Cơ hội ‘mượn gió’ Vinfast để ‘bẻ măng’
(DNTO) - Vinfast sang Mỹ không chỉ là sự kiện nâng tầm thương hiệu Việt, mà còn là kỳ vọng thúc đẩy chuỗi cung ứng nội địa cho ngành sản xuất ô tô.
Muốn làm ăn lớn, phải có năng lực hút tiền
Việc Vinfast niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Nasdaq mới đây đã gây bùng nổ truyền thông trong nước và quốc tế. Đánh giá sự kiện này, Ths. Nguyễn Thế Trung, chuyên gia tài chính, một trong ba người Việt Nam có chứng chỉ quan hệ cổ đông quốc tế, cho biết thực tế, Trung Quốc đã có khoảng gần 300 doanh nghiệp đã đi theo kiểu của Vinfast, tổng số vốn huy động được là hàng trăm tỷ USD, tổng vốn hóa của các công ty Trung Quốc cũng lên tới hơn 1.000 tỷ USD.
Bởi theo ông Trung, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được xếp vào thị trường cận biên. Như vậy khả năng hút vốn từ nước ngoài, những nguồn vốn quy mô vài chục, vài trăm triệu USD sẽ không thành vấn đề, nhưng với những dự án lớn, cần quy mô vốn lên tới vài tỷ USD thì rất khó. Do đó việc doanh nghiệp cần vốn lớn cân nhắc đi niêm yết nước ngoài là một khả năng cần xem xét.
Khi niêm yết, ông Trung cho biết, ngoài chuyện mua bán chứng khoán, nó thể hiện khả năng, năng lực cạnh tranh về nguồn vốn của doanh nghiệp. Nhìn số liệu bên trên thấy rõ ràng năng lực cạnh tranh vốn của các công ty Trung Quốc và các nước khác tốt hơn các công ty Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam muốn làm ăn lớn phải có năng lực, ngoài năng lực bán hàng, phải có năng lực cạnh tranh để hút dòng tiền.
“Trước đây kêu gọi đầu tư thông qua FDI, giờ phải đưa doanh nghiệp niêm yết trên sàn nước ngoài để hút nguồn vốn cạnh tranh, đó là cách làm mới. Hi vọng Vinfast là đầu đàn, sau đó sẽ có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và làm được như vậy”, ông Trung nhận định trong buổi ama thảo luận về Vinfast niêm yết trên Nasdaq mới đây.
‘Cá nhỏ’ nội địa có đủ sức bơi theo ‘cá lớn’ Vinfast?
Tháng 4 vừa qua, VinFast đã chính thức xuất khẩu lô xe VF 8 thứ hai gồm 1.879 chiếc tới Mỹ và Canada. 6 tháng đầu năm, VinFast bán ra 11.638 ô tô điện.VinFast hiện đã sở hữu nhà máy với công suất 250.000 xe/năm và có thể nâng tối đa lên tới 300.000 xe/năm. Tỷ lệ nội địa hóa của VinFast đạt 60%, theo số liệu được Vingroup công bố.
Theo Ths Nguyễn Thế Trung Ở Việt Nam đã có một đầu tàu về ngành ô tô như Vinfast đi ra nước ngoài, thì các doanh nghiệp khác sẽ có cơ hội tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng, trở thành nhà cung ứng cho Vinfast. Cơ hội Vinfast tạo ra cho những doanh nghiệp Việt Nam là cơ hội tham gia chuỗi cung ứng cho ngành sản xuất xe điện, mà trước kia không có.
“Chứng nhận ITF 16949 là tiêu chuẩn chung của ngành xe hơi mà Vinfast đang áp dụng. Muốn vào ngành xe hơi, các công ty vừa và nhỏ ở Việt Nam trong hệ sinh thái này là phải đạt tiêu chuẩn này. Nếu không có tiêu chuẩn sẽ không thể chơi chung với nhau được. Nếu thấy đây là một cơ hội lớn, thì làm sao phải phát triển, thúc đẩy hệ sinh thái. Ngay kể cả các chuyên gia nếu muốn cung cấp dịch vụ cho ngành xe hơi cũng phải đạt tiêu chuẩn này. Đây là tiêu chuẩn khá xa xỉ ở Việt Nam nên cũng hiếm có người đủ năng lực đào tạo ở Việt Nam”, ông Trung nói.
Theo Bộ Công thương, cả nước mới có khoảng 300 doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp ôtô. Trong đó có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và khoảng 250 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân, thùng xe, linh kiện, phụ tùng ôtô...
Con số này khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực. Ví dụ so với Thái Lan với gần 700 doanh nghiệp là nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cấp 1, thì Việt Nam chỉ chưa đầy 100 doanh nghiệp. Với nhà cung cấp cấp 2, cấp 3, Thái Lan đã có trên 1.700 doanh nghiệp, còn Việt Nam dừng lại ở khoảng 150 doanh nghiệp.
Theo Ths. Nguyễn Thế Trung, khi nói đến câu chuyện những thành phần, cấu tạo của xe có thể được sản xuất bởi các doanh nghiệp Việt Nam, hãy liên tưởng đến trường hợp của Samsung khi sản xuất điện thoại Samsung Galaxy Note 7. Khi đó, tổng số lượng điện thoại phát nổ vẫn đạt tiêu chí Six Sigma (hệ thống quản lý chất lượng để tìm ra lỗi), tức khoảng 1 triệu sản phẩm, có khoảng dưới 20 sản phẩm lỗi, nhưng đã gây khủng hoảng truyền thông.
“Tức về tiêu chí họ vẫn đạt, nhưng chỉ 20 sản phẩm phát nổ nó cũng tạo thành sự kiện lớn, mà qua đó Samsung họ quay ngược lại yêu cầu các nhà cung ứng phải thắt chặt chất lượng. Cuối cùng, từng thành phần trong chiếc điện thoại đều đạt Six Sigma thì cả điện thoại mới đạt Six Sigma”, ông Trung nhấn mạnh.
Trở lại với Vinfast cũng vậy, theo vị chuyên gia này, các nhà cung ứng của hãng cũng phải đạt tiêu chuẩn Six Sigma. Bởi với 1 chiếc xe hơi, theo tính toán của Six Sigma, rất nhiều cơ hội gây lỗi, trong khi xe ô tô Vinfast hiện vẫn có nhiều phần phải outsourcing (thuê ngoài).
“Vinfast đang có lợi thế về nhân sự. Nhân sự gồm nhân sự Vinfast, nhân sự trong ngành xe hơi và trong hệ sinh thái ngành xe hơi đang phục vụ cho Vinfast. Để xe bớt lỗi, các thành phần cấu thành của xe, nếu Vinfast outsourcing về cũng phải đạt tiêu chuẩn cao. Thứ hai là đội ngũ kĩ sư của các công ty này và các công ty của Vinfast cũng phải đạt các tiêu chuẩn nhất định”, ông Trung nói.