‘Đại bàng’ sản xuất chip từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc… ồ ạt đến Việt Nam

(DNTO) - Việt Nam đứng thứ 3 châu Á trong xuất khẩu chip bán dẫn vào Mỹ. Đặc biệt, đã có con chip 100% do Việt Nam làm chủ và sản xuất từ khâu thiết kế đến khâu cuối cùng.

Năng lực sản xuất chip của Việt Nam đã lên tầm cao mới. Ảnh: T.L.
Việt Nam đã có tên trên bản đồ chế tạo chip
Ngày 29/9, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam diễn ra, thảo luận về việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Chia sẻ tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam. Nước ta hoàn toàn đủ thế mạnh phát triển ngành công nghiệp này khi hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, nhiều trường đại học, cơ sở đào tạo uy tín với lượng nhân sự dồi dào kỹ thuật công nghệ dồi dào; nhiều doanh nghiệp nội địa lớn có nguồn lực phát triển ngành bán dẫn như: Viettel, VNPT, FPT, CMC…
“Cách đây 2 tuần, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhấn mạnh việc hợp tác về đổi mới sáng tạo và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là một nội dung quan trọng. Trong đó đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam khi đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc...”, ông Dũng nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đang trên đà phát triển và thu hút nhiều “đại bàng”, bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI) ví Việt Nam như “ngọn hải đăng” của sự ổn định và tăng trưởng khi đã thể hiện khả năng phục hồi và thích ứng vượt trội trong năm 2022, bất chấp những thách thức toàn cầu.
Đặc biệt, việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam cũng nâng cao vị thế của Việt Nam trong hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á và toàn cầu.
Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) Nguyễn Văn Khoa cho biết sự kiện Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ với nhiều doanh nghiệp công nghệ Mỹ, việc những “ông lớn” ngành chip đã có mặt tại Việt Nam, một số khác tìm hiểu cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nội địa, là bước tiến mới, mở cơ hội để các doanh nghiệp Việt tham gia vào thị trường nghìn tỷ USD.
Việt Nam đã có tên trên bản đồ chế tạo chip toàn cầu. Chip sản xuất từ Việt Nam chiếm hơn 10% tổng lượng chip nhập khẩu của Mỹ, đứng thứ 3 châu Á (sau Malaysia và Đài Loan) nếu xét về doanh số. Đặc biệt, có con chip 100% do người Việt Nam làm chủ và sản xuất từ khâu thiết kế đến khâu cuối cùng, theo Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đó là lý do nhiều “đại bàng” chọn Việt Nam làm điểm dừng chân trong chuỗi cung ứng chip. Intel - 1 trong 3 nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới đầu tư 4 tỉ USD mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại TP.HCM.
Các “ông lớn” bán dẫn khác từ Mỹ như Amkor cũng dự kiến khánh thành nhà máy tại Bắc Ninh trong tháng 10 tới. Synopsys, Marvell cũng đã có kế hoạch hợp tác hoặc đầu tư xây dựng trung tâm ươm mầm và thiết kế bán dẫn (công đoạn quan trọng nhất trong sản xuất chip, gồm thiết kế, sản xuất và đóng gói).
Tập đoàn Hana Micron Vina (Hàn Quốc) xây dựng nhà máy sản xuất chất bán dẫn đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam (Bắc Giang). Các tập đoàn bán dẫn từ Đức cũng đang có kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam.
“Sự phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đang sôi động, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, nhất là công nghệ máy tính, AI, chip bán dẫn”, ông Khoa nhấn mạnh.
Cơ chế “VIP” cho ngành bán dẫn

Intel là một trong những "đại bàng" hăng hái khi mở rộng sản xuất chip ở Việt Nam. Ảnh: T.L.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ rằng muốn phát triển lĩnh vực bán dẫn thì cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn để thu hút “đại bàng”.
Chính phủ Việt Nam đã giao các bộ ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực, mục tiêu có 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030. Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, sẵn sàng “trải thảm” đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao.
“Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam”, ông Dũng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cũng nhìn nhận, thông qua Hội nghị, một hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn của khu vực Đông Nam Á được hình thành. Đây là một khu vực có văn hóa tương đồng, dân số trẻ, trình độ công nghệ đang tăng lên…, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng chip toàn cầu, tạo đột phá phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn thế giới đang có những biến đổi không ngừng đỏi hỏi các quốc gia ASEAN và Việt Nam cần nhanh chóng thích nghi để tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cụ thể các quốc gia ASEAN cần sớm xác định thế mạnh của mình và phân vai những công đoạn có thể tham gia trong chuỗi giá trị.
“Trong khu vực, Singapore cùng Malaysia, Thái Lan có lợi thế về nền tảng công nghệ và hạ tầng, Việt Nam có nhiều ưu thế về mặt nhân lực, theo đánh giá của khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vì vậy các nước ASEAN cần có kế hoạch phối hợp hành động tổng thể”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Việt Nam đặt tham vọng trở thành trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn của khu vực và thế giới. Thứ trưởng Dũng cho biết để làm được điều này, cần có sự chung tay hành động của Chính phủ, các hiệp hội, các tổ chức, doanh nghiệp bán dẫn và nhất là các trường đại học công nghệ trong và ngoài nước.