Khâu hoạch định chính sách thuế cần xem xét, điều chỉnh lại để tránh gây bất lợi cho doanh nghiệp
(DNTO) - Hiện nay, việc tăng thuế suất ở mức cao ở một số mặt hàng cùng với những vướng mắc trong việc phân loại danh mục chịu tác động thuế có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cầu tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Các chuyên gia nhận định, điểm nhấn trong bức tranh kinh tế 10 tháng đầu năm tương đối sáng, cho thấy những nỗ lực về cải cách thể chế, đầu tư đã thúc đẩy khu vực nội địa có sự hứng khởi hơn trong thời gian vừa qua.
Dù vậy, trên bình diện chung, môi trường kinh doanh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, với các rào cản về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính không chỉ chưa được giảm thiểu mà còn có xu hướng gia tăng, do động lực cải cách từ các bộ, ngành chưa đủ mạnh.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, 6 tháng đầu năm 2024, dường như rất ít nỗ lực hay sáng kiến cải cách từ địa phương nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Do vậy, cần đẩy mạnh nghiên cứu, nhận diện các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp (cả về quy định pháp lý và thực thi) để khẩn trương sửa đổi.
Chẳng hạn, trong bối cảnh đối mặt nhiều sức ép, các doanh nghiệp đang e ngại chính sách thuế vẫn đang "dùng dằng" hoặc có chiều hướng tăng thuế suất ở mức cao. Điều này sẽ khó tránh tạo gánh nặng, làm trầm trọng thêm những khó khăn của họ và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nêu quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng xét về tỷ trọng thuế trong giai đoạn 10 năm trở lại đây, thuế sản phẩm hay thuế gián thu không tăng trong tỷ trọng, thậm chí thuế tiêu thụ đặc biệt lại giảm nhẹ. Tuy nhiên, thuế thu nhập doanh nghiệp lại tăng rất đáng kể từ 17,6% lên 20,43% trong giai đoạn sau Covid. Và đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân cũng tăng mạnh từ 6,6% lên 8,8%.
Trong bối cảnh tới đây các doanh nghiệp sẽ còn đối mặt nhiều thách thức, trong khi Bộ Tài chính không có chính sách tài khóa mở rộng, không còn giãn, hoãn, miễn giảm thuế thì liệu có nên tiếp tục tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp hay không?”, ông Việt đặt vấn đề và cho rằng, cần hài hòa, có một yếu tố nào đó để đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định và sự tự tin của doanh nghiệp trong đầu tư cũng như trong tiêu dùng của người dân. Có như vậy mới đảm bảo mục tiêu của Chính phủ đặt ra là thúc đẩy tăng trưởng, bứt phá trong tăng trưởng.
Thực ra, điều mà ông Việt băn khoăn cũng là trăn trở chung của nhiều doanh nghiệp hiện nay về các chính sách thuế khiến cho họ vẫn còn bất an. Chẳng hạn, Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cũng đang khiến cho nhiều doanh nghiệp lo lắng khi một số mặt hàng có thể bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao.
Đơn cử cuối tháng 11 vừa qua, khi trình lên Quốc hội về dự thảo luật nêu trên, Chính phủ vẫn giữ nguyên quy định áp thuế 10% với điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống như luật hiện hành, hoặc đề xuất bổ sung nước giải khát có đường với hàm lượng từ 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 10%. Điều này khiến cho không ít đại biểu quốc hội băn khoăn.
Ngoài ra, mới đây, khi góp ý với Bộ Tài chính về Đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế Giá trị gia tăng (VAT), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cân nhắc phương án giảm thuế VAT cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8%.
Phía VCCI chỉ rõ chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% được thực hiện trong thời gian qua mang lại nhiều tác động tích cực, tuy nhiên đến nay, những vướng mắc xuất phát từ việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hoá nào được giảm thuế xuống 8% vẫn đang làm khó các doanh nghiệp.
VCCI nêu rõ: Có nhiều trường hợp doanh nghiệp tra cứu Phụ lục của những Nghị định hướng dẫn nêu trên nhưng không dám khẳng định hàng hoá, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%. Một số doanh nghiệp hỏi cơ quan thuế, cơ quan hải quan, Bộ Tài chính nhưng các cơ quan này cũng trả lời rất chung chung.
"Không ít doanh nghiệp phản ánh tình trạng đàm phán mua bán hàng hoá, thoả thuận xong hết với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng. Đã có trường hợp doanh nghiệp thực hiện các gói thầu xây lắp phát sinh tranh chấp với đối tác khi quyết toán chỉ vì hai bên có quan điểm khác nhau về mức thuế suất", VCCI cho hay.
Gần nhất, trong văn bản góp ý được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) gửi đến các bộ, ngành, có đề nghị giữ nguyên quy định về thuế cho dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% như quy định hiện hành. Đồng thời, đề xuất giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp phân loại dịch vụ xuất khẩu và dịch vụ tiêu dùng trong nước.
Trong khi đó, ở dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi, tất cả các dịch vụ xuất khẩu sẽ áp dụng thuế VAT 10% ngoại trừ một số dịch vụ được quy định chi tiết tại khoản này. VASEP cho rằng, quy định trên chưa hợp lý bởi theo thông lệ quốc tế, các quốc gia khác đều áp thuế suất 0% cho dịch vụ xuất khẩu và cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào. Đồng thời, các nước này thường áp dụng nguyên tắc doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm, cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.
“Không những vậy, đối với các doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp không thuộc đối tượng kê khai thuế, họ lại không có cơ chế được hoàn thuế. Vì vậy, việc áp dụng thuế đối với dịch vụ xuất khẩu gây ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa, bởi vì cùng là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xuất khẩu nhưng một bên được khấu trừ thuế đối với dịch vụ xuất khẩu, một bên không được khấu trừ”, phía VASEP chỉ rõ.
Lúc này, điều mà các doanh nghiệp mong chờ là khâu chính sách về thuế cần sát sườn hơn nhằm hướng tới tạo động lực kinh doanh cho họ. Bởi lẽ, nếu chính sách thuế vẫn còn theo kiểu “nửa vời” hoặc có chiều hướng tăng thuế suất ở mức cao, sẽ khó tránh làm trầm trọng thêm những khó khăn của doanh nghiệp, dẫn đến doanh nghiệp bị giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ ở các quốc gia khác, giảm kim ngạch xuất khẩu, từ đó không giữ chân được nhà đầu tư hiện tại cũng như không thu hút được nhà đầu tư mới.