Cổ phiếu bất động sản dẫn sóng: Đừng thấy hoa nở ngỡ xuân về
(DNTO) - Với 5 mã tăng kịch trần, giá trị giao dịch toàn nhóm đạt hơn 7 ngàn tỷ đồng chiếm gần 34% thanh khoản cả ba sàn, nhóm cổ phiếu bất động sản đang đóng vai trò dẫn sóng thị trường.
Ngay từ tháng 7, dòng tiền đã có dấu hiệu tìm kiếm cơ hội ở nhóm ngành bất động sản, nhóm vốn chưa có sự bật tăng mạnh từ đầu năm, cùng đó được sự ủng hộ tích cực từ nhiều chính sách của Chính phủ. Tính trung bình, thị giá của nhóm ngành này đã tăng khoảng 14% trong tháng 7.
Bước sang tháng 8, đà tăng tiếp diễn. Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, ngày 14/8, nhóm cổ phiếu bất động sản toả sáng với 5 mã tăng kịch trần bao gồm: CEO, HPX, L14, LGL và TCH, hơn 320 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, giá trị giao dịch hơn 7 ngàn tỷ đồng chiếm 34% thanh khoản toàn thị trường.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng hôm nay cũng chỉ có hơn 3 ngàn tỷ đồng thanh khoản, nhóm chứng khoán dù thị giá tăng trung bình hơn 4% so với phiên liền trước nhưng cũng chỉ có 4,3 ngàn tỷ đồng.
Cổ phiếu CEO ấn tượng với mức tăng trung bình gần 10%, với 15 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, kết phiên vẫn còn hơn 16 triệu cổ phiếu dư mua và hoàn toàn trắng bảng chiều dư bán.
Mã L14 cũng tăng gần 10%, dừng tại 52.000 đồng/cp. Kết phiên chiều dư bán cũng hoàn toàn trắng bảng.
Cổ phiếu VIC, VHM, liên quan đến tỷ phú Phạm Nhật Vượng, vốn nhiều phiên đóng vai trò "cứu cánh" cho chỉ số chung thì hôm nay chỉ tăng nhẹ lần lượt 0,4% và 0,9%.
Như vậy, việc dòng tiền chủ động chạy dồn về nhóm này gây nên các biến động mạnh đang cho thấy kỳ vọng tích cực của nhà đầu tư về giai đoạn khó khăn nhất có thể đã đi qua và kết quả kinh doanh khả năng bắt đầu tạo đáy.
Tuy vậy, sự biến động này theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia khả năng chỉ là trong ngắn hạn khi mà nhóm ngành này đang được cho là có câu chuyện riêng từ các chính sách mới được ban hành.
Những điều cần lưu ý với nhóm bất động sản
Báo cáo mới từ Wigroup cho biết, đơn vị này đi sâu vào phân tích tăng trưởng của 20 doanh nghiệp bất động sản, chiếm 90% vốn hóa toàn ngành này và nhận thấy: chỉ vỏn vẹn 5 công ty ghi nhận tăng trưởng dương trong quý 2. Tuy nhiên, đà tăng này lại đến từ hai nguyên nhân: "Tăng trưởng đột biến từ lợi nhuận khác và không đến từ kinh doanh cốt lõi và (hoặc) tăng trưởng cao do nền lợi nhuận cùng kỳ thấp.
Trong khi đó, các doanh nghiệp khác trong ngành đều ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận trên 20% so với cùng kỳ. Cầu thị trường lại tương đối yếu. Và điều này "phản ánh sự khó khăn chung của thị trường bất động sản".
Theo dự đoán, phải khoảng nửa cuối năm 2024, thị trường bất động sản nói chung và ngành bất động sản dân cư mới có khả năng hồi phục được.
Thời gian từ nay đến cuối năm 2023 là giai đoạn không hề dễ dàng của nhóm ngành này. VHM vốn là trụ đỡ chính trong nửa đầu năm nay, tuy nhiên với việc đã hoạch toán phần lớn lợi nhuận thì dư địa tăng trưởng không còn nhiều trong nửa cuối năm. Ngành bất động sản khả năng sẽ không còn trụ đỡ vững chắc
Trong khi đó, áp lực chi phí lãi vay vẫn đè nặng doanh nghiệp. Tính đến cuối quý 2, chi phí lãi vay trong kỳ của nhóm này đạt mức 2.030 tỷ đồng, tăng nhẹ so với với thời điểm quý 1. Khả năng thanh toán của doanh nghiệp đo lường bằng chỉ số số EBIT/Lãi vay đã giảm so với quý 1.
Wigroup dự phóng, lợi nhuận sau thuế ngành bất động sản dân cư có thể giảm tới 10% so với cùng kỳ, trong khi nhóm các doanh nghiệp bất động sản còn lại được dự báo sẽ sụt giảm tới 41% và khó có hoàn thành được kế hoạch đề ra.
Dù vậy, nhà đầu tư có thể lưu ý một số tín hiệu sáng của ngành này như lãi suất cho vay sẽ về mức thấp hơn tạo động lực cho toàn ngành, hành lang pháp lý được tháo gỡ khơi thông nguồn cung và việc phân khúc nhà ở xã hội được hưởng lợi từ chính sách sẽ là chất xúc tác cho cho nhóm ngành đi lên.