Nỗi buồn của doanh nghiệp Việt: Tiếp cận ‘ông lớn’ FDI nhưng bị từ chối khéo
(DNTO) - Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo Việt Nam vẫn còn rất vất vả để bước vào cuộc chơi toàn cầu.
Phải học cách để chơi với các “ông lớn”
Hiện nay Hội Cơ Khí Bắc Giang có 40 doanh nghiệp hội viên cùng các đối tác như nhà máy Z183, Z129, Z131, Z113, Tập đoàn Thaco Trường Hải.
Các thành viên cũng như đối tác đã chế tạo được hàng phụ trợ cho nhiều tập đoàn đa quốc gia hàng đầu như Seo Jin, Sam Sung, Toyota, vỏ máy biến áp từ 250MVA cung cấp cho HITACHI, thiết bị lò đốt rác xuất khẩu cho Mitsubitsi sang thị trường Nhật và các nước châu Á, các thiết bị cho nhà máy kính, xuất cho tập đoàn NSG sang các nước như Nhật, Malaysia, Braxin và Mỹ.
Tuy nhiên, ông Đinh Hồng Quân, Phó Chủ tịch Thường trực Hội các doanh nghiệp cơ khí tỉnh Bắc Giang, cho biết các doanh nghiệp của Hiệp hội cũng rất khó khăn bởi hiện nay, Hội cơ khí tỉnh Bắc Giang đã nhiều lần tiếp cận với các doanh nghiệp FDI với mục đích để chia sẻ trong công việc, tìm kiếm thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư xong đều bị từ chối khéo.
“Các doanh nghiệp FDI đang được hưởng nhiều ưu đãi, ngoài trách nhiệm lo công ăn việc làm cho người lao động, nộp thuế cho nhà nước, đóng góp một ít kinh phí mang tính xã hội cho địa phương không còn thứ gì khác. Nếu họ không được hưởng lợi, họ sẽ từ bỏ về nước hoặc đi một nước nào khác để lại hệ lụy cho địa phương là người lao động mất việc làm, kéo theo là những người phục vụ hậu cần xe cộ,cơm nước...”, ông Quân nói.
Cũng trong Hội nghị Giao ban với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hôm 31/8, Hội Cơ Khí Tỉnh Bắc Giang đề nghị cần có chính sách yêu cầu các doanh nghiệp FDI nôi địa hóa theo tỷ lệ % nhất định. Đây chính là điều để níu kéo các doanh nghiệp FDI khi họ hoạt động tại Việt Nam thì việc chuyển đi nơi khác sẽ khó hơn như hiện nay.
TS. Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cũng cho biết, nhiều khách hàng từ châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản đánh giá các doanh nghiệp Việt rất yếu về kỹ năng tìm kiếm khách hàng, ở cả các hình thức như hội chợ, triển lãm, trên trang thương mại điện tử hay qua các cơ quan xúc tiến thương mại…
“Họ không có mặt hàng truyền thống. Ví dụ công ty cơ khí Hà Nội, là doanh nghiệp đầu ngành, nhưng không có sản phẩm truyền thống thì rất khó thâm nhập thị trường. Hay doanh nghiệp Việt Nam không thể linh hoạt trong việc thay đổi kích cỡ size sản phẩm. Ví dụ Công Ty Cơ Khí Bùi Văn Ngọ, họ sản xuất các loại máy xay xát gạo rất tốt, mỗi năm xuất khẩu khoảng 4 triệu USD. Nhưng bảo họ làm kích thước to hơn thì họ không làm, vì họ ngại, ai mua thì họ bán thôi. Nếu làm thị trường châu Phi hay các thị trường mới thì một năm họ có thể xuất khẩu 15-20 triệu USD, nhưng lại thiếu thông tin thị trường, sợ đối tác lừa đảo”, ông Sáng nêu ví dụ.
Theo đại diện của VAMI, doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh vẫn ở yếu tố nhân công rẻ mạt. Nhưng so với hàng Trung Quốc, Ấn Độ, ngoài nhân công giá rẻ, họ tổ chức sản xuất tốt hơn ta. Công nghiệp hỗ trợ của họ được phân ra thành những mảng nhỏ, doanh nghiệp chuyên môn hóa từ máy móc, con người, đầu tư nghiên cứu. Chưa kể, một số sản phẩm Việt Nam chưa làm được như vật tư thiết bị, vẫn phải mua từ Trung Quốc, như vậy không cạnh tranh được với họ. Muốn cạnh tranh buộc phải giảm giá thành thuê nhân công.
“Vừa rồi tôi có dẫn một ông khách hàng Mỹ muốn tìm thiết bị trợ giúp cho việc tháo lắp ô tô, họ đặt khoảng 10.000 đơn hàng/năm. Đối tác Việt Nam chào hàng với giá 300 USD, nhưng Ấn Độ chỉ chào hàng 150 USD. Bây giờ chúng tôi đang cố gắng để làm được đơn hàng đó, vì như vậy mới có khả năng tham gia vào thị trường toàn cầu”, ông Sáng nêu ví dụ.
Dùng “chất xám” của FDI giúp doanh nghiệp nội địa “lớn”
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP (24,7%) vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng lên 26,4% trong năm 2023. Trong các ngành công nghiệp, ngành cơ khí được xem là “xương sống”, có vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.
Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đề xuất các cơ quan chức năng kết nối các hiệp hội với các nhà sản xuất nước ngoài để phát triển sản xuất, kinh doanh xuất khẩu, với các thị trường chưa được quan tâm như châu Phi và Nam Mỹ.
Đề nghị được hỗ trợ việc tổng hợp các số liệu, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Bởi Cục Xúc tiến thương mại đã có báo cáo tổng hợp 6 tháng một lần hoặc thường niên, nhưng theo đại diện VAMI, báo cáo phải có ở dạng cổng thông tin điện tử, tức phải được cập nhật liên tục thì các doanh nghiệp mới có thể tận dụng thông tin. Còn để doanh nghiệp tự tìm kiếm rất khó và có thể không chính xác.
“Sau 6-7 năm triển khai chương trình công nghiệp hỗ trợ, nhưng hầu như không có tổng kết đã làm được gì, cái gì hot, cái gì thừa rồi không nên đầu tư nữa. Hay các doanh nghiệp nước ngoài cũng thế, chỗ nào chúng ta nên đầu tư vào hay chỗ nào thị trường cần. Kể cả các thông tin về tình hình tài chính kinh doanh của đối tác cũng không nắm được, dẫn đến việc doanh nghiệp không tự tin xuất khẩu. Có lúc sản phẩm không đáp ứng được tiêu chuẩn của họ, có chỗ lại sợ bị lừa, đặc biệt là thị trường châu Phi”, ông Sáng nêu thực tế.
Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), cho biết thời gian qua đã kết hợp với tập đoàn lớn như Samsung, Toyota hay các tổ chức như GIZ, Worldbank... đào tạo hàng trăm tư vấn viên và tiếp tục đến các địa phương để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp. Giai đoạn 2021-2023 đã nâng cấp cho 50 doanh nghiệp cơ khí, chế biến chế tạo nhỏ và vừa trong nước đạt tiêu chuẩn nhà máy thông minh theo tiêu chuẩn của Hàn Quốc.
“Rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí ở miền Trung không có điều kiện tham gia tiếp tục đề nghị Cục làm việc với Samsung để gia hạn chương trình này. Cục đã làm việc với Samsung để đẩy mạnh chương trình và gia hạn từ 3-5 năm nữa. Cục Công nghiệp cũng ghi nhận ý kiến của các hiệp hội để mở rộng các triển lãm quốc tế ngành công nghiệp trong những năm tiếp theo”, ông Ngô Khải Hoàn nói.