Ngân hàng hạ lãi suất, ‘cứu’ doanh nghiệp trong đại dịch
(DNTO) - Việc một loạt các ngân hàng có động thái hạ lãi suất cho thấy, dường như các doanh nghiệp không còn đơn độc trong cuộc chiến chống Covid-19.
Ngay sau buổi họp mặt của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), đã có những ngân hàng đầu tiên bắt đầu đưa ra thông báo giảm lãi suất cho các doanh nghiệp.
Cụ thể, ngày 13/7, Sacombank thông báo thực hiện giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng - khách sạn... Ngân hàng này còn cam tiếp tục ưu đãi về phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay.
Ngoài ra, Sacombank còn triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá đến 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm để giúp các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Với Ngân hàng Agribank, các khoản vay tại thời điểm 15/7 sẽ được giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đối với vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên.
Ngày 15/7, ACB cũng công bố giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn. Đồng thời ngân hàng này còn triển khai thêm gói vay ưu đãi 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất tối thiểu 6%/năm cho doanh nghiệp và 7%/năm cho cá nhân từ nay đến 31/10.
ACB cũng sẽ xét mức độ dịch bệnh tác động đến "sức khỏe" kinh doanh của các doanh nghiệp và thu nhập của cá nhân để có mức giảm lãi suất phù hợp.
Việc hạ lãi suất ủng hộ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh dường như không phải là câu chuyện riêng của một vài ngân hàng, mà đã nằm trong sự quan tâm, ủng hộ của cả hệ thống ngân hàng. Trong thời gian tới, việc các ngân hàng thương mại tiếp theo tiếp tục hạ lãi suất sẽ không còn là bất ngờ nữa.
Trả lời báo chí, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đến hết năm 2021, các ngân hàng sẽ đồng loạt giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mức giảm cụ thể sẽ được tính toán theo tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng.
Mức giảm sẽ được các tổ chức tín dụng tính bình quân trên tổng dư nợ hiện hữu, có thể giảm từ 0,5% đến 1,5% hoặc hơn thế nữa tùy theo khả năng của các nhà băng, ông cho biết.
Chấp nhận khó khăn, sẻ chia với doanh nghiệp
Các ngân hàng thông báo các khoản lợi nhuận khổng lồ sau mỗi kỳ báo cáo không phải là chuyện hiếm gặp. Việc các ngân hàng giảm lãi suất giai đoạn này cũng có thể được xem như chuyện "nhường cơm sẻ áo", hy sinh một phần lợi nhuận của họ để giúp đỡ các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Tại cuộc họp ngày 12/7 của Hiệp hội Ngân hàng, ông Phan Đình Tuệ - Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết, tổng dư nợ của ngân hàng hiện khoảng 350 nghìn tỷ đồng, nếu lãi suất giảm 1% trong vòng 5 - 6 tháng thì lợi nhuận đã giảm trên nghìn tỷ đồng, tương đương với 40% lợi nhuận theo kế hoạch. Và theo ông, điều băn khoăn nhất là: “Với mức lớn như vậy, liệu cổ đông có chấp nhận không?”. Tuy nhiên, Sacombank là ngân hàng đầu tiên thông báo hạ lãi suất.
Trong khi đó, theo Ngân hàng Agribank, để thực hiện gói ưu đãi nêu trên, ước tính ngân hàng này sẽ dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.
Đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho biết, nếu giảm lãi suất ở mức 1%, lợi nhuận của ngân hàng này trong năm cũng sẽ giảm hàng nghìn tỷ đồng.
Đồng quan điểm, ông Phạm Quang Thắng - Phó tổng giám đốc Techcombank nhận định, ngân hàng Techcombank đã liên tục giảm lãi suất, trong đó nhóm lĩnh vực ưu tiên có lãi suất cho vay là dưới 4,5%/năm; các lĩnh vực kinh tế thiết yếu lãi suất cho vay vào khoảng 6 - 7%/năm. Ông hoàn toàn đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng.
Trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động nặng nề do dịch bệnh, khả năng lạm phát đe dọa, ông Đào Minh Tú Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngân hàng phải đồng thời giải quyết hai bài toán: Giữ năng lực tài chính của mình và đồng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Theo ông, trong bối cảnh dịch kéo dài, doanh nghiệp lại càng khó khăn hơn nên hỗ trợ bao nhiêu lúc này cũng vẫn là ít.
Vì vậy, "các ngân hàng cũng phải tính đến yếu tố an toàn tài chính, nếu không việc nợ xấu trong tương lai sẽ là vấn đề hiện hữu. Bởi khó khăn thế này thì chắc chắn nhiều doanh nghiệp khó trả nợ và sẽ trở thành nợ nấu. Mà nợ xấu thì sẽ làm mất an ninh, an toàn cho chính hệ thống tín dụng. Khi các ngân hàng thương mại mất an toàn thì không thể có nền tài chính tiền tệ quốc gia khỏe mạnh được", ông nhấn mạnh.