Để Đài Loan trở thành 'nền kinh tế không thể thiếu' - Bài 3: Một việc không tưởng
(DNTO) - Dù có nhiều nỗ lực từ các hãng công nghệ cũng như chính quyền Mỹ để mang dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc và Đài Loan, nhưng để thực sự thành công trong việc này là vô cùng khó.
Bài 1: Thế trận tam giác
Bài 2: Hiểm họa chiến tranh
Vào ngày 10/4 gần đây, Bắc Kinh đã triển khai một cuộc tập trận bủa vây Đài Loan (Trung Quốc), đây là hành động phản ứng cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ (2023) Kevin McCarthy tại Calfornia.
Khả năng chiến tranh tiềm tàng tại Đài Loan ban đầu chỉ ảnh hưởng đến các hãng công nghệ phương Tây, nhưng nay, ngay cả các hãng thuộc đảo quốc này cũng đang rất lo ngại.
“Chúng tôi phát triển song song với công cuộc đổi mới, mở cửa của Trung Quốc trong các thập kỷ qua, nhưng thời kỳ tươi đẹp đó đã kết thúc. Ngày càng rõ việc chính quyền Bắc Kinh coi trọng vấn đề chính trị hơn là phát triển kinh tế” - theo lời một giám đốc điều hành tại một hãng cung ứng cho Apple, với nhà máy tại Trung Quốc. “Chiến thuật của chúng tôi chuyển sang chờ đợi, cùng lúc thúc đẩy phát triển dây chuyền sản xuất tại Đông Nam Á và Ấn Độ, dần dần chuyển nguồn vốn ra khỏi Trung Quốc trong vòng vài năm tới”.
Benjamin Hein, Giám đốc điều hành của Merck tại Trung Quốc và Đông Nam Á, một hãng nguyên liệu và hóa chất Đức, cho biết: “Phải mất ít nhất ba đến năm năm để một quốc gia có thể xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn. Nó không thể diễn ra trong một sớm, một chiều. Đôi khi phải mất từ 5 đến 10 năm để một quốc gia tạo ra được một chuyển biến công nghệ cơ bản”.
Chính quyền Mỹ đang tìm cách xúc tiến quá trình đó, với trọng tâm vào sản xuất chip. Nước này đưa ra nhiều ưu đãi để chiêu dụ các hãng như TSMC của Đài Loan, Samsung của Hàn Quốc, để họ có thể xây dựng ngành sản xuất bán dẫn tại Mỹ.
Thành tựu lớn nhất trong nỗ lực của Mỹ là nhà máy của TSMC tại Arizona. Nơi đây sẽ sản xuất loại chip cực kỳ cao cấp 3-nanometer, được sử dụng trong siêu máy tính, smartphone, xe hơi, máy bay chiến đấu và nhiều trang thiết bị quân sự.
Nếu kế hoạch của chính quyền Mỹ thành công, nước này sẽ có thể sản xuất 26% chip vi xử lý cao cấp trên toàn thế giới vào 2027, tăng 10% so với hiện nay - theo dữ liệu từ Counterpoint. Hiện tại, Đài Loan đang chiếm đến 54%.
TSMC và các công ty Đài Loan hiện đang nắm quyền điều khiển hơn hai phần ba thị trường sản xuất chip thế giới. Đóng vai trò đi đầu trong công nghệ sản xuất chip tối tân, dây chuyền sản xuất của Đài Loan là không thể thay thế cho bất kỳ nền kinh tế nào, từ Mỹ cho đến Trung Quốc.
Đài Loan cũng đứng đầu trong các khâu sản xuất đơn giản hơn trong chuỗi cung ứng ngành công nghệ. Một trong những công đoạn hay bị lãng quên là đóng gói và thẩm định chip, bước cuối cùng trong sản xuất chip vi xử lý, có đến 30% thị phần được đảm nhiệm bởi các hãng Đài Loan. Một ví dụ khác là bảng mạch điện tử, linh kiện cơ bản không thể thiếu trong ngành công nghệ, Đài Loan cũng sản xuất ⅓ tổng sản lượng thế giới.
Chip vi xử lý của Apple với mác “Made in America” vẫn được lắp đặt trên bảng mạch sản xuất tại Đài Loan.
Dù cho các hãng công nghệ đạt nhiều bước tiến rời khỏi phụ thuộc vào Đài Loan và Trung Quốc, tình cảnh thật sự không đơn giản.
Trong trường hợp của Apple, hãng này đã bỏ ra nhiều năm khuyến khích các đối tác cung ứng xây dựng dây chuyền sản xuất bên ngoài Trung Quốc, xây dựng nhà máy ở các quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam, nhưng 151 trong số 188 hãng làm việc với Apple có ít nhất một cơ sở sản xuất ở Trung Quốc, 41 có cơ sở tại Đài Loan.
Riêng tại Đài Loan, có đến 70 cơ sở sản xuất cung ứng cho Apple, chủ yếu sản xuất chip cao cấp, bảng mạch và ống kính camera chất lượng cao, kèm theo các dịch vụ đóng gói và thẩm định chip.
Trải qua nhiều thập kỷ, Apple đã xây dựng một trong những hệ thống dây chuyền sản xuất tinh vi nhất thế giới, với Trung Quốc và Đài Loan làm trọng tâm. Họ đã đánh đổi tính đảm bảo an ninh và bền vững lâu dài cho mức độ hiệu quả và giá thành thấp. Đây là một chiến thuật mà nhiều công ty đa quốc gia theo đuổi.
Đến lúc cần phải thay đổi chiến thuật đó, thì các hãng cung ứng và khách hàng của họ lại phải đối mặt với tầm cỡ phức tạp và chi phí đáng sợ.
Apple đã đặt ra một yêu cầu không tưởng cho các hãng cung ứng: Sản xuất linh kiện ở các nước khác ngoài Trung Quốc và Đài Loan nhưng vẫn giữ giá thành cũ.
Một giám đốc điều hành của Foxconn bàng hoàng: “Apple muốn giá linh kiện sản xuất tại dây chuyền iPhone ở Ấn Độ có giá bằng với dây chuyền ở Trung Quốc. Làm sao mà được? Ta sẽ cần phải thuê nhiều nhân công khác, phải xây nhà máy mới, hay chí ít cũng phải vận chuyển nguyên liệu từ các nước khác. Rồi còn phải đối phó với chi phí hậu cần.”
Việc tách khỏi Trung Quốc sẽ không rẻ, nhưng việc cắt đứt quan hệ với Đài Loan sẽ có cái giá thậm chí còn cao hơn. Có ai sẵn sàng trả tiền cho việc đó?