Bộ đôi cổ phiếu VIC và VFS cùng toả sáng
(DNTO) - VIC tăng kịch trần tại sàn chứng khoán trong nước, trong khi đó trên thị trường Nasdaq, cổ phiếu VFS của VinFast Auto Ltd cũng tăng hơn 68%. Tin vui dồn dập đến với tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
VIC diễn biến tích cực theo VFS
Hai cổ phiếu liên quan đến Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang có mối liên quan với nhau khá rõ nét.
Trên sàn chứng khoán Mỹ, sau khi cổ phiếu và chứng quyền của VinFast Auto Ltd chính thức được giao dịch, VFS đã có phiên đầu tiên đầy kịch tính và sôi động khi từng có lúc bị áp lực bán mạnh rớt giá từ 22 đô la Mỹ mỗi đơn vị xuống chỉ còn 17 đô la. Tuy nhiên, chốt phiên, cổ phiếu này đã tăng tới 68%, với mức giá hơn 37 đô la.
Vốn hóa doanh nghiệp cũng đạt trên 85 tỷ đô la, thậm chí còn cao hơn các hãng xe khác đang hiện diện trên Nasdaq. Trong khi đó, chỉ số sàn Nasdaq kết phiên ngày 15/8 bị giảm hơn 1,1% xuống còn 13.631 điểm.
Đà tăng mạnh mẽ của VFS đã tạo hiệu ứng tích cực cho VIC trên thị trường chứng khoán trong nước. Cổ phiếu VIC hôm nay đã tăng kịch trần gần 7%, với hơn 19 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trong phiên, chốt phiên tại 75.600 đồng/cp. Kết phiên vẫn còn hơn 3,1 triệu cổ phiếu dư mua, chiều dư bán hoàn toàn trắng bảng.
Tính chung một tháng nay, giá cổ phiếu VIC đã tăng gần 48%, và chỉ riêng 5 phiên giao dịch gần đây đã tăng tới 15%.
Như vậy, hai cổ phiếu VIC và VFS đã làm thay đổi tích cực khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Với VFS, Bloomberg tính toán, tài sản của ông gia tăng thêm 39 tỷ đô la, đạt 44 tỷ đô la sau phiên ra mắt. Và với việc sở hữu 690 triệu cổ phiếu VIC tính đến tháng 3 năm nay, khối tài sản của vị tỷ phú trên sàn chứng chứng khoán Việt cũng đạt hơn 52 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng 2,2 tỷ đô la Mỹ.
"Nhà đầu tư cần theo dõi giao dịch của VFS"
Diễn biến của mỗi cổ phiếu luôn nhiều bất ngờ. Hôm nay mới là phiên đầu tiên của VFS, diễn biến tiếp theo như thế nào có lẽ sẽ cần thêm thời gian. Tuy nhiên một điều chắc chắn, diễn biến của VFS sẽ tác động không nhỏ đến VIC trong nước khi hai cổ phiếu này có mỗi quan hệ khá mật thiết với nhau, Vingroup hiện đang sở hữu 51% vốn điều lệ của VinFast.
"Diễn biến giá cổ phiếu VIC sẽ phụ thuộc vào diễn biến giá cổ phiếu VFS nên nhà đầu tư cần theo dõi giao dịch của VFS trong thời gian tới", chuyên gia Phạm Thái Thanh Trúc của Chứng khoán ACBS trong báo cáo mới đây nhận định.
Thực tế không thể chối cãi là việc VinFast niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ đang tạo nên tâm lý tốt không chỉ cho VIC mà cho cả thị trường chứng khoán trong nước.
Tuy nhiên, "VinFast vẫn là nhà sản xuất ô tô trẻ với lịch sử phát triển 6 năm nên công ty cần thêm thời gian và nỗ lực để cải tiến sản phẩm và giữ vững vị thế của mình trên thị trường xe điện đang cạnh tranh rất khốc liệt. Việc niêm yết này sẽ giúp VinFast huy động thêm vốn ngoại và nếu thành công sẽ giảm bớt gánh nặng huy động vốn cho Vingroup trong tương lai", chuyên gia cho biết.
Một điều đáng lưu ý, theo tính toán của chuyên gia ACBS, với vốn hóa thị trường 85 tỷ đô la, tỷ lệ Enterprise value/Sales (EVR - Giá trị doanh nghiệp/Doanh thu) của VinFast đang là 139 lần so với công ty dẫn đầu thị trường là Tesla khoảng 9 lần. Được biết, EVR là một chỉ số cơ bản để xác định định giá cổ phiếu, nếu chỉ số này càng lớn cho thấy cổ phiếu của công ty đang được định giá càng cao và ngược lại.