Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM kết nối tiêu thụ hàng hóa
(DNTO) - Chiều 15/1, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình kết nối tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về kết nối tiêu thụ hàng hóa.
Chương trình kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa 5 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long gồm: Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang với Thành phố Hồ Chí Minh vừa diễn ra tại Đồng Tháp với những tín hiệu khả quan.
Chương trình thu hút hơn 100 đơn vị gồm các doanh nghiệp đến từ TP.HCM, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán của Đồng Tháp, đại diện đến từ 4 địa phương: Long An, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang.
Theo Sở Công Thương Đồng Tháp, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh tập trung phát triển 5 ngành hàng chủ lực là: cá tra, xoài, hoa kiểng, vịt, lúa gạo. Thời gian qua, Sở Công Thương Đồng Tháp và TP Hồ Chí Minh có sự kết nối đạt nhiều kết quả. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động tổ chức chương trình kết nối cung cầu với TP Hồ Chí Minh, góp phần giải quyết tốt đầu ra cho nông sản địa phương.
Đồng Tháp đang đẩy nhanh phục hồi kinh tế, song, doanh nghiệp, cơ sở của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do quy mô nhỏ, chưa kết nối được với TP Hồ Chí Minh. Tỉnh đang quy hoạch và chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, xây dựng mã vùng trồng, VietGAP, Global GAP; đẩy mạnh việc sản xuất gắn với thị trường; nâng cao sức ảnh hưởng của hợp tác xã, tổ hợp tác; chuyển đổi công nghệ số trong nông nghiệp…
Các doanh nghiệp tại TP.HCM đã cung cấp nhiều thông tin về yêu cầu của người tiêu dùng đối với hàng hóa, nông sản, về chất lượng, mẫu mã, kích cỡ, bao bì ở các phân khúc thị trường khác nhau. Bên cạnh chất lượng, giá trị văn hóa trong mỗi sản phẩm cần được quan tâm, vì đây cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo ấn tượng để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa trong thời gian tới, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị lãnh đạo các tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu TP.HCM đẩy mạnh đầu tư các dự án xây dựng vùng nguyên liệu; tạo nguồn hàng ổn định, truy xuất được nguồn gốc, thương hiệu uy tín. Qua đó, tạo lập một khu vực thị trường mới, quy mô lớn, ổn định lâu dài cho doanh nghiệp TP.HCM và các tỉnh.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay tỉnh Đồng Tháp có nhiều sản phẩm hàng hóa, nông sản đạt chất lượng cao, truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng Tháp có trên 4.300 doanh nghiệp, trên 200 hợp tác xã, 1.500 tổ hợp tác, 115 hội quán và 180 chợ, 8 siêu thị. Với số lượng này sẽ tạo ra mạng lưới phục vụ nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp tại TP.HCM.
Ông Nghĩa nhận định, việc sản xuất nông sản của tỉnh vẫn còn thiếu sự gắn kết trong từng khâu, chuỗi giá trị. Đồng thời, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã nông sản đa phần sản xuất theo hướng nhỏ lẻ, manh mún, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu tính kết nối.
"Tỉnh mong muốn các doanh nghiệp lớn tại TP.HCM đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp; hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, nâng cao kỹ năng thực hiện tốt tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế… Sự liên kết phải thể hiện rõ giữa các tỉnh, thành với TP.HCM. Đồng Tháp tập trung lấy các tiêu chuẩn nông sản để tập trung sản xuất sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng trung tâm giới thiệu nông sản ở Hà Nội và TP.HCM…", ông Nghĩa nói.
Ông Phạm Thiện Nghĩa mong muốn các nhà phân phối, nhà đầu tư hãy nêu yêu cầu đặt hàng và tỉnh luôn cầu thị lắng nghe góp ý và sẵn sàng chào đón nhà đầu tư bất cứ lúc nào.
Nhiều hợp đồng ghi nhớ hợp tác, tiêu thụ nông sản được ký kết
Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết 22 biên bản hợp tác giữa các doanh nghiệp bán lẻ, sản xuất, thương mại điện tử TP.HCM với các hợp tác xã tỉnh Đồng Tháp, trong đó có nhiều hợp đồng ký kết tiêu thụ hàng hóa dịp Tết.
Sở Công thương Đồng Tháp cũng ký kết phát triển thương mại điện tử và thu mua hàng hóa với Công ty CP Tiki, Công ty CP Công nghệ Sendo, Hội Công nghệ cao, Big C và Sở Công thương TP.HCM.
Trước đó, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cùng các đơn vị liên quan đã có chuyến khảo sát các vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.