Không gian mạng cũng cần có ‘an ninh trật tự’
(DNTO) - Mặc dù Bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã được ban hành từ năm 2021 với những quy định cụ thể. Nhưng vẫn còn một vài nghệ sĩ lợi dụng mạng xã hội để thu hút người theo dõi, thu hút dư luận bằng hành vi, lời nói không chuẩn mực, thiếu kiểm soát, thậm chí là thô tục vẫn tiếp diễn.
Trên thực tế đã có rất nhiều vụ vi phạm đã bị xử phạt hành chính kể cả xử phạt hình sự. Thấy vết xe đổ nhưng vẫn lao vào đó là trường hợp của hoa khôi Nam Em đang diễn ra.
Nam Em (tên đầy đủ là Nguyễn Thị Lệ Nam Em) được biết đến là Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long 2015. Cô cũng ghi dấu ấn tại cuộc thi Hoa hậu Trái đất 2016, Hoa hậu Thế giới Việt Nam. Nam Em cũng là cái tên làm dậy sóng dư luận bởi những livestream được phát liên tục với nội dung đòi "bóc trần showbiz" trong nhiều ngày qua.
“Hiện tượng Nam Em” cho đến nay đã tạm thời đi đến một kết cục mà ai cũng dự đoán được: Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã vào cuộc. Cụ thể, chiều 20/2, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM xác nhận Sở đã vào cuộc phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đang kiểm tra vụ livestream ồn ào của Hoa khôi ĐBSCL Nam Em những ngày qua. Bà Thúy cho biết, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM là cơ quan chủ trì làm việc, khi có kết quả sẽ thông báo ngay đến báo chí.
Theo đó, chiều ngày 22/2, tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cũng cho biết, đơn vị đã nhận được thông tin phản ánh của các cơ quan về trường hợp của Hoa khôi Nam Em livestream gây ồn ào mạng xã hội trong những ngày qua. Ông Nguyễn Ngọc Hồi cũng nêu quan điểm: “Các cơ quan quản lý sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp lợi dụng mạng xã hội để thu hút người theo dõi, thu hút dư luận bằng hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật”.
Mới nhất là tối 26/2, Nam Em livestream trên trang cá nhân và thông báo đã nhận giấy triệu tập từ Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông yêu cầu có mặt làm việc vào ngày 28/2.
Vụ việc Nam Em nhắc cho chúng ta nhớ đến nhiều người nổi tiếng từng bị cơ quan chức năng xử phạt vì phát ngôn không chuẩn mực trên mạng xã hội. Vụ người mẫu Trang Trần vào hồi tháng 10/2021, vụ đầu bếp Võ Quốc bị phạt 7,5 triệu đồng do có lời lẽ xúc phạm nhà báo và nghề báo trên mạng xã hội. Vụ MC Trác Thúy Miêu bị phạt vì hành vi đăng tải thông tin trên mạng xã hội có nội dung sai phạm, gây ảnh hưởng tới công tác hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19, Vụ NSƯT Đức Hải đăng tải bài viết công kích cá nhân bằng từ ngữ tục tĩu…
Đình đám nhất phải kể đến trường hợp của CEO Nguyễn Phương Hằng - TGĐ Công ty CP Đại Nam - với cái án 3 năm tù về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân bởi những phát ngôn thiếu kiểm soát, lệch chuẩn, thậm chí là thô tục trên các nền tảng mạng xã hội.
Đáng tiếc vẫn còn nhiều người thấy vết xe đổ nhưng vẫn cứ lao vào. Nam Em là một ví dụ trước mắt.
Ai cũng biết sức ảnh hưởng của người nổi tiếng đối với công chúng là rất lớn. Nó có thể truyền cảm hứng đến cộng đồng nhưng cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống công chúng nhất là giới trẻ. “Giới trẻ tiếp xúc với điều tiêu cực ảnh hưởng rất nhiều đến nhân cách đối với sự trưởng thành và tương lai của chính họ”. Đó là nhận định của Phó GS-TS Bùi hoài sơn UV Thường Trực UB Văn hóa giáo dục của Quốc hội.
Người nổi tiếng khi không cẩn ngôn ngoài việc đánh mất hình ảnh bản thân, bị công chúng tẩy chay, tiêu tan sự nghiệp, họ còn phải đối mặt với tù tội, đó là thực tế trước mắt đã xảy ra.
Trước tình trạng này, ngày 13 /12/ 2021, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quyết định Ban hành quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (theo Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL ngày 13 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Bộ quy tắc ứng xử được ban hành tính đến nay đã hơn hai năm nhưng chưa mang đến hiệu quả tích cực.
Hơn lúc nào hết, Bộ quy tắc ứng xử cần được tuyên truyền sâu rộng, cần được tổ chức “học tập” bằng nhiều phương thức xuống tận từng cá nhân những đối tượng trực tiếp liên quan. Với những người vi phạm, cần được nhắc nhở kịp thời, tiến đến xử phạt nghiêm khắc để răn đe và nêu gương cho người khác. Đã có trường hợp, khi đối mặt với cơ quan điều tra, thậm chí khi ra tòa, họ vẫn “ngây thơ” trả lời không biết làm như vậy là vi phạm luật pháp. Điều này không thể chấp nhận được.
Mạng xã hội là ảo nhưng hệ quả mà nó mang đến là thật, không chỉ có người nổi tiếng, không chỉ có giới hoạt động nghệ thuật mà từng công dân của nước Việt Nam, ai cũng cần thông hiểu và tuyệt đối tuân thủ những quy định của pháp luật về sử dụng mạng xã hội để bảo vệ bản thân mình và góp phần bảo vệ "an ninh trật tự" trên không gian mạng.