Việt Nam trở thành mắt xích vô cùng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu - Bài 1: 'China plus one'
(DNTO) - Việt Nam đang trở thành một mắt xích vô cùng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu để các doanh nghiệp chuyển hướng ra khỏi Trung Quốc, nhưng điều này cũng đem lại nhiều thử thách cho hệ thống pháp lý và cơ sở hạ tầng.
Diện tích trong Tổ hợp Công nghiệp Deep C Two ở miền Bắc Việt Nam đang trở nên vô cùng “đắt giá”, tới mức họ phải nghĩ đến việc lấn biển.
Tại khu công nghiệp gần cảng Hải Phòng này, ta có thể thấy rải rác các trụ sở của những hãng cung ứng linh kiện đa quốc gia, chuyên cung cấp sản phẩm cho các công ty công nghệ lớn nhất thế giới. Căng thẳng chính trị giữa Bắc Kinh và Washington cùng hiểm họa đến từ dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhiều hãng sản xuất tìm đến lựa chọn thay thế ngoài Trung Quốc - và Deep C, hãng phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất Bỉ, đang chuẩn bị cho cơ hội này.
Nếu nhu cầu là thật cần thiết, “chúng tôi sẽ xây đất lấn biển” - theo bà Bùi Thị Thủy Dung, Giám đốc marketing của Deep C.
Xu hướng “China Plus One”
Tốc độ chuyển mình vũ bão của các quốc gia như Việt Nam là ảnh hưởng từ chiến thuật “China Plus one” (Trung Quốc cộng một), để “vẽ” lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi căng thẳng Mỹ-Trung càng trở nên gay gắt trong công nghệ cũng như an ninh, ngày càng có nhiều doanh nghiệp lo ngại lệnh cấm giới hạn nơi họ có thể tiến hành sản xuất. Kết quả là nhiều hãng tìm cách mở thêm nhà máy sản xuất ở các quốc gia ngoài Trung Quốc.
Koen Soenens, Giám đốc tiếp thị và bán hàng của Deep C cho biết: “Các công ty đến từ Hàn Quốc, Đài Loan và cả Trung Quốc - có vẻ như đang có một làn sóng dịch chuyển không thể ngừng lại để chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Hoa đại lục đến các nước khác”.
Ông nói thêm: “Đối với các hãng nước ngoài hiện có trụ sở tại Trung Quốc, họ muốn giữ cơ sở sản xuất cho thị trường Trung Quốc tại cùng quốc gia này, nhưng để phục vụ khách hàng nước ngoài, họ muốn tìm đến các địa điểm mới”.
Thách thức
Tuy nhiên, xu hướng này cũng đang làm lộ ra nhiều hiểm họa và biến số mới. Tại Việt Nam, công cuộc vận chuyển tài nguyên, cơ sở sản xuất vào nước ta đang đè nặng áp lực lên hệ thống pháp lý cũng như hạ tầng cơ sở, như mạng lưới cung cấp điện năng.
Mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã được vực dậy mạnh mẽ nhờ “sức kéo” của xuất khẩu, giúp nhiều người dân thoát khỏi đói nghèo trong vòng 30 năm qua. Nước ta đã đạt được nhiều vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất cung ứng, trong đó bao gồm sản xuất hàng triệu tai nghe Airpods cho Apple.
Nhưng một nhà ngoại giao châu Âu nhận xét, Việt Nam đang “ở một giai đoạn ngã rẽ quan trọng”, đòi hỏi hệ thống pháp lý phải trở nên uyển chuyển hơn, và phải tạo ra một khuôn khổ pháp lý minh bạch, gỡ bỏ các cản trở “vô lý”.
Theo nhận xét của nhà ngoại giao, Việt Nam đã trải qua một thời kỳ phát triển thuận lợi, nhưng xu hướng đầu tư mới này mới là thử thách thật sự, và không rõ liệu cơ sở hạ tầng của nước ta có đủ để gánh mức tăng trưởng cao hơn nữa.