Doanh nghiệp Việt ‘chậm lớn’ vì vướng cơ chế, khó tiếp cận vốn
(DNTO) - Bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP Group) cho rằng, không phải doanh nghiệp Việt muốn chậm lớn, có rất nhiều doanh nghiệp chân chính muốn lớn và trưởng thành một cách bài bản nhưng bị vướng cơ chế, thiếu các chính sách mang tính chiến lược, bền vững.
Cần hành lang pháp lý thông thoáng, giúp doanh nghiệp làm được nhanh những gì luật cho phép
Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, diễn ra hôm nay, 19/9, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã thẳng thắn chỉ ra một nghịch lý về hoạt động của doanh nghiệp trong nước hiện nay: “Hiếm có doanh nghiệp nước nào như doanh nghiệp Việt Nam có thể chịu đựng lãi suất trường kỳ kéo dài 10-13%/ năm. Trong bối cảnh nhiều bất lợi, chi phí vốn cao, doanh nghiệp Việt Nam vẫn trụ vững được. Tuy nhiên vấn đề là doanh nghiệp Việt lại chậm lớn, tuổi thọ thấp”.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP Group) cho rằng, không phải doanh nghiệp Việt muốn chậm lớn, có rất nhiều doanh nghiệp chân chính muốn lớn và trưởng thành một cách bài bản nhưng bị vướng cơ chế, thiếu các chính sách mang tính chiến lược, bền vững.
Đồng thời, Tổng Giám đốc IPP Group đề xuất: "Doanh nghiệp cần có các cơ chế, chính sách đột phá để tăng cường nội lực và vượt khó. Đặc biệt, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa Quốc hội, Chính phủ, chuyên gia, doanh nghiệp và toàn xã hội để tạo được hành lang pháp lý hợp lý, thông thoáng, tránh đổ thừa cho cơ chế, giúp doanh nghiệp có thể làm được nhanh những gì luật cho phép và thúc đẩy sự phát triển đổi mới", bà Thủy tiên bày tỏ.
Liên quan đến các chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công, cho biết vấn đề quan trọng lúc này là phải tháo gỡ được các nút thắt trong phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là về phát triển thị trường trái phiếu, bất động sản…
Ngoài ra, theo Chủ tịch VCCI, cần quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp mở rộng, tiếp cận với các thị trường quốc tế, khai thác các hiệp định thương mại đã được ký kết, khai thông nguồn lực cho doanh nghiệp phát triển.
“Cần phát huy được sức mạnh ngoại sinh, tranh thủ cơ hội tình hình thế giới để thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực FDI vào Việt Nam. Bởi, đây là cơ hội lịch sử khi thế giới đang thay đổi trật tự về chuỗi cung ứng, có sự dịch chuyển dòng vốn và công nghệ và nổi lên các xu thế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số… Trong bối cảnh đó, Việt Nam có thế và lực mới, khát vọng và mục tiêu phát triển cũng đã khác, vì vậy, cần có những chính sách để kịp thời nắm bắt được dòng vốn, tạo hiệu ứng lan tỏa cho phát triển doanh nghiệp bản địa. Đồng thời, cần có chính sách phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam, xây dựng niềm tin chiến lược của doanh nghiệp đối với môi trường kinh doanh, thể chế và chính sách”, Chủ tịch VCCI nói.
Doanh nghiệp Việt khát vốn cao độ trong khi dòng tiền lại không khai thông
PGS.TS Trần Đình Thiên cũng chỉ ra nút thắt mà các doanh nghiệp trong nước đang gặp phải, đó là doanh nghiệp thì “khát vốn” cao độ, trong khi dòng tiền lại không thể khai thông, điều này đã gây tác động tiêu cực không nhỏ đến nỗ lực tăng trưởng.
Nói về tình trạng này, ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN), cho biết các doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn trong câu chuyện tiếp cận vốn, vì tín dụng tăng trưởng thấp mà doanh nghiệp có hai điểm không đạt được là điểm tín dụng tốt và tài sản thế chấp, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang giảm giá dẫn đến định giá lại tài sản đảm bảo bị tụt dốc lớn.
“Có một câu hỏi đặt ra hiện nay là tại sao ngân hàng thương mại đang “thừa tiền” mà doanh nghiệp không tiếp cận được vốn? Vấn đề “thừa tiền” của hệ thống ngân hàng cũng không hoàn toàn chính xác, mà đó là tiền dôi dư; nghĩa là các ngân hàng thương mại sẽ có một tài khoản ở Ngân hàng Nhà nước phải dự trữ bắt buộc theo tỷ lệ quy định. Phần vượt lên trên mức dự trữ bình quân gọi là phần dôi dư vốn khả dụng, nhưng nó chỉ có thể nằm ở một số ngân hàng thương mại lớn; còn các ngân hàng thương mại nhỏ thì vẫn đang thiếu vốn vì mặt bằng lãi suất còn chênh lệch nhau. Theo ghi nhận của tôi, có những ngân hàng nhỏ vẫn huy động lãi suất cao khoảng 8%/năm để bù đắp lại thanh khoản của mình.
Với các ngân hàng, nếu tiền không cho vay ra được thì họ sẽ mua trái phiếu Chính phủ, mua tín phiếu Kho bạc Nhà nước và nếu lãi suất thấp một chút thì cũng giảm mức lỗ so với lãi suất huy động. Nếu có nhiều tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp hơn thì họ vẫn có lãi. Tất cả cho thấy có một vòng luẩn quẩn và không làm tăng trưởng tín dụng”, ông Hòe phân tích.
Dẫn kinh nghiệm từ các nước khác trong việc tiếp cận vốn, ông Hòe cho biết, có hai cách tiếp cận được đặt ra, đó là cho vay theo dòng tiền và dự án có hiệu quả, đồng thời quản lý chặt chẽ dòng tiền đó.
Ngoài ra, các nước tung ra một khoản tiền rất lớn từ ngân sách cho quỹ bảo lãnh tín dụng và bình đẳng với các đối tượng. Hàng năm, các nguồn ngân sách đều đưa qua quỹ để duy trì mức bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - khu vực chiếm vai trò lớn trong nền kinh tế về đóng góp cho ngân sách cũng như giải quyết công ăn việc làm. Bên cạnh đó còn được hỗ trợ đi kèm với bảo hiểm tín dụng, để bù đắp lại rủi ro của các quỹ bảo lãnh giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn hơn.
Về giải pháp, ông Hòe nêu quan điểm: “Cần các thể chế mang lại sự thông thoáng cho dòng tiền không bị “đông cứng”. Trong đó, quyền tài sản là hoàn toàn có thể thế chấp cho ngân hàng để vay vốn, nhưng vì hướng dẫn không cụ thể, không minh bạch nên đến nay vẫn chưa làm được”
Một giải pháp nữa theo vị chuyên gia này, đó là tập trung cho “nguồn vốn xanh, phát triển bền vững rất cần cho nền kinh tế Việt Nam mà chúng ta đang có nhiều lợi thế. Điều này đã được Tổng thống Mỹ Joe Bide nhắc đến trong tuyên bố chung của Tổng thống Mỹ Joe Bide trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua: "Mỹ sẽ ủng hộ Việt Nam chuyển dịch năng lượng".