Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít xăng
(DNTO) - Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng giảm từ 4.000 đồng/lít xuống còn 3.000 đồng/lít; dầu giảm 500 đồng/lít theo đề xuất của Bộ Tài chính gửi xin ý kiến các bộ, ngành, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam.
Ngày 3/3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã ký văn bản gửi các bộ ngành, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam để lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Theo dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng (trừ etanol) từ 4.000 đồng/lít xuống còn 3.000 đồng/lít.
Đối với các mặt hàng dấu, Bộ Tài chính đề xuất giảm 500 đồng/lít. Cụ thể, dầu diesel giảm còn 1.500 đồng/lít; dầu hỏa còn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn còn 1.500 đồng/lít/kg.
Bộ Tài chính đề xuất mức giảm thuế bảo vệ môi trường nêu trên có hiệu lực từ ngày Nghị quyết được ký ban hành đến ngày 31/12/2022.
Theo Bộ Tài chính, với sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2022 sẽ tương đương năm 2019 và mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất thì dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm 1 năm khoảng 14.524 tỷ đồng/năm, từ đó tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) cả năm khoảng 15.976 tỷ đồng/năm (số giảm thu ngân sách nhà nước bình quân 1 tháng là 1.331,4 tỷ đồng/tháng).
Tuy nhiên, nếu tính giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ 1/4/2022 thì số giảm thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế GTGT) sẽ khoảng 11.982 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ Tài chính, với giả thiết thời gian có hiệu lực của biện pháp giảm thuế bảo vệ môi trường là từ ngày 1/4/2022 và giá bán lẻ xăng dầu trong nước ổn định ở mức hiện tại trong 9 tháng còn lại của năm 2022 thì ước tác động của biện pháp giảm thuế giúp giảm CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,67%.