gọi là “đối đầu” nhau rất căng thẳng. Diễn biến vụ án có thể tóm lược như sau: Khởi đầu vào tháng 3/2021, bằng việc tố cáo ông Võ Hoàng Yên lợi dụng lòng tốt, lừa đảo gia đình bà với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, bà Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức thực hiện tiếp theo trong vòng một năm nhiều buổi livestream trên nhiều nền tảng mạng xã hội, “đấu tố” một số người nổi tiếng với nội dung đưa thông tin chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của các cá nhân này.
3 năm tù là mức án mà bị cáo Nguyễn Phương Hằng phải nhận do những phát ngôn trên mạng xã hội. Mức án này cho dù với một số người là thỏa đáng, với số người khác là chưa thuyết phục thì tội danh của bị cáo cũng là điều rõ ràng không thể chối cãi.
Theo dõi vụ án và phiên tòa, qua những gì diễn ra và qua lời khai của các bị cáo chúng ta mới ngẫm ra:
Am hiểu luật pháp là trách nhiệm của một công dân
Mặc dù các bị cáo là những người có trình độ học vấn, có địa vị xã hội nhưng theo lời khai trong phiên xử thì họ phạm tội trong tình trạng “không biết” hành vi của mình là phạm tội.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Phương Hằng nói: "Bị cáo không biết Luật An ninh mạng, người ta chửi mình thì mình chửi lại. Nếu biết nói vậy là vi phạm pháp luật thì bị cáo không làm", bị cáo Hằng cho biết, đến khi bị bắt mới biết mình sai phạm. Tương tự, bị cáo Mai Nhi cũng khai trước tòa: "Mãi đến khi bản thân bị cáo bị khởi tố và được cơ quan điều tra giải thích thì bị cáo mới biết mình vi phạm pháp luật". Cùng một nội dung, bị cáo Lê Thị Thu Hà khai nhận: “Bị cáo lúc đầu chưa nhận thức được việc làm đó là sai nhưng sau khi làm việc với cơ quan điều tra thì bị cáo mới nhận thức được việc này là sai”.
Đây là lời khai trước tòa của các bị cáo. Lời khai chỉ là lời khai nhưng nó cho chúng ta một bài học về sự am hiểu luật pháp là trách nhiệm của một công dân, trước hết là để bảo vệ bản thân mình, sau đó góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội.
Xin lỗi là cách ứng xử văn hóa, là vẻ đẹp cao quý trong đời sống giao tiếp của con người.
Trong một diễn biến tại buổi xét xử, sau lời trình bày của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và ca sĩ Vy Oanh, chủ tọa phiên tòa xác định hành vi phạm tội của bị cáo Hằng đã ảnh hưởng tới các cá nhân trên, và họ không yêu cầu gì ngoài lời xin lỗi, bị cáo có làm được không?
Sau khi xin được “suy nghĩ tí”, bị cáo Nguyễn Phương Hằng trả lời: "Đến nay bị cáo đã bị giam 18 tháng, đó là cái giá bị cáo phải trả quá đắt. Lời xin lỗi không là gì nhưng bị cáo thấy 18 tháng là giá quá đắt rồi".
Ở đây, chúng ta thấy có hai vấn đề cần tách bạch. Việc bị cáo Hằng bị tạm giam 18 tháng là việc của các cơ quan chức năng có liên quan đến luật pháp. Còn việc xin lỗi là đối với các cá nhân mà bị cáo đã xúc phạm đến họ. “18 tháng là giá quá đắt rồi" với “Lời xin lỗi không là gì” ở trường hợp này không liên quan với nhau.
Trong cuộc sống, cám ơn và xin lỗi là hai cụm từ thuộc phạm trù giáo dục giao tiếp mà bất kỳ một đứa trẻ nào khi vừa biết nói cũng được dạy đầu tiên. Xin lỗi, trong nhiều trường hợp không cần đợi có lỗi với đối phương mà xin lỗi để tỏ sự lịch sự trong giao tiếp. Ví dụ: Xin lỗi, tôi có thể ngồi ở đây không? Xin lỗi bạn, tôi đi nhờ lối này…
Và lời xin lỗi càng vô cùng cần thiết khi bạn vô tình hoặc cố ý làm tổn thương người khác. Việc xin lỗi không chỉ là hành động thể hiện trách nhiệm, sự cầu thị cho thấy bạn là người biết phục thiện, có lòng tự trọng mà còn giúp bạn hiểu rõ việc làm sai lầm của mình để không tiếp tục mắc phải. Lời xin lỗi thể hiện sự hối hận chân thành về hành động hoặc lời nói sai trái đã làm thiệt hại tổn thương người khác sẽ khiến đối phương được an ủi, rộng lòng tha thứ hơn. Lời xin lỗi chính là động cơ thúc đẩy, hình thành lòng bao dung, sự vị tha trong con người.
Tuy nhiên, lời xin lỗi nếu không được giáo dục ngay từ nhỏ sẽ rất khó thực hiện khi cần thiết.
Lời cảnh tỉnh khi sử dụng mạng xã hội
Đây là lần đầu tiên TAND TP.HCM xét xử hình sự về hành vi “livestream”. Nó gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đang sử dụng mạng xã hội với bất kỳ nhu cầu mục đích gì. Hãy am hiểu và nắm vững các quy định pháp luật khi chơi với “mạng” sao cho “bổn mạng” mình được an toàn.
Đừng trút giận lên trên “mạng” bằng cách lôi bí mật đời tư gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của cá nhân, tập thể tổ chức… Đặc biệt là với những thông tin không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng, không có căn cứ xác thực. Hãy thể hiện quyền tự do ngôn luận của mình một cách thông minh nhất, tự do trong khuôn khổ pháp luật quy định.
Lưu ý một bộ phận cư dân “ăn theo” cổ vũ, giúp sức, hưởng ứng “tích cực” các hành vi phạm pháp của người khác trên mạng xã hội cũng cần rút kinh nghiệm “sâu sắc”.
Hy vọng rằng, từ vụ án Nguyễn Phương Hằng, mỗi người dân cần am hiểu luật pháp khi sử dụng mạng xã hội để không thiệt hại thân mình vì vi phạm luật pháp mà không biết. Nhất là khi Luật an ninh mạng có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 với các quy định rõ ràng, cụ thể.