Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Cú hích 0,97 điểm % cho GDP
(DNTO) - Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam với số vốn lớn chưa từng có tới 70 tỷ USD nếu được đưa vào triển khai từ nay đến năm 2035 sẽ có thể làm tăng khoảng 0,97 điểm % GDP.
Thông tin tại toạ đàm "Đường sắt tốc độ cao - Thời cơ và thách thức" chiều 29/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến tổng chi xấp xỉ 70 tỷ USD, điều này sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế trong suốt thời gian dự án thi công.
“Qua đánh giá sơ bộ, nếu như số tiền này được đưa vào triển khai từ nay đến năm 2035 thì tác động của đầu tư đường sắt cao tốc này làm tăng khoảng 0,97 điểm phần trăm GDP. Đây là con số hết sức đáng kể, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế”, ông Phương đánh giá.
Đặc biệt, ông Phương cho rằng công trình này có tác động trực tiếp đến rất nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành xây dựng trong cơ cấu GDP. Ngoài ra, dự án này sẽ tác động lan tỏa đến phát triển đô thị. Tuyến đường này mở ra hơn 20 ga từ Bắc vào Nam. Trong định hướng phát triển tuyến đường sắt có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, mỗi ga đều có các khu đô thị đính kèm. Theo Thứ trưởng Phương, đây cũng là một động lực cho phát triển.
Thứ trưởng cũng cho biết thêm, ở giai đoạn 2, dự án sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế - xã hội sau khi dự án đưa vào khai thác, vận hành. Khi dự án đi vào khai thác sẽ làm gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là giảm chi phí logistic, góp phần đáng kể cho phát triển các ngành công nghiệp, ngành sản xuất kinh doanh có sử dụng đến tuyến đường sắt này.
Về lo lắng việc dồn nguồn lực lớn để xây đường sắt tốc độ cao sẽ làm ảnh hưởng đến việc đầu tư vào các ngành, lĩnh vực khác, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng nhấn mạnh, các bộ, ngành đã phối hợp rất chặt chẽ và thống nhất đưa ra 4 phương pháp huy động nguồn lực. Thứ nhất là xây dựng kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm cho ba giai đoạn đến năm 2035 trên tinh thần chủ động, cân đối nguồn lực để đảm bảo đầy đủ các nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách. Trong đó, tập trung ưu tiên chi cho đầu tư phát triển, nhất là các dự án quốc gia và trọng điểm ngành giao thông vận tải, trong đó có dự án đường sắt tốc độ cao, với tinh thần kết hợp cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, lấy ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo.
Thứ hai, huy động trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn lãi suất phù hợp, với điều kiện thị trường và tiến độ thực hiện của các dự án. Thứ ba, thu hút nguồn lực đầu tư trong nước bao gồm cả hình thức hợp tác công tư. Thứ tư, huy động nguồn lực ngoài nước có ưu đãi cao, điều kiện đàm phán hợp lý và ít ràng buộc.
"Chúng ta tin tưởng rằng công tác chuẩn bị tài chính cho dự án đường sắt tốc độ cao đã sẵn sàng để đảm bảo được nguồn lực về tài chính ở mức cao nhất", Thứ trưởng Bùi Văn Khắng khẳng định.
Đặc biệt, liên quan đến cơ chế, chính sách, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, đã đề xuất các giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp trong nước. Ví dụ như các điều kiện ràng buộc, tổng thầu phải sử dụng dịch vụ hàng hóa trong nước sản xuất được. Đây là điều kiện tiên quyết với các nhà thầu khi tham gia. Hoặc chính sách trình Quốc hội, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hoặc đặt hàng các doanh nghiệp trong nước thực hiện các hạng mục, hàng hóa trong nước có thể sản xuất được.
"Chúng tôi đã khảo sát, làm việc với doanh nghiệp, ví dụ các doanh nghiệp luyện kim, sản xuất thép hay như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về các tiền đề sản xuất đầu máy toa xe, không chỉ cho đường sắt tốc độ cao, mà hướng tới thị trường lớn hơn là hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị…", Thứ trưởng cho hay.
Nêu quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ: "Mong muốn của chúng tôi là doanh nghiệp không chỉ tham gia xây dựng đường sắt, mà doanh nghiệp dần làm chủ, trở thành chủ thể chính vận hành, quản lý đường sắt. Quan trọng nhất là phải có chiến lược triển khai việc này, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước. Cơ chế chính sách là rất cần thiết. Dự án này không thể thành công, triển khai đúng tiến độ, trơn tru nếu thiếu cơ chế chính sách đặc thù. Do vậy, phải có các cơ chế linh hoạt. Trong quá trình triển khai, phát sinh vấn đề, nếu áp dụng quy trình tuần tự thì không đủ linh hoạt, nên cần cơ chế giải quyết nhanh các vấn đề".