'Hồi hộp' cổ phiếu VIC trước giờ VinFast chuẩn bị niêm yết trên đất Mỹ
(DNTO) - Sau khi đã tăng mạnh và dẫn sóng thị trường, cổ phiếu VIC đã ngừng đà tăng, diễn biến có phần "lạ" khi chỉ còn vài giờ nữa cổ phiếu VinFast chính thức đặt chân lên sàn chứng khoán Mỹ.
Đà tăng hạ nhiệt
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, ngày 15/8, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup bất ngờ giảm 3,5% thị giá, chốt phiên tại 70.700 đồng/cp. Hơn 16 triệu cổ phiếu này đã được khớp lệnh trong phiên, với tổng giá trị giao dịch lên tới hơn 1,2 ngàn tỷ đồng.
Khoảng một tháng nay, đà tăng của VIC gần như dựng đứng, tính trung bình thị giá tăng gần 38% trong tháng, sau những thông tin tích cực về việc cổ phiếu Vinfast, một công ty con của Vingroup chuẩn bị giao dịch trên sàn chứng khoán Mỹ.
Cách đây vài phiên, VIC còn từng là cổ phiếu đóng vai trò trụ cột chính nâng đỡ chỉ số chính của thị trường khi có thông tin cổ đông Black Spade đã thông qua kế hoạch hợp nhất kinh doanh giữa VinFast Auto Pte. Ltd. và Black Spade Acquisition Co tại Đại hội cổ đông đặc biệt diễn ra vào ngày 10/8.
Cho đến hôm nay, phía Vingroup cho hay, VinFast và Black Spade Acquisition chính thức hoàn tất giao dịch hợp nhất kinh doanh. Công ty niêm yết sau sáp nhập có tên là VinFast Auto Ltd, bắt đầu giao dịch trên Nasdaq từ ngày 15/8 với các mã niêm yết cổ phiếu và chứng quyền lần lượt là VFS và VFSWW.
Như vậy chỉ còn vài giờ nữa, cổ phiếu VinFast chính thức có mặt trên Nasdaq. Theo đó, trạng thái giao dịch của phiên hôm nay đang cho thấy dấu hiệu chốt lời của nhà đầu tư với VIC, đồng thời thể hiện một phần trạng thái lo lắng về tình trạng "chân ướt chân ráo" ngày đầu của Vinfast ở chốn mới.
Chốt phiên đầu tuần, ngày 14/8, chỉ số Nasdaq Composite đang tăng nhẹ 1,05% so với phiên cuối tuần trước.
Chờ đợi gì ở VIC?
Phía Vingroup cho biết, sau thương vụ, công ty hợp nhất được định giá trị doanh nghiệp khoảng 27 tỷ đô la và giá trị vốn chủ sở hữu khoảng 23 tỷ đô la sau khi sáp nhập, chưa bao gồm số tiền sẽ quy đổi từ 169 triệu đô la tiền mặt tín thác.
Vingroup hiện đang sở hữu 51% vốn điều lệ của VinFast, tương đương với mức định giá khoảng trên 13 tỷ đô la Mỹ. Và theo đó, phần vốn mà Vingroup sở hữu tại đây có giá trị khoảng 11,7 tỷ đô la Mỹ với mức định giá trên.
Trong khi đó, Hiện tại, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, vốn hoá của Vingroup chỉ đang khoảng gần 270 ngàn tỷ đồng, tương đương với khoảng hơn 11 tỷ đô la Mỹ. Do đó, việc nhà đầu tư kỳ vọng về VIC sau khi lên sàn là điều dễ hiểu.
Chia sẻ với nhà đầu tư, ngày 15/8, ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Khối môi giới Công ty chứng khoán JBSV, cho biết, việc VinFast niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ chính là tấm gương để nhiều doanh nghiệp khác học theo. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, đồng thời có thể bổ sung nguồn vốn kinh doanh khi áp lực về tài chính khá lớn ở giai đoạn đầu xây dựng thương hiệu.
Cũng theo ông Du, phần lớn các công ty xe điện trên thế giới đều dùng cách niêm yết "cửa sau", thông qua các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC). Tuy nhiên, sau niêm yết, mức giá thường không đạt được như kỳ vọng bởi "mức giá chúng ta mong muốn và mức giá thị trường thường khó giống nhau".
Với VIC, các thông tin tích cực đã được phản ánh khá nhiều về giá và nhà đầu tư đang đặt nhiều kỳ vọng tốt đẹp cho VIC. Đây còn gọi là "thời kỳ tươi đẹp trong ngắn hạn", ông Du cho biết. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, nhà đầu tư cần phải chờ đợi để doanh nghiệp chứng minh hiệu quả về huy động vốn.
Diễn biến thị giá VIC thời gian tới sẽ còn nhiều bí ẩn. Tuy nhiên, một điều chắc chắn, việc cổ phiếu Việt Nam hiện diện tại thị trường Mỹ sẽ thu hút chú ý của thế giới và theo đó, sự quan tâm đến chứng khoán Việt Nam cũng sẽ tăng lên.