Du học sinh quay về góp sức cho các startup công nghệ Việt Nam - Bài 1: Dòng chảy chất xám

(DNTO) - “Chất xám chảy về nước nhà thêm hy vọng xây dựng một thung lũng Silicon mới tại Đông Nam Á".

Các bạn trẻ tại VNG, công ty công nghệ Việt Nam chiêu mộ nhiều nhân tài từ du học sinh tốt nghiệp về nước. Ảnh: Nikkei Asia
Trần Tuấn Anh đã tham gia vào hàng ngũ những doanh nhân tiên phong, thay đổi hình ảnh và vai trò của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới hiện nay. Nhưng anh vẫn nhớ những ngày khó khăn thuở đầu khi rời Tố quốc để du học tại Đại học Oxford (Anh Quốc).
Nay Trần Tuấn Anh mang tầm nhìn rộng mở từ thế giới bên ngoài trở về quê nhà. Nhiều nhân tài công nghệ như anh đang thổi sức sống mới vào ngành công nghệ Việt Nam. Họ đang tìm cách gầy dựng một chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ đủ sức để đối đầu với Trung Quốc, và tạo ra một nền kinh tế điện tử phát triển vũ bão.
Rất nhiều quốc gia đã mơ về việc tạo dựng Thung lũng Silicon của riêng họ, nhưng tại Việt Nam, những bàn luận về khả năng này thường quên đi một yếu tố cạnh tranh: Các tài năng được giáo dục ở nước ngoài.
Việt Nam từ lâu đã là quốc gia có lượng học sinh sinh viên ra nước ngoài học tập nhiều hơn các nước láng giềng. Những nhân tài du học này thu thập kỹ năng và các mối quan hệ rất hữu ích khi họ quay về nước. Nhưng cùng lúc, họ cũng mang theo nhiều lo lắng.
"Nền giáo dục Anh Quốc đã thấm nhuần trong chúng tôi một ham muốn sống có mục đích, chứ không chỉ đơn giản là kiếm tiền”, Tuấn Anh nói. Hiện anh là Giám đốc điều hành của startup Solano, một công ty tìm cách lan truyền ứng dụng tấm pin năng lượng mặt trời.

King's College Cambridge. Các trường đại học Anh Quốc đang trở thành lựa chọn ưa thích cho du học sinh Việt Nam. Ảnh: Nikkei Asia
Các chương trình du học đã mang lại thành quả sau hai thập kỷ kéo dài. Những sinh viên tốt nghiệp đầu tiên đã đi vào thị trường việc làm ở các quốc gia khác, và nay mang kinh nghiệm đã trưởng thành của họ về Việt Nam. Trong khi đó, nước ta đã loại bỏ nhiều gánh nặng của chiến tranh và đang định hướng trở thành một tâm điểm đầu tư. Nhờ đó, sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao chiếm 42% trong 2020, tăng từ con số chỉ 13% trong 2010.
Tuy vậy, trong nhiều mặt, sản lượng vẫn chưa theo đuổi kịp tiềm năng vốn có.
Các hãng cung ứng của Apple cho biết họ không thể chiêu mộ đủ số lượng kỹ sư. Việt Nam vẫn chưa cho ra đời các công ty khởi nghiệp ngang bằng với Gojek của Indonesia hay Shopee của Singapore, những tên tuổi đủ sức lan tỏa ra ngoài biên giới quốc gia. Và tư tưởng giáo dục trong nước vẫn còn cứng nhắc, sách vở, chưa thể tạo ra môi trường để phát triển một nền kinh tế sáng tạo đột phá.
Đó là chưa kể niềm tin vào các bằng cấp trong nước đang thuyên giảm. Những vị trí cấp cao thường bị giành bởi những ai có bằng cấp nước ngoài, tạo ra một sự phân cách giữa kẻ có người không.