Có một bài học về kỹ năng ứng xử trong cuộc sống cần được rút ra
(DNTO) - Trong khi mọi chuyện lùm xùm quanh giới nghệ sĩ chưa kịp nguội trên không gian mạng thì mới đây, mọi người khá bất ngờ khi xuất hiện một bài đăng trên trang Facebook cá nhân được cho là của nghệ sĩ Đức Hải với những phát ngôn dùng nhiều từ ngữ 'văng tục' để công kích một nhân vật không nêu rõ tên.
Tuy nhiên, trong một livestream, bà Nguyễn Phương Hằng khẳng định nhân vật mà ông Đức Hải không nêu rõ tên chính là bà. Bà Hằng kịch liệt phản ứng và cho rằng: “Tôi mà không kiềm chế được là đổ máu như chơi”.
Chưa bao giờ con người nhận ra sức mạnh của mạng xã hội thật “kinh khủng” như hiện nay. Trong đó, livestream là một ứng dụng đặc biệt tỏ rõ vai trò “đáng gờm” của nó hơn hết thảy. Hiệu ứng này từng mang lại cho nhân loại những ám ảnh kinh hoàng khi trực tiếp nhìn thấy những hình ảnh về các vụ xả súng ở New Zealand, ở Úc, ở Mỹ…, mà nếu như chúng ta đọc qua báo chí hoặc nghe tường thuật qua các phương tiện truyền thông khác, có lẽ mức độ kinh hoàng và ám ảnh sẽ giảm đi rất nhiều.
Tại nước ta, mấy tháng qua không gian mạng xã hội cũng nóng lên hừng hực chưa từng thấy từ trước đến nay. Ngọn lửa được doanh nhân Nguyễn Phương Hằng nhóm lên trong một livestream nhằm tố cáo các hành vi lừa đảo bịp bợm của “thần y” Võ Hoàng Yên đối với gia đình bà và rất nhiều bệnh nhân là nạn nhân oan uổng của ông ta. Những buổi livestream của doanh nhân Nguyễn Phương Hằng được đông đảo người dân ủng hộ vì mục đích chính nghĩa. Nó thu hút lượt người xem khủng khiếp chưa từng có với đối tượng thuộc mọi tầng lớp, thành phần, lứa tuổi.
Ngọn gió lớn thổi bùng ngọn lửa lớn, câu chuyện sau đó dần dần chuyển hướng, dắt dây sang nhiều đối tượng khác, phanh phui ra nhiều vấn đề khác đã làm cho “cõi mạng” ngày một sục sôi, sức nóng của nó ngày một lan ra, dữ dội và rộng khắp. Sự vào cuộc “ăn theo” của một số youtuber, sự tham gia bằng những comment đầy khí thế “hưởng ứng phong trào” tuôn ra như “lá đổ muôn chiều” của cộng đồng mạng càng làm cho không khí thêm phần “náo nhiệt”.
Có lẽ không cần phải kể ra, mọi người ai cũng biết rất rõ diễn biến và tình huống của câu chuyện. Cho đến giờ phút này, việc ai đúng ai sai, đúng tới đâu, sai tới đâu, sẽ bị xử lý như thế nào về mặt luật pháp và “lòng dân” dường như đã có lời giải, mặc dù nó vẫn còn nằm trên “bản nháp”.
Nếu tạm xem những gì xảy ra trong “ngôi nhà chung” của chúng ta như là một “cuộc chiến”, thì thành tựu mà nó đạt được là việc chỉ ra được trò chữa bệnh lừa đảo bịp bợm của “thần y” Võ Hoàng Yên, phát hiện ra hành vi vi phạm chiếm giữ tiền cứu trợ đồng bào bão lụt miền Trung của nghệ sĩ Hoài Linh, việc các nghệ sĩ lợi dụng sức ảnh hưởng của mình để quảng cáo thuốc không đúng sự thật gây hiểu lầm và thiệt hại cho người bệnh.
Tuy nhiên bên cạnh đó, hậu quả của nó để lại thật không đáng để chúng ta nhận lĩnh. Về phía người trong cuộc, bà Nguyễn Phương Hằng trong livestream gần đây đã thừa nhận mất mát quá nhiều kể từ khi cuộc chiến pháp lý với ông Võ Hoàng Yên nổ ra. Trong đó, bà Hằng tiết lộ gia đình bị tấn công đủ phía, con gái 15 tuổi bị trầm cảm vì nghĩ rằng mẹ là người xấu, bà Hằng và chồng mình (ông Dũng lò vôi) có nguy cơ ly hôn. Cũng nói thêm về việc bà Nguyễn Phương Hằng bị kiện và TAND Quận 1 đang thụ lý hồ sơ.
“Tôi thật sự mệt mỏi rồi. Tôi không muốn chơi cuộc chơi vô nghĩa này nữa. Tôi thấy không đáng. Gia đình tôi sắp tan nát đến nơi, con cái tôi thì bị tổn thương. Tại sao tôi phải tiếp tục nữa. Tôi phải suy nghĩ chứ!”. Đó là lời nói gan ruột của bà Hằng. Bà cũng đang suy tính đến việc rút đơn kiện trong vụ việc với ông Võ Hoàng Yên. “Cuộc chiến nào cũng có thương tích hết á quý vị!”, bà Hằng đúc kết.
Đó là sự “thê thảm” mà người trong cuộc công khai thú nhận. Còn những hệ lụy mà các đối tượng “được nhắc đến” phải gánh chịu tùy từng lúc, từng nơi, từng mức độ có khác nhau nhưng nói chung là “sóng gió”.
Riêng đông đảo bộ phận cư dân, ngoài tiêu tốn một thời gian đáng kể, họ còn đấu đá chửi bới lẫn nhau náo loạn lên vì quan điểm, nhận định khác nhau mà sự quyết định nằm ở chỗ ai đứng về “phe nào”. Ngoài cuộc sống thực tế, cảnh cha con, chồng vợ, anh em, bạn bè tranh cãi đi đến gây gổ, thậm chí “không nhìn mặt nhau” liên quan tới vụ việc, không phải là không có.
Đã có lúc “cuộc chiến” tưởng chừng có tín hiệu dừng lại…, nhưng thực tế vẫn chưa đoán định được đến khi nào. Tuy nhiên cho đến lúc này, tạm thời có thể xem như ngã ngũ. Qua sự việc này, tùy theo quan điểm và cách nhìn nhận vấn đề riêng của mỗi cá nhân mà suy nghĩ, nhận định, chiêm nghiệm vấn đề của từng người có sự khác biệt. Nhưng chắc chắn bài học về kỹ năng ứng xử trong cuộc sống cần được rút ra, thì không ai có thể phủ nhận. Nó bao gồm những kiến thức về pháp luật và nền tảng đạo đức truyền thống cần phải tuân thủ, gìn giữ và phát huy.
Chúng ta đang sống trong một Nhà nước pháp quyền, mọi người sống phải tuân theo pháp luật và được luật pháp bảo vệ. Quyền được sử dụng ứng dụng livestream trên mạng xã hội, không ai có thể can thiệp, không có một mệnh lệnh hành chính nào có thể buộc người dùng ngừng livestream nếu như bạn tuân thủ các quy định pháp luật của nước sở tại. Ở nước ta, việc thóa mạ xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ra văn bản xử lý. Hiểu được như thế chúng ta mới có thể tự bảo vệ mình khi thực hiện quyền tự do ngôn luận.
Việc dùng những lời lẽ xấu xí, tục tĩu trong giao tiếp với người Việt chúng ta xưa nay là một hành vi không được dư luận xã hội chấp nhận. Trong phạm vi gia đình chúng ta cũng không cho phép chứ đừng nói đến trong cộng đồng. Điều này nằm trong nội dung giáo dục đạo đức cho trẻ con trong gia đình và nhà trường. Nó thuộc về nền tảng đạo đức truyền thống của người Việt đã trở thành giáo điều: “Chim khôn hót tiếng rảnh rang/Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, “Kim vàng ai nỡ uốn câu/Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”, “Người thanh tiếng nói cũng thanh/Chuông kêu chuông đánh bên thành cũng kêu”, “Học ăn, học nói, học gói, học mở” ..., là lời căn dặn của người xưa cho tới nay vẫn còn nguyên giá trị.
Lời nói khi đã thốt ra thì không thu lại được. Người có tầm ảnh hưởng xã hội càng lớn thì lời nói của họ càng có sức lan tỏa, ảnh hưởng đối với rất nhiều người, trong đó không ngoại trừ trẻ em. Nếu chúng ta không muốn con em của chúng ta trở thành một lớp trẻ sính tỏ ra “hổ báo”, ngông cuồng, nói năng văng mạng, hãy rút ra bài học cho mình về cách ứng xử văn minh, hãy trả lại cho ngôn ngữ những giá trị tốt đẹp của nó, trước khi quá muộn.