Vinfast niêm yết: Chuyên gia nói đã ‘gây bão’ tại Mỹ nhưng cần cẩn trọng những ‘cú đấm’ từ Tesla
(DNTO) - Tiến sĩ Ngô Công Trường, Giám đốc mảng xe hơi tại Việt Nam của Hiệp hội chất lượng Hoa Kỳ ASQ, nói Vinfast đang có hiệu ứng khá tốt tại xứ cờ hoa, nhưng để cạnh tranh với các ‘ông lớn’ xe điện thì cần cải thiện cách truyền thông và tiếp cận người Mỹ.
Giới chuyên gia Mỹ ‘mắt tròn, mắt dẹt’ trước hãng ô tô Việt
TS Ngô Công Trường, Giám đốc mảng xe hơi tại Việt Nam của Hiệp hội chất lượng Hoa Kỳ ASQ, Top 40 chuyên gia xuất sắc nhất thế giới về vận hành xuất sắc (Operational Excellence) vừa chia sẻ trong buổi “Ama: độc quyền thảo luận về Vinfast niêm yết trên Nasdaq”, tối 20/8.
Theo ông Trường, hiện nay, các chuyên gia trong Hiệp hội Chất lượng Hoa Kỳ (ASQ) rất ngạc nhiên kèm ngưỡng mộ với một công ty Việt Nam niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Nasdaq Đây cũng không phải là sự kiện diễn ra thường xuyên và không nhiều công ty châu Á làm được việc này.
“Rất nhiều chuyên gia người Mỹ trong các hiệp hội khác nhau như hiệp hội nhượng quyền, nhân sự, M&A…, khi tương tác với tôi đều bày tỏ sự ngưỡng mộ và nhìn Việt Nam bằng ánh mắt khác. Hiệp hội Chất lượng Hoa Kỳ có một nhóm ngành ô tô, gồm 20.000 chuyên gia trong đó, với 20 hãng xe lớn. Họ có đề xuất tôi chia sẻ nội dung này và tháng 9 tới tôi có chia sẻ lại nội dung về việc VinFast niêm yết với họ”, ông Trường nói.
Theo ông Trường, nước đi tiên phong của Vinfast cũng là điểm thuận lợi dành cho doanh nghiệp Việt Nam sau này. Đặc biệt, việc xâm nhập vào ngành trọng điểm và rất khó là xe hơi đã cho thấy tinh thần dám nghĩ, dám làm của một doanh nghiệp Việt. Đó cũng là ước mơ của tất cả các quốc gia, không riêng gì Việt Nam. Trước đây, khi Mỹ, sau đó đến Nhật, Hàn và Trung Quốc cũng rất muốn phát triển công nghiệp ô tô.
"Nếu làm điều khó mà thành công thì sẽ là một miếng pho mát rất lớn. Ở Silicon Valley, khi mình đưa ra một ý tưởng rất crazy (điên rồ), họ rất ủng hộ mình khởi nghiệp. Như vậy sau này mới tạo ra doanh nghiệp vĩ đại. Còn nếu nói ra ai cũng biết, ai cũng hiểu thì là chuyện bình thường. Ở đây chúng ta bình luận, mọi người cũng bình luận, nhưng tôi tin các nhà lãnh đạo Vinfast rất kiên định với mục tiêu vì sao họ chọn con đường khó. Ai cũng làm chuyện bình thường thì làm sao có chuyện phi thường", ông Trường nói.
Vinfast là “bậc thầy” về outsourcing nên sẽ khắc phục lỗi rất nhanh
Mặc dù trong cộng đồng người Việt tại Mỹ và cả giới chuyên gia vẫn có cả những ý kiến tích cực và tiêu cực, nhưng theo ông Trường, về vấn đề kĩ thuật, để đưa ra một chiếc xe có thể chạy trên đường, Vinfast đã rất khôn ngoan khi áp dụng các công cụ Lean (sản xuất tinh gọn), Six Sigma (nâng cao chất lượng), Outsourcing (thuê ngoài).
Việc mọi người thắc mắc về chất lượng của xe Vinfast, theo ông Trường, nếu đã nghiên cứu về quản lý chất lượng đều hiểu việc sản xuất ra xe lỗi là chuyện bình thường. Tesla, Mercedes, Ford… cũng có những đợt thu hồi xe rất lớn. Vì vậy, mọi người nên công tâm về lỗi do sản phẩm, do hệ thống hay chỉ là do người dùng không thích thương hiệu. Vinfast là “bậc thầy” về outsourcing, nên họ sẽ outsourcing rất nhanh những điểm mà họ thiếu sót.
“Outsourcing không tốt là không đúng, đây là cách thức rất khôn ngoan để chế tạo. Cái gì bên ngoài làm tốt hơn thì thuê, mua lại. Ngay cả các công ty hàng đầu như Boing, Google, Nike hay Adidas cũng outsourcing các nhà máy. Tư duy làm từ A-Z đã lỗi thời và không đúng về mặt quản trị. Bây giờ đâu cần phải phát minh ra 4 bánh xe nữa, bánh xe của các hãng khác đều do công ty Michelin làm.
Rất nhiều chuyên gia trong những tuần qua bình luận về việc này thì nó rất đáng quan ngại. Tức ngay cả các chuyên gia cũng không hiểu outsourcing là một lợi thế cạnh tranh mà đi tư vấn thì doanh nghiệp rất dễ ‘hi sinh’. Google đâu cần làm chiếc xe, họ chỉ làm bộ điều khiển gắn lên mọi loại xe là thành xe tự lái. Tương lai của Testla cũng không làm xe mà chỉ làm pin điện gắn lên mọi loại xe là có thể đi tới hàng trăm km, mọi người hiểu sai về mô hình kinh doanh” ông Trường nói.
Đặc biệt trong quá trình xây dựng và hoạch định chiến lược của Vinfast, theo vị này, một trong những điều khiến cộng đồng chuyên gia và kể cả chính trị gia Mỹ ấn tượng là tính thực thi, đây là điều “lạ” với những nước châu Á. Tinh thần thực thi giúp doanh nghiệp “fail fast – learn fast” (thất bại nhanh – thành tựu nhanh).
“Không ai làm nhanh như Vinfast, nhưng nhanh một cách có bài bản, lộ trình. Họ làm được ngày hôm nay là đằng sau đội ngũ trên toàn cầu của họ đã thực thi rất khủng khiếp”, ông Trường nhận định.
Vinfast cần làm gì để “đấu” lại Tesla
Theo TS Ngô Công Trường, hãng xe Việt Nam đã có một khởi đầu khá tốt trên đất Mỹ, nên tận dụng cơ hội này để “mượn gió bẻ măng”. Tuy nhiên, cần lưu ý một số điểm phải cải thiện.
Thứ nhất, Vinfast nên tận dụng những người Việt thành công tại Mỹ, những người có sức ảnh hưởng trong cộng đồng người Việt tại Mỹ và người Mỹ nói chung để họ sử dụng xe Vinfast. Bởi giá xe của hãng này hiện định vị không rẻ, tầng lớp trung lưu mới mua được. Vì vậy cần có chiến lược truyền thông bài bản thông qua những người chuyên nghiệp.
Thứ hai, Vinfast phải có chiến lược khôn ngoan hơn, đi thẳng vào cộng đồng Mỹ, chứ không phải thông qua cộng đồng người Việt tại Mỹ. Việc Vinfast đang tập trung đánh vào cộng đồng Việt kiều như hiện nay ngược lại sẽ thành cản trở.
Thứ ba, đội ngũ bán hàng cần nâng cao để hiểu chân dung của người tiêu dùng nội địa. Ví dụ Vinfast vẫn đang bán xe màu đỏ, nhưng người Mỹ không thích màu đỏ, chỉ thích màu trung tính.
Thứ tư, về chính sách bán hàng. Tesla có đội ngũ bán hàng rất nhạy bén. Trước đây, Vinfast từng có động tác thuê chuyên gia bán hàng của Tesla về làm việc. Nhưng trong chiến lược bán hàng, ông Trường cho biết Vinfast vẫn đang đi sau Tesla không chỉ 1 nhịp mà tới 2-3 nhịp. Tesla tung ra những “cú đấm” rất mạnh mẽ như miễn thuế, giảm giá, đặt hàng… khiến cho các công ty xe điện sừng sỏ như Mercedes cũng điêu đứng. Vì vậy Vinfast cũng phải có chiến lược bán hàng khôn ngoan.
Thứ năm, liên quan tới sản phẩm, chất lượng và quản lý sản xuất. Khi Vinfast xây dựng nhà máy mới, cần lưu ý tuyển dụng cả nhân sự người Mỹ, phải tạo văn hóa doanh nghiệp phù hợp với người lao động địa phương, để tạo cho người Mỹ cảm giác đây là công ty Mỹ, chuyên nghiệp. “Lót ổ không được thì con gà sẽ không chịu vào đẻ trứng”, ông Trường nói.