Trung Quốc cảnh báo hiểm họa an ninh từ chip Micron
(DNTO) - Cơ quan quản lý mạng Trung Quốc cảnh báo hiểm họa an ninh từ chip bán dẫn sản xuất bởi Micron, một hãng công nghệ Mỹ. Động thái này được đánh giá là một “đòn trả đũa” cho Hội nghị G7 vừa qua.
Cổ phiếu của Micron Technology Inc., một công ty chế tạo chip vi xử lý máy tính Mỹ, đã sụt giảm sau khi có tin Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) tuyên bố sản phẩm của họ không đạt tiêu chuẩn an ninh, đe dọa doanh số của công ty này trên một thị trường quan trọng.
Bắc Kinh đã cảnh báo các cơ quan cơ sở hạ tầng chính yếu không nên sử dụng sản phẩm của Micron, với lý do họ phát hiện nhiều vấn đề an ninh “tương đối nghiêm trọng” trong sản phẩm của hãng này hiện đang bày bán tại thị trường Trung Quốc.
Cụ thể, chính quyền Trung Quốc nói các linh kiện của Micron có thể mang đến "rủi ro an ninh quan trọng đối với chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia", ảnh hưởng đến an ninh quốc gia - theo tuyên bố từ CAC.
Ngay sau tuyên bố này, cổ phiếu của Micron giảm 5%, xuống còn 64,76 đô la, một mức giảm lớn nhất trong vòng hai tháng qua. Tuy nhiên, giá cổ phiếu Micron đã phần nào hồi phục, kết thúc phiên giao dịch với mức giảm 2,8%, còn 66,23 đô la ở sàn giao dịch New York. Nhìn chung trong toàn năm 2023, cổ phiếu này đã tăng khoảng 33%.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết Mỹ đang trực tiếp liên lạc với các cơ quan Trung Quốc để hiểu rõ hơn về quyết định này. Quan chức được giấu tên cho rằng hành động này là một đòn trả đũa Hội nghị G7 vừa qua ở Nhật Bản vào tuần trước.
Cuộc họp thượng đỉnh của nhóm các quốc gia G7 đã tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng, đồng thời tìm đến nhiều giải pháp chống lại "sức ép kinh tế" của quốc gia này.
Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã tuyên bố họ đã tiến hành xem xét các vấn đề an ninh đối với hàng nhập khẩu từ Micron từ sáu tuần trước. Micron khẳng định họ cam kết cho tính an toàn của sản phẩm.
Nói chuyện trong một sự kiện họp báo ở nhà máy tại Hiroshima, Sanjay Mehrotra, Giám đốc điều hành của Micron, cho biết: “Chúng tôi đang đánh giá kết luận và xem xét các bước tiếp theo. Chúng tôi mong muốn tiếp tục tham gia thảo luận với chính quyền Trung Quốc”.
Chuyên gia phân tích Edison Lee của hãng Jefferies nói, tuyên bố của CAC sẽ chỉ có ảnh hưởng nhỏ đến Micron, bởi hãng này tập trung vào các mảng “cơ sở hạ tầng thiết yếu” như trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây.
Trong năm ngoái, khoảng 11% doanh thu của Micron đến từ Trung Hoa Đại lục. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm chip bộ nhớ bán tại Trung Quốc chỉ được sử dụng cho các sản phẩm tiêu dùng như smartphone hay máy tính cá nhân. Theo đó, ảnh hưởng từ bất kỳ lệnh cấm nào của Trung Quốc sẽ chỉ mang tính tạm thời.
Ngành công nghệ đang trở thành chiến trường tranh chấp giữa Mỹ cùng các đồng minh và Trung Quốc. Trước đó, chính phủ Mỹ đã đưa nhiều công ty công nghệ Trung Quốc vào “danh sách đen”, hạn chế cung cấp chip vi xử lý tiên tiến và hạn chế các công ty Mỹ cung cấp thiết bị, công nghệ hỗ trợ sản xuất chip đến với Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng quyết định của Trung Quốc là một đòn trả đũa cho các biện pháp từ phía Mỹ cũng như của cuộc họp G7. Họ cảnh báo các doanh nghiệp đang hoạt động tại Trung Quốc cần phải cẩn trọng.
Một phát ngôn viên của chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ ý kiến rằng quyết định của CAC là trả đũa.
“Đó là một hành động cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia”, Mao Ning của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết vào hôm thứ Hai, 22/5. “Đánh giá an ninh (cho Micron) là để ngăn chặn các vấn đề về an ninh mạng, những tác hại mà nó gây ra cho cơ sở hạ tầng và an ninh quan trọng của quốc gia”.