Khoa học nghiên cứu con người qua thói quen sử dụng điện thoại thông minh
(DNTO) - Các công ty công nghệ đang tìm cách phân tích dữ liệu về cách người dùng chạm, vuốt, cuộn, lướt web, nhắn tin và gọi điện bằng smartphone để theo dõi sức khỏe tâm thần, hầu truy tìm những hậu quả tiềm ẩn đối với quyền riêng tư và các biến chuyển tốt, xấu về sinh lý cơ thể.
Từ khi điện thoại thông minh xuất hiện, một mối lo mới đã ám ảnh người dùng, đó là sợ mình bị theo dõi. Sự dè chừng ấy không phải là vô căn cứ bởi thị trường smartphone đã có mặt một ứng dụng tên là TapCounter, có khả năng ghi nhớ mỗi lần chủ nhân vuốt, chạm vào màn hình điện thoại. Thống kê dữ liệu của phần mềm cho thấy, mỗi ngày một người có thể lướt và bấm trung bình khoảng 1.000 lượt. Chỉ với những ai không phải là tín đồ trung thành của các mạng xã hội, tần số ấy mới thấp hơn.
Tất nhiên với công ty châu Âu QuantActions, cha đẻ của ứng dụng kể trên, việc thu thập và phân tích dữ liệu từ sáng tạo của họ không nhằm hướng tiêu cực là theo dõi khách hàng như nhiều người cả lo, mà có mục đích rất tích cực, đó là để phát hiện các chỉ số quan trọng liên quan đến sức khỏe tâm trí, thần kinh. Theo Arko Ghosh, đồng sáng lập công ty và là nhà khoa học thần kinh tại Đại học Leiden, Hà Lan, thống kê tần suất sử dụng điện thoại sẽ giúp truy ra thói quen ngủ nghê, tính được mức hiệu suất tinh thần để chủ nhân có cách cải thiện tâm sinh lý.
Xa hơn nữa trong tương lai, QuantActions còn có kế hoạch ra mắt đa dạng tính năng dựa trên những thông tin chi tiết đó để sử dụng công nghệ này cho các lý do y tế đặc thù, như dự đoán các cơn co giật ở những người mắc chứng động kinh.
Dữ liệu hiện tượng sử dụng thiết bị kỹ thuật số là một lĩnh vực tuy mới nhưng lại đang phát triển nhanh chóng. Kho Big Data thống kê thu thập liên tục được từ việc dùng smartphone, thiết bị đeo và các dụng cụ số khác của từng người sẽ được “mổ xẻ” bằng trí tuệ nhân tạo AI để suy ra và chẩn đoán các hành vi liên quan đến sức khỏe và bệnh tật tâm thần.
Nghiên cứu ban đầu cho thấy, các chỉ số trong dữ liệu định vị có thể tương quan với các đợt trầm cảm cũng như những lần tái phát ở bệnh tâm thần phân liệt. Phân tích một số kiểu gõ phím nhất định có thể giúp dự đoán mức hưng cảm trong chứng rối loạn lưỡng cực. Hoặc nhận định cách trẻ mới biết đi nhìn vào màn hình điện thoại thông minh có thể phán đoán và phát hiện chứng tự kỷ.
Công nghệ này đang thu hút sự quan tâm của các Big Tech của Thung lũng Silicon. Apple, Google, Amazon đều đang nghiên cứu các tính năng của iPhone, Google Pixel hay Amazon Fire để giúp chẩn đoán bệnh trầm cảm, suy giảm nhận thức và các biểu hiện rối loạn sức khỏe tâm thần. Từ đó nhóm công ty khởi nghiệp về sức khỏe người tiêu dùng khai thác và hưởng lợi, chẳng hạn như Mindstrong cung cấp các dịch vụ chăm sóc và trị liệu tâm thần đã nhận được hàng chục triệu USD tiền tài trợ.
Theo truyền thống, chẩn đoán bệnh tâm thần thường dựa vào kinh nghiệm tự báo cáo và đánh giá y tế được thực hiện tại một phòng khám. Nhưng phương thức này chỉ nắm bắt được một thời điểm và có thể mang tính chủ quan cao, không thể hiệu quả và chính xác bằng kiểu hình kỹ thuật số cung cấp khả năng thu thập dữ liệu hành vi liên tục khi ghi lại trải nghiệm sống của một người qua các thiết bị. Big Data kỹ thuật số là một công cụ hỗ trợ quyết định thử nghiệm được các bác sĩ lâm sàng sử dụng để giúp chẩn đoán các rối loạn tâm trạng và lo âu, vừa rẻ vừa nhanh.
Những suy luận dữ liệu này còn có thể thu hút sự quan tâm của các nhà tuyển dụng, công ty bảo hiểm hoặc nhà cung cấp giáo dục, dù họ có thể sử dụng chúng theo những cách gây bất lợi cho khách hàng. Nhưng đó chỉ là “mặt trái mặt phải” của một công cụ.
Một vấn nạn khác là liệu các thuật toán có trở thành đối thủ cạnh tranh với giới bác sĩ hay không? Tuy nhiên, đây là chuyện “lo bò trắng răng”, bởi trong y khoa, sự tương tác giữa con người và đánh giá lâm sàng chuyên nghiệp không thể thay thế được, vẫn là một thành phần thiết yếu trong trải nghiệm chẩn đoán, tiếp cận điều trị và hỗ trợ bệnh nhân.