Chơi vơi giữa xã hội trên mạng và xã hội thực tại
(DNTO) - Từ ngày mạng xã hội ra đời, thế giới tồn tại cùng lúc song song hai xã hội: Một xã hội thực tế và một xã hội ảo. Con người theo đó mà có hai cuộc đời để sống, có hai bầu trời để trú ẩn, có hai khuôn mặt để trở thành một phiên bản khác khi cần.
Trong lúc người dân cả nước đang từng giờ theo dõi sự tàn phá thảm khốc của cơn bão Yagi đang diễn ra ở phía Bắc nước ta thì trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một người vợ trẻ mếu máo cùng người chồng đẩy đứa con nhỏ ngồi trong chiếc thau nhựa đi giữa dòng nước lũ, với chú thích: "Nghẹn lòng hình ảnh sơ tán của một gia đình ở xã Ngọc Linh, Vị Xuyên, Hà Giang... Bão số 3, mưa lũ và những đau thương mất mát không bao giờ nguôi ngoai….". Lập tức hình ảnh được lan truyền mạnh mẽ và lấy đi nước mắt của rất nhiều người.
Tuy nhiên, sau đó nó nhanh chóng được phát hiện chỉ là ý tưởng được dàn dựng vào thời điểm mưa lũ của một Youtuber.
Một lần nữa người dân lại được cảnh báo cần tỉnh táo trước những thông tin trên mạng xã hội. Cần kiểm chứng thông tin trước khi bình luận và chia sẻ. Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp bị lừa đảo, bị xử phạt thậm chí đi tù có liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội. Nhưng để tỉnh táo trước một rừng thông tin rối rắm như lá bùa bát quái trên mạng xã hội; Hay đủ điều kiện, hiểu biết để kiểm chứng sự thực hư của một thông tin, không phải ai cũng làm được.
Điều đó cho thấy, chúng ta đang tồn tại cùng lúc song song hai xã hội: Một xã hội thực tế như vốn có và một xã hội ảo khởi đầu bằng sự ra đời của mạng xã hội. Con người sử dụng mạng xã hội Facebook, Twitter, Instagram... như một cách để giải phóng cảm xúc, mưu cầu sự chú ý và tự mang lại niềm vui cho chính mình dựa vào lượt tương tác như câu like, thả tim, lượt theo dõi…
Giá trị cốt lõi và hình thức bên ngoài bị đánh tráo
Chúng ta đang có hai cuộc đời, đang bơi trên hai dòng nước, đang trú ẩn dưới hai bầu trời. Chúng ta có một gương mặt thật và một gương mặt ảo… Hay nói cách khác: Trên mạng xã hội chúng ta trở thành một phiên bản khác của bản thân trong hiện thực.
Khi bạn nhờ app tạo ra cho mình một gương mặt ảo và úp lên mạng xã hội. Bạn lẫn người xem đều biết rõ đó không phải gương mặt thật của bạn. Nhưng những comment kiểu như: Đẹp quá, sang quá, thần thái quá… vẫn nổ ra ầm ầm và vẫn khiến bạn rất vui.
Để đáp ứng nhu cầu sống ảo của con người, các địa phương làm du lịch, các khách sạn, homestay, trung tâm thương mại, quán ăn, quán cafe... thậm chí chùa chiền lấy việc tạo ra không gian, chill chill để check in sống ảo làm mục tiêu kinh doanh chứ không còn chú trọng đến giá trị cốt lõi của loại hình phục vụ.
Cốt lõi của du lịch là khám phá vùng đất, con người, văn hóa, lịch sử, truyền thống ở địa phương. Cốt lõi của khách sạn là tiện nghi; Của nhà hàng là món ngon; Của quán cà phê là phải có gout riêng độc đáo... Những giá trị ấy ngày nay không còn là mối bận tâm hàng đầu của người tiêu dùng so với việc cần một không gian chụp hình sống ảo ở nơi họ đến.
Mặc dù cái “xã hội mạng” vẫn ngày đêm hoạt động nhộn nhịp, vẫn ngập tràn hỷ nộ ái ố, ai cũng mượn nơi đó làm diễn đàn để phát biểu suy nghĩ nhưng thật ra không ai tin vào những gì người khác nói trên mạng. Cái tin vừa đưa lên chưa chắc đúng, chưa chắc là tin mới, cái nhà vừa rao bán chưa chắc là có thật, cái quán ăn được review món ăn rất ngon chưa chắc đã ngon…
Sự chân thực trong giao tiếp cũng mất đi
Có câu nói vui: “Mẹ già không ở trên phây/Xin đừng báo hiếu ở đây làm gì” mỗi khi đến ngày lễ Vu Lan, hay Ngày của Mẹ. Bởi ai cũng biết, mẹ già nhất là các mẹ ở quê, đa số không biết chơi mạng xã hội để mà đọc các sattus đầy tâm trạng hiếu thảo của con.
Khi đưa hình ảnh mình lên mạng xã hội, người ta thường chọn tấm hình nào đẹp nhất, thậm chí còn photoshop cho hoàn hảo. Nhưng để “tỏ lòng hiếu thảo”, không ít người sẵn sàng đưa hình ảnh bố mẹ ốm đau gầy guộc, hốc hác, trơ xương, đeo dây nhợ ống thở lòng thòng lên mạng.
Mặc dù ra vô chạm mặt, thậm chí hai người đang ở hai phòng trong cùng một nhà nhưng người ta vẫn chúc tụng nhau nhân ngày lễ tết, sinh nhựt… với những lời có cánh tràn ngập trên mạng xã hội.
Tỉnh táo khi dùng mạng xã hội, cần kiểm chứng thông tin trước khi dùng để không hại người hại ta… cần người dùng có bản lĩnh. Tìm ra sự cân bằng giữa hai cuộc sống ảo và thực, đồng thời xây dựng được mối quan hệ kết nối sâu sắc với con người càng không hề dễ dàng. Bởi chúng ta đang chơi vơi giữa hai cuộc sống: Ảo và thực.