Công nghệ sinh học - đà bật cho thành công của Armon Sharei
(DNTO) - Với thành quả nổi bật của công trình nghiên cứu tế bào miễn nhiễm ung thư, Armon Sharei được vinh danh đứng trong hàng ngũ 30 nhà sáng lập trẻ dưới 30 tuổi. Công nghệ sinh học mà anh khám phá đã chinh phục được hầu bao của tập đoàn dược phẩm nổi tiếng thế giới.
Nếu ví ngành công nghệ sinh học như một cảng biển thì như Armon Sharei, chàng trai người Mỹ gốc Iran đã thả neo đúng chỗ.
Những "phát súng" dí vào tế bào ung thư
Tuy vừa ngấp nghé độ tuổi “tam thập nhi lập”, tiến sĩ hóa trẻ của Viện công nghệ Massachusetts (MIT) nay không còn thời gian nhiều cho những thú vui tuổi thanh xuân của mình như trượt tuyết, lướt ván. Bởi SQZ Biotech, cơ ngơi khởi nghiệp của Armon nay đang “vắt giò lên cổ” chạy cho kịp những đơn hàng có giá trị 1,3 tỷ đô la mà tập đoàn dược phẩm Roche đã đặt trước.
Đào tạo hệ thống miễn dịch của con người để chống lại bệnh ung thư, ý tưởng đột phá của doanh nhân Armon Sharei đã khiến Roche không thể cưỡng lại chuyện bỏ vốn đầu tư. Tất cả khởi đi từ 1 phát minh đặc thù trong số 10 sáng kiến mà Armon đã sở hữu tính đến nay.
Năm 2009, chàng sinh viên hóa nằm trong nhóm nghiên cứu đề tài làm sao để chuyển các hợp chất vào tế bào sống. Đây là một bài toán hắc búa nhưng lại là giải pháp tiềm năng, kỳ vọng giúp khoa học nghiên cứu thành công các loại bệnh và mở ra con đường khám phá những loại thuốc điều trị mới.
SQZ Biotech không lâu sau đó đã ra đời và tiếp tục các nhiệm vụ dở dàng của cả nhóm. May mắn mỉm cười với Sharei khi bất ngờ nhà đầu tư Amy Schulman hỗ trợ anh 5 triệu đô la.
Rồi càng sốc hơn, chỉ một thời gian ngắn sau, F. Hoffmann-La Roche, tập đoàn hàng đầu về dược phẩm kiêm điều trị ung thư thế giới đã quyết định đổ ngay 500 triệu USD vào start-up non trẻ này, một sự kiện gây choáng giới y học.
Tuy nhiên yêu cầu của họ cũng là một thử thách không nhỏ với ê-kíp của Armon Sharei. Đó là phát triển một công nghệ đặc biệt để làm sao tiêm được protein vào những tế bào miễn dịch của người để kích hoạt “tế bào sát thủ T” hầu tạo ra phản ứng chống lại bệnh ung thư. Nếu thành công SQZ sẽ được lợi kép, ngoài nguồn vốn đầu tư ban đầu, doanh nghiệp cũng sẽ nhận được một khoản tiền bản quyền từ Roche về việc bán các sản phẩm trong tương lai.
Để giải bài toán, ý tưởng dùng súng mini bắn các hợp chất vào tế bào qua lớp màng được Sharmon chú ý ứng dụng ngay từ đầu. Nhưng “nghĩ vậy mà không phải vậy”, bao nhiêu lần thử nghiệm vẫn chẳng thấy hiệu quả. Cho đến một hôm, đang khi cố ép đầu nòng súng có những lỗ nhỏ li ti vào thành tế bào, chưa kịp bấm nút bắn, bất chợt anh thấy hợp chất lọt qua.
Hóa ra hiệu quả có được không do tác động bắn, mà đến từ tình trạng màng tế bào bị đầu nòng súng ép vào, ma sát trực tiếp với cường độ cao nên lớp màng phải dịch chuyển giãn nở, cho phép hợp chất chảy vào nhân.
Từ cú “Eureka” này, hệ thống nén do nhóm Sharei thiết kế trở thành thứ phát minh độc đáo, một công cụ cơ bản làm nền móng cho SQZ Biotech.
Được cải thiện hoàn chỉnh, thiết bị khi ép sát màng sẽ “biến” tế bào thành như một miếng bọt biển, các lỗ nhỏ xíu đột nhiên xuất hiện ở màng ngoài, trở thành đường dẫn các phân tử hợp chất thâm nhập vào bên trong.
Thành công đến, các nhà rót vốn hài lòng và họ tấm tắc khen mình, khen người bằng những lời có cánh “Đầu tư vào SQZ vững chãi như cái tên chủ nhân của nó, Armon (nghĩa là mỏ neo)”. Còn chính Armon Sharei lại bắt đầu nghĩ đến tương lai với đầu óc của một doanh nhân chứ không thuần túy là nhà khoa học nữa.
Con đường kinh doanh rộng mở
Ban đầu SQZ Biotech định cấp phép công nghệ họ sở hữu cho các trường đại học và bệnh viện để nghiên cứu. Nhưng càng đánh giá tiềm năng sử dụng cho các mục đích to lớn hơn, cả ê-kíp đã đổi hướng kinh doanh. Đó là sẽ vừa có tiếng, có tâm y đức lại vừa có tiền khủng nếu dùng công nghệ tạo ra các tế bào sống khác nhau giúp con người chống chọi với các căn bệnh hiểm nghèo như ung thư. Bởi cơ chế dẫn truyền hợp chất vào tế bào của SQZ hiệu quả hơn các phương pháp hiện hành trên thế giới, mặt khác nó cũng thực hiện tốt trên đa dạng loại tế bào và chất liệu và ít rủi ro hơn.
Năm 2014, tạp chí Mỹ Scientific American đánh giá công nghệ sinh học SQZ là 1 trong 10 ý tưởng thay đổi thế giới. Còn mới đây tờ Fierce Biotech xếp hạng SQZ Biothech của Armon Sharei nằm trong top 15 doanh nghiệp có tiềm năng cách mạng tình hình y học toàn cầu.
Giới chuyên gia dự đoán trong vòng một, hai năm tới, công cụ của SQZ có thể được sử dụng trong các thử nghiệm ung thư lâm sàng ở người. Với giấy phép độc quyền, Sharei đang tích cực thảo luận về quan hệ hợp tác với nhiều công ty dược phẩm để phát triển thêm nhiều phương cách chế tạo các tế bào chống bệnh tật.
Nói về những yếu tố thành công của mình, Armon tóm tắt: “Phải có kế hoạch kinh doanh, lấy cho được bằng sáng chế, tham gia thi các dự án chuyên đề, sẵn sàng nhận mọi hình thức tài trợ, quy tụ cho được một đội ngũ giỏi, tận dụng triệt để môi trường mạng và nhất là đừng quá ám ảnh về thành tích khoa học”.