TS Nguyễn Đình Cung: Thuế VAT và phòng cháy chữa cháy là 2 nút thắt cần gỡ ngay cho doanh nghiệp
(DNTO) - Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp và nhà đầu tư đang “bơi trong vòng xoáy” với những cơ hội ngày càng trở nên khan hiếm, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất gỡ ngay 2 "điểm nóng" đang gây khó cho doanh nghiệp là hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) và vấn đề phòng cháy chữa cháy.
Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 với chủ đề “Bơi trong dòng xoáy”, ngày 8/8, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, tuy tình hình bên ngoài có cải thiện, nhưng nội tại nền kinh tế vẫn còn rất khó khăn. Trong khi bên ngoài không kiểm soát được, thì thay đổi, cải cách bên trong chính là yếu tố quyết định để thúc đẩy tăng trưởng.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, không thể giải quyết ngay được tất cả mọi vấn đề, nhưng có thể chọn 2 điểm nóng cần gỡ ngay để giảm khó khăn cho doanh nghiệp, đó là hoàn thuế VAT và vấn đề phòng cháy chữa cháy. "Đây chưa phải là lúc bàn đến chuyện tăng thu cho ngân sách", TS. Cung thẳng thắn kiến nghị.
Nói về khó khăn của doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đình Cung chỉ rõ, mặc dù Thủ tướng và Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, nhưng trên thực tế những cải cách về môi trường kinh doanh bên trong chưa đủ để bù đắp khó khăn từ bên ngoài. Thậm chí, có những cải cách còn tạo nên nhiều rủi ro, chi phí, bất định hơn.
Vị chuyên gia dẫn chứng các quy định về tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy động chạm đến tất cả các ngành trong nền kinh tế, làm tăng chi phí tuân thủ cực kỳ cao và mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã lên tiếng nhưng vẫn không thay đổi. Điều này không chỉ gây bức xúc cho doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận công chức khiến thủ tục hành chính kéo dài, làm tăng thêm chi phí.
"Trong lúc doanh nghiệp thiếu vốn, nền kinh tế đang cần kích cầu, chính sách tài khóa sẽ phát huy tác dụng tốt hơn chính sách tiền tệ. Tôi cho rằng cần sớm thực hiện hoàn lại thuế cho doanh nghiệp, nghiên cứu kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Dự báo khó khăn còn đến 2024, tôi mong Chính phủ duy trì việc giảm, miễn thuế VAT đến hết năm 2025 để kích cầu”, TS Nguyễn Đình Cung kiến nghị.
Về phần mình, Chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, phải vay ngân hàng với lãi suất cao là một trong những khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay. Ông nêu ví dụ về một doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời đang vay vốn tại một ngân hàng lớn với mức lãi suất dù đã được giảm từ 17%/năm xuống dưới 15%/năm nhưng vẫn là quá cao, khiến doanh nghiệp phải vất vả để cân đối các chi phí tài chính.
Theo ông Nghĩa, vào giai đoạn khủng hoảng, nhiều quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giảm hoặc lùi lại yêu cầu về tài sản thế chấp và chỉ giữ yêu cầu chứng minh khả năng trả nợ. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang bị yêu cầu tài sản thế chấp, có doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm sang châu Âu, doanh thu năm 2022 là 10 tỷ đồng, năm nay dự kiến đạt 20 tỷ đồng nhưng hạn mức tín dụng vẫn không thay đổi, vì ngân hàng thẩm định khoản vay dựa trên tài sản thế chấp và khả năng trả nợ.
Theo TS Nghĩa, một trong những nguyên nhân khiến lãi suất vẫn đang khá cao là do ngành ngân hàng vẫn đang phải dè chừng biến động tỷ giá. Nhưng hiện tỷ giá đang có nhiều yếu tố hỗ trợ nên sẽ không có biến động mạnh, tỷ giá ổn định là điều kiện để thị trường tài sản, thị trường chứng khoán có thể ổn định và phục hồi nhẹ. Hơn nữa, ông cũng dự báo, nhiều khả năng các quốc gia phát triển sẽ dừng tăng lãi suất và giảm lãi suất từ cuối năm sau do lạm phát đang giảm nhanh hơn dự báo, đây là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.
Nêu thêm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp của CIEM cho rằng, cần cải thiện tiếp cận vốn và cả khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng suất lao động; mạnh dạn ban hành quy định về cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh tế mới (fintech, kinh tế tuần hoàn).
"Đặc biệt, cần thu hút và sử dụng hiệu quả đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới, trong đó cân nhắc tăng độ mở cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia một số lĩnh vực, liên kết vùng trong thu hút FDI, thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài, đào tạo kỹ năng cho người lao động để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp FDI…", ông Dương nói.