Doanh nghiệp than 'kẹt' cả nghìn tỷ đồng vì phải kê khai 2 lần thuế VAT

(DNTO) - Hiện thủ tục về thuế và hải quan vẫn còn nhiều điểm nghẽn khiến doanh nghiệp kêu khó trong xuất hóa đơn với hàng cho vay cho mượn, tiêu dùng nội bộ chưa rõ ràng, làm phát sinh chi phí tuân thủ cao. Đặc biệt, có doanh nghiệp cho biết bị mắc cả nghìn tỷ đồng vì phải kê khai 2 lần thuế.

Năm 2024, cả nước miễn, giảm, gia hạn khoảng 191.000 tỷ đồng thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Ảnh: TL.
Nếu như trong khi năm 2023, vấn đề nóng nhất mà doanh nghiệp quan tâm là việc phát hành hoá đơn bán hàng từng lần đối với xăng dầu, thì năm 2024, câu chuyện thuế giá trị gia tăng (VAT) lại được các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn cả. Trong nhóm câu hỏi về thuế VAT, thì câu hỏi liên quan tới các tính thuế và hoàn thuế là đáng chú ý nhất.
Góp ý về sửa đổi dự thảo Luật thuế VAT tại Hội nghị "đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024", ngày 10/12, đại diện Công ty Panasonic tại Việt Nam cho hay, đối với dịch vụ cung cấp trong khu phi thuế quan và dịch vụ trong khu phi thuế quan, dịch vụ phần mềm cung cấp cho nước ngoài cần áp dụng thuế suất 0% như trước đây để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Như dự thảo luật thuế VAT vừa qua là đang thu hẹp phạm vi xuất khẩu với dịch vụ cung cấp trong khu phi thuế quan và phần mềm cung cấp cho bên nước ngoài. Cũng theo đại diện này, đối với Nghị định 123 năm 2020 quy định về hóa đơn, chứng từ đang được thực hiện, trên thực tế còn rất nhiều vướng mắc.
Vướng mắc thứ nhất là xuất hóa đơn với hàng cho vay cho mượn, tiêu dùng nội bộ hiện đang làm phát sinh chi phí tuân thủ cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp hoàn thuế khi phải xuất hóa đơn. Trong khi quy định hiện hành về kê khai các hóa đơn xuất, tiêu thụ, cho mượn nội bộ cũng chưa rõ ràng dẫn đến nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp và cơ quan thuế khi thực hiện.
"Bản chất giao dịch này không làm phát sinh thuế VAT, vì vậy đề nghị cơ quan nghiên cứu bỏ quy định này và thực hiện như trước đây theo Thông tư 19, Thông tư 119 sửa đổi Thông tư 39 quy định về hóa đơn và thuế GTGT cho hai giao dịch đều thống nhất không xuất hóa đơn và không kê khai nộp thuế", đại diện Panasonic cho hay.
Vướng mắc thứ hai là quy định về hóa đơn chuyển đổi. Theo Nghị định 123, quy định về hóa đơn chuyển đổi đã linh động rất nhiều, không yêu cầu về mẫu hóa đơn, đóng dấu và các quy định khác. Tuy nhiên trên thực tế khi thực hiện có một số bất cập.
Chẳng hạn, Thông tư 24 của Bộ Công an có quy định về cấp, thu hồi biển xe cơ giới cần chứng từ chứng minh quyền sở hữu xe, dữ liệu hóa đơn điện tử được hệ thống đăng ký quản lý xe chấp nhận trên cổng dịch vụ công hoặc cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế. Trường hợp xe chưa có hóa đơn điện tử thì phải có hóa đơn giấy hoặc hóa đơn được chuyển đổi từ hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, khi đi đăng ký thì một số cơ quan công an yêu cầu phải có giấy tờ ký, đóng dấu theo một mẫu nhất định. Trong khi phía ngành thuế chưa có đủ các mẫu quy định về hóa đơn chuyển đổi gồm dữ liệu hóa đơn điện tử được hệ thống quản lý xe tiếp nhận từ cổng dịch vụ công hoặc cơ sở dữ liệu phải có hóa đơn giấy hoặc hóa đơn được chuyển đổi từ hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy theo quy định của pháp luật.
Trả lời vấn đề này, đại diện Tổng Cục Thuế cho hay, hiện quy định về hóa đơn chuyển đổi đã linh hoạt hơn. Tuy nhiên, một số pháp luật chuyên ngành, như quy định về cấp, thu hồi đăng ký biển số xe cơ giới, có quy định về chứng từ về quyền sở hữu xe, bao gồm dữ liệu hóa đơn điện tử được hệ thống đăng ký quản lý xe tiếp nhận từ cổng dịch vụ công hoặc cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế. "Tổng cục Thuế sẽ tiếp thu ý kiến này để đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định trên".

Dù đã có những tiến bộ trong cải cách thủ tục hành chính và áp dụng công nghệ thông tin, các doanh nghiệp vẫn đối mặt nhiều vướng mắc trong thực hiện các quy định về thuế và hải quan. Ảnh: TL.
Một vướng mắc khác liên quan đến thời gian nợ tờ khai thông quan khi xuất khẩu bột đá vôi siêu mịn của Công ty CP Khoáng sản Toàn Cầu. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, do sự chênh lệch về thời gian tham vấn giá (30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai) và thời gian nợ tờ khai thông quan (15 ngày từ khi được cấp chứng nhận xuất xứ) đã gây ra nhiều vướng mắc, gián đoạn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Về vấn đề này, đại diện Tổng cục Hải quan thừa nhận sự chênh lệch giữa hai mốc thời gian và đưa ra hai giải pháp. Một là kéo dài thời gian nợ tờ khai thông quan lên 30 ngày để đồng bộ với thời hạn tham vấn giá. Hai là rút ngắn thời gian tham vấn giá để phù hợp với quy định hiện hành. Tuy nhiên, việc điều chỉnh thời hạn tham vấn giá có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong chuẩn bị hồ sơ. Các cơ quan liên quan cam kết tiếp tục nghiên cứu để đưa ra giải pháp hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp và đảm bảo hiệu quả quản lý.
Đặc biệt, đại diện một doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc trần tình câu chuyện về hoàn thuế VAT. Cụ thể, cả nghìn tỷ đồng hoàn thuế bị "kẹt" hơn năm nay vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết. Đã nhiều lần công ty gửi công văn lên hỏi các thủ tục hoàn thuế. Đáng chú ý, do công ty đang có hợp đồng gia công với doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh nên lo việc "một chốn đôi nơi" sẽ khiến cho việc đồng bộ trong hoàn thuế không đạt được.
Trả lời vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, đã có công văn hướng dẫn doanh nghiệp về việc hoàn thuế VAT đã nộp thừa. Theo đó, số thu của cấp ngân sách nào hưởng thì sẽ do chính cấp đó hoàn trả.
Chi 191.000 tỷ đồng để miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, phí
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, cho biết 11 tháng của năm 2024, để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính đã chủ động miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất như: Giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế thuế VAT 10%; giảm phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất...
“Quy mô hỗ trợ của các giải pháp này là khoảng 191.000 tỷ đồng, trong đó số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là khoảng 95.000 tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm khoảng 96.000 tỷ đồng”, ông Tuấn thông tin.
Đồng thời nhấn mạnh, phần lớn doanh nghiệp sau thời gian hỗ trợ gia hạn đến hạn nộp thuế đã nộp đủ mặc dù còn rất khó khăn. Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và sắp được ban hành ngay trong thời gian tới; triển khai thực hiện Luật Thuế VAT (sửa đổi) ngày 26/11/2024 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 29/11/2024.