3 tập đoàn đến từ Hàn Quốc, Đức và Nhật Bản cam kết đầu tư 3,7 tỷ USD vào Việt Nam
(DNTO) - Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài, ngày 22/4, đã có 3 Tập đoàn trao đổi kế hoạch đầu tư mới và mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong năm nay, với tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ USD.
Cụ thể, các dự án đầu tư gồm: Sản xuất xanh sử dụng năng lượng tái tạo 1,5 tỷ USD của nhà đầu tư CHLB Đức; sản xuất trang thiết bị y tế 600 triệu USD của nhà đầu tư Nhật Bản; sản xuất công nghiệp nặng và logistics 1,6 tỷ USD của nhà đầu tư Hàn Quốc.
Tại hội nghị, bà Antonia Zahn-Weber, Giám đốc điều hành VFT Industry UG, có trụ sở tại Munich, Đức, bày tỏ: "Sau khi thực hiện nghiên cứu thị trường, chúng tôi đã quyết định triển khai dự án tại Việt Nam. Quyết định của chúng tôi được củng cố hơn nữa bởi các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết quốc tế và song phương với EU và Đức để cùng nhau vượt qua khủng hoảng khí hậu".
VFT Industry UG đã hợp tác với các doanh nghiệp Đức, Việt Nam để chuẩn bị cho khoản đầu tư ước tính 1,5 tỷ USD tại Việt Nam có khả năng sản xuất thép không gỉ xanh ước tính 600.000 tấn/năm để giao thương trên thị trường Việt Nam và châu Âu.
"Chúng tôi đã có công nghệ của Đức để sản xuất ít phát thải cho Việt Nam.Việc sản xuất điện dựa trên các công nghệ được cấp bằng sáng chế của Đức mà chúng tôi sẽ triển khai tại Việt Nam, ước tính sẽ sản xuất 700.000.000 kWh/năm. Chúng tôi cũng mong muốn đạt được mức phát thải bằng 0 ngay từ những ngày đầu tiên và tạo ra khoảng 800.000 chứng chỉ Vàng C02 hằng năm", bà Antonia Zahn-Weber nói thêm.
Cũng tại hội nghị, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến và thương mại Nhật Bản (Jetro) Hà Nội, cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam. Khảo sát của JETRO cho thấy, 47% doanh nghiệp được hỏi sẽ mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới.
Tuy nhiên, đại diện Jetro thẳng thắn bày tỏ, 66% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, các thủ tục hành chính có xu hướng chậm lại, trong khi con số này ở ASEAN chỉ là 47%. Việt Nam cần phải loại bỏ các loại phí không chính thức. Các doanh nghiệp cần xử lý thủ tục hành chính thông suốt và minh bạch.
“Chúng tôi thấy có rất nhiều cơ hội đầu tư, Jetro sẽ thúc đẩy hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam. Ví dụ như hợp tác với Denso, Nagase và Gakken… Chúng tôi mong muốn chứng kiến nhiều hơn dòng vốn FDI vào các vùng ven như Thanh Hóa, Quảng Ninh, Thái Bình. Đây là cơ hội để phát triển nền kinh tế địa phương”, ông Takeo Nakajima cho biết...
Sớm có giải pháp đột phá để giảm chi phí cho doanh nghiệp
Phát biểu kết luận Hội nghị, khái quát các ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ một số vấn đề nổi lên gồm: Phản ứng chính sách; giải quyết thủ tục hành chính; phê duyệt dự án; tháo gỡ khó khăn về pháp lý; đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn là chưa kịp thời, linh hoạt, chưa mang lại hiệu quả cao.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tinh thần trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, vì nước, vì dân, vì sự phát triển của doanh nghiệp, chủ động giải quyết kịp thời những vướng mắc mà các nhà đầu tư kiến nghị với trách nhiệm cao nhất, kịp thời, hiệu quả nhất, Chính phủ sẽ có cơ chế và kế hoạch kiểm tra các bộ, ngành địa phương thực hiện chỉ đạo này.
Về định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, theo Thủ tướng, tình hình lúc nào cũng có những khó khăn, hết khó khăn này lại đến khó khăn khác cần giải quyết. Vì vậy, cần tăng cường phân tích, đánh giá tình hình, dự báo những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam để có đối sách phù hợp, xác định một số trọng tâm, trọng điểm, các bên cùng cố gắng với tinh thần chia sẻ, thấu hiểu, đồng hành, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, vì lợi ích chung của cả 2 phía: cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và Nhà nước, nhân dân Việt Nam.
Thủ tướng nêu rõ quan điểm xây dựng các yếu tố nền tảng thu hút đầu tư, xác định hướng lớn thu hút đầu tư của Việt Nam gồm: Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; đặc biệt là bảo đảm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính.
Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án trên 3 phương diện: Thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; (ạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.
Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD. Đó là: Giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, bảo đảm thực thi minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình.
Chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển"; tiếp tục đánh giá thực trạng tình hình, rà soát, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế, bảo đảm yếu tố cân đối, hợp lý, linh hoạt trên cơ sở đặc trưng của các địa phương, vùng miền...;
Thủ tướng nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, cần đặc biệt quan tâm, sớm có những giải pháp mới, có tính đột phá để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp (nhất là về cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất; giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân; phát triển thị trường trong nước gắn với mở rộng xuất khẩu, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả về tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu…).
Đối với các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng yêu cầu nghiêm túc lắng nghe với tinh thần cầu thị; "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", trên cơ sở đó, kịp thời có biện pháp xử lý hiệu quả, nhất là những khó khăn, vướng mắc thực tế mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư đề xuất, kiến nghị (như tiếp cận vốn tín dụng, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, đất đai, thủ tục hành chính, thuế, phí, lệ phí, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, khí thải…).
Đẩy mạnh hợp tác công tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó có phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược gắn với hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết (về pháp lý, quỹ đất, hạ tầng, năng lượng, lao động…) để đón vốn đầu tư mới, nhất là các dự án FDI có tính lan tỏa cao, tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường công tác nắm tình hình, dự báo sát thực tiễn để có phản ứng chính sách phù hợp, linh hoạt, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, nhất là những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước, thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh cần xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường, tập trung vào các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu.
Tuân thủ đúng pháp luật, thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đem lại giá trị gia tăng cao; các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài cần nêu cao tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; các hiệp hội là "cánh tay nối dài" của Chính phủ với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cần kịp thời thông tin, báo cáo các vướng mắc, khó khăn của các hội viên, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam;
"Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam. Việt Nam luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cùng thắng, cùng Việt Nam phát triển. Tôi mong muốn và tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết, sẻ chia, chung tay, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư nước ngoài nói riêng sẽ luôn đồng hành cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tiếp tục quyết liệt hành động và đạt được nhiều thành công hơn nữa, mang lại lợi ích thiết thực, lâu dài, bền vững cho cả cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Nhà nước và nhân dân Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh.