Giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19, ngân hàng có thiệt?
(DNTO) - Chuyên gia tài chính – ngân hàng tính sơ lược rằng, nếu giảm lãi suất cho vay 1% đối với dư nợ hiện hữu thì ước tính lợi nhuận ngân hàng có thể bị giảm khoảng 45.000 tỷ đồng từ nay tới cuối năm 2021.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN), với vai trò là cơ quan chủ quản, không thể làm ngơ trước bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp chật vật để tồn tại trong đại dịch mà lợi nhuận ngân hàng vẫn ở mức cao, nên đã kêu gọi sự đồng thuận hạ lãi suất cho vay.
Sau cuộc họp với NHNN và Hiệp hội Ngân hàng, đã có nhiều ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dù vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở…
Theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, luỹ kế đến tháng 6/2021 đã có khoảng 9,6 triệu tỷ đồng được cung ứng ra nền kinh tế. Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực tính sơ lược rằng, nếu giảm lãi suất cho vay 1% đối với dư nợ hiện hữu (hiện khoảng 9,6 triệu tỷ đồng) thì ước tính lợi nhuận ngân hàng có thể bị giảm khoảng 45.000 tỷ đồng (tức là thời gian giảm lãi suất áp dụng từ nay đến hết năm 2021).
Lợi nhuận cả năm năm 2020 của toàn ngành ngân hàng là khoảng 185.000 tỷ đồng. Nếu phải giảm 1% lãi suất trên tổng dư nợ hiện hữu thì con số lợi nhuận ngân hàng có thể bị ảnh hưởng là khoảng 90.000 tỷ đồng, tương đương với 1 nửa lợi nhuận của toàn ngành năm ngoái. Tuy nhiên, trong 6 tháng từ nay đến cuối năm 2021, ngân hàng sẽ bị giảm lợi nhuận, tương đương với mức giảm khoảng 45.000 tỷ đồng, TS. Cấn Văn Lực phân tích rõ.
Trong bối cảnh hiện tại, khi lãi suất huy động khó có thể giảm thêm do không còn dư địa trước lo ngại tiền sẽ chảy mạnh sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các ngân hàng cũng phải rất cân nhắc trước quyết định giảm lãi suất cho vay.
“Ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên quyết định ảnh hưởng tới chỉ tiêu lợi nhuận có thể phải xin ý kiến cổ đông", ông Lực nói.
TS. Cấn Văn Lực lưu ý thêm: Lợi nhuận những quý đầu năm 2021 hay cả năm 2020 của ngành ngân hàng chưa phán ánh đúng hiệu quả hoạt động. Vì những con số lợi nhuận này phần nào đến từ giãn, hoãn trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 01, Thông tư 03 và rất có thể nợ xấu sẽ "dềnh" lên trong những tháng cuối năm 2021 do có độ trễ đặc thù trong hoạt động ngành này.
Theo quan điểm của TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, lợi nhuận của ngân hàng cần phải được hiểu đúng, nhìn nhận khách quan, toàn diện ở các góc độ.
Lợi nhuận của các tổ chức tín dụng là kết quả của cả một quá trình và được tổng hợp từ nhiều yếu tố như: Cơ chế chính sách của Nhà nước, nỗ lực quyết liệt tái cơ cấu của tổ chức tín dụng, kết quả của ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại, nguồn thu từ thu nhập bất thường… Lợi nhuận của ngân hàng đạt mức cao là điều đáng mừng, từ đó, các ngân hàng sẽ có thêm nhiều nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế, ông Hùng nhấn mạnh.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết thêm, nếu hiểu lợi nhuận ngân hàng tăng do “ăn” chênh lệch lãi suất cao là hoàn toàn không chính xác. Thực tế cho thấy, chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra có doãng ra trong năm 2021 nhưng độ doãng ra đó hợp lý và phù hợp với thực tế (chênh lệch này chưa tính toán đến chi phí hoạt động và chi phí rủi ro) chứ không phải do ngân hàng lợi dụng việc giảm lãi suất đầu vào mà tăng hoặc giữ nguyên lãi suất cho vay.
Mới đây, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu đã đề xuất thành lập tổ hợp tín dụng 300 nghìn tỷ đồng cứu các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tổ chợp tín dụng này đi kèm với quỹ bảo lãnh tín dụng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay, đây là tổ hợp cho vay của các ngân hàng mà trước đây đã được Mỹ, Đức và một số nước áp dụng rất hiệu quả. Theo đó, các ngân hàng cùng nhau hùn vốn tài trợ cho một dự án lớn hay nhiều dự án có tính rủi ro.
“Việt Nam cần có một tổ hợp như vậy. Tất cả các ngân hàng hoạt động tại Việt Nam phải tham gia. Tỷ lệ tham gia là khoảng 3% dư nợ của mỗi ngân hàng, tính ra khoảng 300 nghìn tỷ đồng. Thời gian cho vay trong vòng 5 năm, trong đó 2 năm đầu vay tuần hoàn, 3 năm sau vay cố định và trả dần”, ông Hiếu nói.
Về đối tượng vay, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất là các hộ kinh doanh trên toàn quốc, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn tuỳ theo tiêu chí xét duyệt cụ thể.
NHNN có thể là cơ quan chủ trì xây dựng tổ hợp tín dụng này trên cơ sở làm việc với các ngân hàng thương mại, đồng thời đưa ra quy chế, với điều kiện vay phải là tín chấp, lãi suất cho vay chỉ 3%-5%, ông Hiếu nêu ý kiến.
Nguồn tiền từ đâu để cho vay với lãi suất như vậy trong khi ngân hàng đang huy động 5-6%/năm? TS. Nguyễn Trí Hiếu lý giải: Các ngân hàng có thể lấy tiền từ nguồn huy động lõi, tức là từ các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn, các tài khoản vãng lai, tiền tiết kiệm không kỳ hạn mà các ngân hàng không trả lãi hoặc phải trả lãi rất thấp.
Chuyên gia này lưu ý, cho vay tín chấp có rủi ro cao cho ngân hàng nên để ngân hàng có thể an toàn cho vay thì tổ hợp tín dụng trên cần phải liên kết với quỹ bảo lãnh tín dụng tầm quốc gia, vốn phải lên tới 30 nghìn tỷ đồng, và cho phép quỹ bảo lãnh 10 lần trên số vốn tự có (là 300 nghìn tỷ đồng).