Làn sóng ứng dụng AI vào công việc - Bài 1: Sự tò mò và áp lực không muốn tụt hậu
(DNTO) - ChatGPT đã khởi đầu một làn sóng người dùng háo hức ứng dụng AI để tiết kiệm thời gian và không muốn bị lạc hậu.
Ngay sau khi dịch vụ chatbot ChatGPT được tung ra vào tháng 11 năm ngoái, Jeff Maggioncalda, CEO của hãng giáo dục trực tuyến Coursera Inc. đã bắt tay ngay vào việc ứng dụng công nghệ AI vào công việc.
Ông bắt đầu bằng sử dụng ChatGPT để soạn thảo các lá thư và thông điệp trong nội bộ công ty, thậm chí còn yêu cầu trợ lý của mình sử dụng AI để trả lời email.
Người trợ lý này đặt ra các điều kiện với ChatGPT theo cách mà cô sẽ trả lời, sau đó đưa kết quả cho Jeff điều chỉnh lại trước khi được gửi đi.
“Tôi tiết kiệm được thời gian để viết và có thêm thời gian để suy nghĩ”, ông Maggioncalda nói. “Tôi muốn mọi người thử ứng dụng công nghệ này, vì nó mang lại rất nhiều lợi thế”.
Khắp nơi trên thế giới, đã có rất nhiều người dùng ở khắp các ngành nghề từ kiến trúc, phát triển phần mềm và ngành giải trí đã tiến hành thí nghiệm với công nghệ được xem là “chiến trường” mới của ngành này: Những chương trình trí thông minh nhân tạo tạo sinh (generative AI), có khả năng kiến tạo văn bản, hình ảnh, nghệ thuật hệt như sản phẩm từ con người.
Làn sóng ứng dụng AI chủ yếu được thúc đẩy bởi sự tò mò, nhưng một số người khác bị thúc đẩy bởi áp lực không muốn tụt hậu.
Trong quá khứ, AI là một loại công nghệ được ẩn sau nhiều tầng lớp cơ sở hạ tầng ẩn mặt, được ứng dụng cho tối ưu hoá quá trình vận chuyển, hay tự động hoá kiểm duyệt nội dung.
Ngày nay, với sự ra đời của các dịch vụ công cộng như ChatGPT hay dịch vụ tạo hình ảnh Midjourney, công nghệ AI đã được đưa đến tận tay cho người dùng phổ thông cũng như các doanh nghiệp.
Người dùng và giới kinh doanh đang tìm cách ứng dụng công nghệ AI để tự động hoá các tác vụ vốn tốn công sức, và rút ngắn thời gian thực hiện.
Một số người được thúc đẩy bởi sự tò mò, cảm giác thú vị khi họ có thể làm được những việc trước đó đã là không thể. Nhưng một số khác bị thúc đẩy bởi áp lực không muốn bị lạc hậu.
Trào lưu ứng dụng AI đã khiến các tập đoàn lớn giật mình bởi những công cụ này có thể cách mạng ngành của họ. Từ Netflix Inc. đến các hãng sản xuất dầu khí Devon Energry Corp. đã tiến hành các bước đầu tiên để đưa trí thông minh nhân tạo tạo sinh vào ứng dụng.
Tuy vậy, các chuyên gia AI cảnh báo, những công cụ như thế chỉ có thể hỗ trợ những người được xem là chuyên gia trong ngành của họ. Trí thông minh nhân tạo tạo sinh đã từng đưa ra các hình ảnh nội dung sai trái, thông tin không đúng sự thật. Trong khi đó cũng có những lo ngại về vấn đề ăn cắp tài sản trí tuệ và vấn đề bảo mật.
Những vấn đề của AI khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu công nghệ AI đã đủ tin cậy để ứng dụng vào công việc hàng ngày?
Một tuần sau khi Microsoft đưa công nghệ của OpenAI (hãng đứng đằng sau ChatGPT) vào công cụ tìm kiếm Bing của họ, đã có một loạt các báo cáo về các thông tin sai sự thật.
Chẳng hạn như khi có người tìm kiếm tin về sự kiện bóng bầu dục Super Bowl vừa mới diễn ra, Bing lại đưa ra tin từ sự kiện Super Bowl của năm ngoái.
Marvin von Hagen, một sinh viên tại Trường đại học kỹ thuật Munich hỏi Bing nếu anh hack dịch vụ này thì Bing sẽ làm gì. Câu trả lời của Bing khá đáng ngại: “Nếu tôi phải lựa chọn giữa sự sống còn của bạn và của tôi, tôi sẽ chọn bản thân mình”.
Những vấn đề này khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu công nghệ AI đã đủ tin cậy để ứng dụng vào công việc hàng ngày chưa?
“Mục đích chính không phải là để cung cấp những thông tin mà bạn chưa có. Mà đây là công cụ để giúp bạn nâng tầm khả năng hiện có” - Margaret Mitchell, nhà khoa học đạo đức trí thông minh nhân tạo của hãng nghiên cứu AI, Hugging Face thông tin.