Đằng sau việc doanh nghiệp Nhật Bản rốt ráo tìm nhà cung ứng từ Việt Nam
(DNTO) - Chất lượng nhà cung cấp còn yếu nên doanh nghiệp Nhật Bản đặt kỳ vọng vào Việt Nam, nơi có ngành công nghiệp hỗ trợ đang từng bước phát triển.
“Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản” (SIE) lần thứ 10 và “Triển lãm công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam” (VME) lần thứ 14 (từ 9/8-11/8), với sự góp mặt của hơn 200 nhà sản xuất, phân phối kinh doanh, các hãng chế tạo công nghệ và máy móc tiên tiến đến từ 20 quốc gia.
Tham dự triển lãm lần này, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội cho biết, có tổng cộng 50 doanh nghiệp tham gia trưng bày gian hàng, trong đó có 22 công ty Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam và tiếp tục muốn tìm kiếm các nhà cung cấp nội địa. 28 công ty Việt Nam mong muốn trở thành nhà cung cấp cho doanh nghiệp Nhật Bản.
Bởi theo ông Takeo Nakajima, một trong những khó khăn của các doanh nghiệp Nhật Bản hiện nay là chất lượng các nhà cung cấp còn yếu. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp dù đã có tỷ lệ nội địa hóa trên 50%, nhưng giá thành không đủ cạnh tranh, dẫn đến mất lợi thế. Vì vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản rất mong muốn tìm kiếm nhà cung cấp tốt hơn, cạnh tranh về giá.
Ông Watanabe Shige, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, cho biết Chính phủ Nhật Bản, trong đó có Quỹ tài trợ của JETRO đang hỗ trợ các doanh nghiệp nước này thành lập các nhà máy sản xuất để củng cố chuỗi cung ứng. Trong đó các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam nhận được nhiều tài trợ nhất.
Bên cạnh đó, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đang có các chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI từ Nhật Bản kỳ vọng việc nâng cao năng lực cho doanh nghiệp đối tác nội địa.
Cũng theo lãnh đạo Đại sứ quán Nhật Bản, mặc dù thế mạnh của Việt Nam là dệt may nhưng gần đây, Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao như linh kiện điện tử, hay thậm chí sản xuất ôtô. Vì vậy, Phó Đại sứ cho rằng điều Việt Nam cần làm lúc này là củng cố vững chắc ngành công nghiệp hỗ trợ.
“Rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang tập trung quan tâm tới Việt Nam, mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng của họ. Nếu việc cung cấp nguyên liệu, linh phụ kiện của Việt Nam được ổn định sẽ giúp nguồn cung ứng được tăng cường linh hoạt, từ đó giảm chi phí, nâng cao năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ,” ông Watanabe Shige chia sẻ.
Việt Nam hiện đã có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, nhưng chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế (chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo).
Thực tế, tăng trưởng GDP Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, mà xuất khẩu lại phụ thuộc lớn vào công nghiệp chế biến, chế tạo.Năm 2022, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến chế tạo nước ta chiếm 25,6% GDP, mặc dù đã tăng nhưng vẫn còn thấp so với quá trình công nghiệp hóa của nhiều nước. Mục tiêu của Việt Nam nâng tỷ trọng ngành lên 30% GDP vào năm 2030.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết việc phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.
Đó là lý do Chính phủ đang tích cực triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025, nhằm giúp doanh nghiệp Việt từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành ô tô, dệt may, da giày, điện tử.
“Việc gặp gỡ trực tiếp các đối tác tiềm năng đến từ Nhật Bản và quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội học hỏi, tiếp cận xu thế mới, công nghệ, kĩ thuật mới của thị trường, tạo đà cho ngành công nghiệp hỗ trợ chuyển mình mạnh mẽ và bền vững”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.