‘Đại bàng’ tiếp tục đến Việt Nam 'làm tổ'
(DNTO) - Sau 2 quý đầu trầm lắng, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sôi động trở lại, đặc biệt nhiều “đại bàng” tăng cường hoạt động hơn tại Việt Nam.
Sau khi cùng phái đoàn Mỹ sang Việt Nam vào tháng 3 vừa qua, chỉ sau 2 tháng, Boing đã chính thức khai trương văn phòng mới tại Hà Nội.
Tương tự, tập đoàn công nghệ Intel cũng cho biết sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới, sau khi đã thành công với các dự án 1,5 tỷ USD ở TP.HCM.
Cuối năm nay, Amkor – gã khổng lồ ngành công nghiệp bán dẫn, sẽ đưa nhà máy mới tại Bắc Ninh đi vào hoạt động. Dự án có vốn đầu tư giai đoạn 1 là 500 triệu USD.
Quanta Computer (Đài Loan) đã kí kết với tỉnh Nam Định phát triển nhà máy sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi máy vi tính với tổng vốn đầu tư hơn 120 triệu USD.
Nhiều “đại bàng” khác cũng nhìn nhận Việt Nam là cứ điểm sản xuất thuận lợi trong bối cảnh biến động kinh tế, chính trị thế giới. Đó là lý do trong 8 tháng qua, đã có hơn 18 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Đáng chú ý, trong 2 quý đầu năm, tổng số vốn FDI chỉ đạt hơn 13 tỷ 400 triệu USD, giảm so với cùng kỳ năm ngoái, thì bắt đầu sang quý thứ 3 (tháng 7 và tháng 8) dòng vốn ngoại đã tăng thêm tới 5 tỷ USD, đưa tổng nguồn vốn FDI vào Việt Nam trong 8 tháng qua tăng hơn 8% so với cùng kỳ.
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho biết không ngạc nhiên trước con số trên vì trong bối cảnh dịch chuyển dòng vốn toàn cầu, Việt Nam vẫn là lựa chọn ưu tiên. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách của Việt Nam thời gian qua để thu hút vốn FDI đã phát huy hiệu quả.
Cụ thể, trong đại dịch Covid-19, khi các quốc gia hiểu rằng việc phụ thuộc vào một số căn cứ sản xuất rất rủi ro, Việt Nam lại thể hiện là quốc gia có chính sách đối phó với dịch bệnh một cách linh hoạt, trong bối cảnh vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế, tạo sức hấp dẫn để thu hút FDI.
Trong năm 2022, bất ổn địa chính trị toàn cầu đã khiến các dòng vốn đầu tư phải dịch chuyển để giảm thiểu rủi ro. Trong khi Việt Nam duy trì một yếu tố rất quan trọng đó là ổn định kinh tế vĩ mô, là một điểm cộng trong thu hút FDI. Việt Nam tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bằng hoạt động cụ thể, cải cách thủ tục hành chính, được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao.
Với góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, theo TS Vũ Đình Ánh, việc ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát có ý nghĩa rất quan trọng. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động trong thời gian vừa qua.
Đơn cử như nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, đã phải trải qua thời kỳ lạm phát lên tới gần 10% vào năm 2022 và đã hơn 10 lần tăng lãi suất cơ bản để đối phó với lạm phát. Điều này tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và chính sách thắt chặt tiền tệ trong khủng hoảng cũng tác động đến chuyển dịch dòng vốn toàn cầu. Ở châu Âu cũng liên tục phải tăng lãi suất nhưng hiện vẫn rất cao. Đây là những dấu hiệu cho thấy sự chậm lại của nền kinh tế toàn cầu, thậm chí suy thoái.
Bên cạnh lạm phát, các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm đến tỷ giá hối đoái, tức giá trị đồng tiền. Trong bối cảnh bất ổn kinh tế, một số nước ASEAN có biến động đồng tiền lên tới hàng chục %, thì Việt Nam vẫn giữ được tỷ giá hối đoái biến động 2%.
“Có thể nói đây là môi trường lý tưởng để thu hút đầu tư và đặc biệt trong bối cảnh biến động kinh tế thế giới thì nó lại nổ lên như một trong những ưu điểm hàng đầu thu hút nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ từ các nước phát triển như Mỹ, EU, mà kể cả các nước trong khu vực”, ông Ánh nhận định.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh rất gay gắt với các đối thủ trong và ngoài khu vực. Trong ASEAN, các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… cũng tăng cường các chính sách “trải thảm” đón nhà đầu tư nước ngoài. Ở châu Á, Ấn Độ cũng đang nổi lên là cứ điểm thu hút FDI chất lượng cao.
Theo TS Vũ Đình Ánh, có rất nhiều thứ mà Việt Nam phải thay đổi để cạnh tranh trong việc thu hút dòng tiền. Nhưng quan trọng nhất, Việt Nam cần tận dụng lợi thế địa chính trị, vị trí địa lý chiến lược và phát huy ưu điểm trong chính sách cũng như những đầu vào cho các dự án đầu tư nước ngoài.
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã và đang phối hợp với các địa phương, các đơn vị liên quan thúc đẩy phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế. Đặc biệt, trong Luật Khu công nghiệp, Khu kinh tế đang được nghiên cứu đề xuất xây dựng để trình cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian tới.