Bộ Tài chính: 'Muốn chặn đầu cơ, hạ giá nhà, áp thuế bất động sản thôi là chưa đủ'
(DNTO) - Đồng tình với đề xuất đánh thuế người có nhiều bất động sản để tránh đầu cơ. Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhận định, chỉ riêng chính sách thuế sẽ không đáp ứng được yêu cầu mà phải đồng bộ các chính sách khác nữa như chính sách đất đai, quy hoạch… để tránh đạt mục tiêu này lại ảnh hưởng mục tiêu khác.
Cách đây ít ngày, Bộ Xây dựng đã gửi báo cáo lên Văn phòng Chính phủ, trình bày về các nguyên nhân khiến giá bất động sản tăng cao. Bộ Tài chính cũng được giao nhiệm vụ nghiên cứu và tư vấn về chính sách thuế đối với những căn nhà thứ hai hoặc những lô đất bị bỏ hoang, không sử dụng.
Đề xuất của Bộ Xây dựng được đưa ra trong bối cảnh giá bất động sản, nhà ở liên tục tăng cao "bất thường" so với tình hình thị trường và nhu cầu người dân. Báo cáo quý II của Bộ Xây dựng cho thấy, giá chung cư tăng khoảng 5-6,5% so với 3 tháng đầu năm. Đà tăng mạnh 28-33% tập trung ở một số dự án cũ, hoạt động nhiều năm. Thậm chí, một số khu tái định cư cũng tăng giá 20% theo năm. Một số dự án căn hộ mở bán mới ở Hà Nội thời gian qua có giá từ 55 triệu đồng một m2.
Theo Bộ Xây dựng, nhân tố góp phần đẩy giá nhà tăng cao thời gian qua có sự "góp mặt" của một số chủ đầu tư, nhóm nhà đầu tư, đầu cơ và môi giới bất động sản. Đơn cử, nói về các phiên đấu giá có mức trúng trên trăm triệu đồng/m2 gần đây tại huyện ngoại thành Hà Nội, Bộ Xây dựng cho rằng nhiều hội nhóm đầu tư chuyên tham gia đấu giá rồi bán ngay để kiếm lời. Ngoài khu vực đấu giá, nhiều môi giới trực chờ kết quả, sẵn sàng chào mua, bán đất với giá chênh 200-500 triệu đồng/lô. Việc mua đi bán lại nhiều lô đất nhằm thu lợi bất chính diễn ra phổ biến, thậm chí mang tính tổ chức, làm tăng mặt bằng giá đất, nhà ở xung quanh.
Một số hội nhóm, nhà đầu tư và các cá nhân môi giới bất động sản nhiễu loạn thông tin thị trường để "thổi giá", tạo giá ảo... và lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để thao túng tâm lý, lôi kéo đầu tư theo tâm lý đám đông để trục lợi.
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư cũng góp phần đẩy giá nhà ở bằng cách "đưa ra giá chào bán cao", nâng mức lợi nhuận kỳ vọng cao hơn mức trung bình các dự án bất động sản. Tại khu vực chỉ có số ít, thậm chí một dự án mở bán, chủ đầu tư có thể nâng giá để thu lợi, do không có cạnh tranh và giá tham chiếu.
"Chính các hoạt động của hội nhóm đầu cơ, sàn giao dịch, môi giới và một số chủ đầu tư là một phần nguyên nhân đẩy giá bất động sản, nhà ở thời gian qua", Bộ Xây dựng nói trong báo cáo.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3 của Bộ Tài chính, ngày 27/9, thông tin về đề xuất nghiên cứu đánh thuế trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà đất, đặc biệt trong bối cảnh giá nhà đất ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM tăng vọt thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi bày tỏ sự đồng tình cao. "Đây là đề xuất rất đáng tiếp thu và nghiên cứu".
Tuy nhiên Thứ trưởng cũng cho rằng, trong tổng thể thị trường bất động sản nói chung, giá nhà đất nói riêng, nếu chỉ xét riêng về chính sách thuế, sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu cho phát triển thị trường mà cần đồng bộ nhiều chính sách khác như đất đai, quy hoạch... Theo đó, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu các chính sách tài chính nói chung về đất đai, về thị trường bất động sản, qua đó góp phần phát triển thị trường minh bạch, ổn định, bền vững.
"Các chính sách khi ban hành cần phải xem xét toàn diện, tránh tình trạng đạt được mục tiêu này nhưng ảnh hưởng đến mục tiêu khác, và rồi mục tiêu cuối cùng lại không đạt được", ông Chi nhấn mạnh.
Đây không phải lần đầu giải pháp đánh thuế bất động sản thứ hai được nêu nhằm hạ giá nhà. Mới đây, VARS cũng đề xuất chính sách thuế bất động sản áp cho hai đối tượng, gồm người mua căn nhà thứ hai trở lên và chủ sở hữu bỏ hoang dự án. Mức thuế sẽ tăng dần với giao dịch mà người bán có thời gian sở hữu ngắn.
Tháng 8/2023, cử tri TP. HCM đề nghị đánh thuế với nhà thứ hai và áp thuế cao hơn với nhà đất bỏ trống, không thu được giá trị từ đất. Thời điểm đó, Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật Thuế bất động sản, trong đó đề cập chính sách thuế với hành vi này.
Rõ ràng, "giấc mơ" cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số… sẽ không thể thành hiện thực nếu buôn đất vẫn được coi là ngành nghề sinh lời chủ lực. Do đó, dù lộ trình đánh thuế không dễ do cơ chế quản lý thông tin đất đai chưa thực sự rõ ràng, cũng không nên vì thấy khó mà bỏ qua hoặc chậm trễ ban hành chính sách này. Cần được xem là một trong những giải pháp cấp bách điều tiết thị trường, để cụ thể hóa quan điểm “nhà là để ở, không phải để đầu cơ” và chỉ khi đó, giấc mơ an cư của người lao động mới bớt xa vời.
Cũng tại buổi họp báo, theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), dự kiến tháng 10 sẽ thông qua, căn cứ vào tình hình thực tế để ban hành mức phù hợp khi xác định ngưỡng không chịu thuế.
Hiện nếu hộ gia đình có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì không chịu thuế GTGT. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá của Ủy ban Tài chính ngân sách dự kiến 2 phương án nâng ngưỡng không chịu thuế GTGT lên mức dưới 200 triệu đồng/năm hoặc dưới 300 triệu đồng/năm.
“Trách nhiệm của cơ quan thuế là đưa ra đánh giá tác động cụ thể, đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa thuế GTGT với thuế thu nhập cá nhân, giữa đối tượng kinh doanh và người làm công ăn lương”, ông Minh nói.
Thu ngân sách 9 tháng sắp "cán đích"
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, lũy kế thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đến ngày 15/9 đạt 1.380,7 nghìn tỷ đồng, bằng 81,2% dự toán, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2023. Ngân sách Trung ương đạt 86,1% dự toán, ngân sách địa phương đạt khoảng 76,2% dự toán. Ở chiều ngược lại, tổng chi NSNN ước đạt 1.160,2 nghìn tỷ đồng, bằng 54,7% dự toán.
Cho biết đến cuối tháng 9, tổng thu NSNN đã gần đạt dự toán cả năm, xấp xỉ khoảng 85%. Bên cạnh đó, số thu ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đều đạt khá với tiến độ thu tốt so với dự toán.
Hết năm 2024, trường hợp thu ngân sách vượt dự toán được giao, Bộ Tài chính sẽ cân đối ngân sách để trước hết đảm bảo các nhu cầu chi thường xuyên, chi cho đầu tư phát triển, đồng thời đáp ứng đủ nguồn vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng quan trọng.
Theo kế hoạch trước đó, dự toán thu NSNN năm 2024 ước đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa hơn 1,44 triệu tỷ; thu từ dầu thô khoảng 46.000 tỷ đồng; thu cân đối từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu dự kiến 204.000 tỷ đồng; và thu viện trợ khoảng 6.575 tỷ đồng.
Với tiến độ thu đạt 85% kể trên, ước tính NSNN đã thu trên 1,44 triệu tỷ đồng sau 9 tháng. Đáng chú ý, đây cũng là tiến độ thu 9 tháng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.