Cùng nhìn lại chuyến du lịch không gian đầu tiên của tàu vũ trụ SpaceX
(DNTO) - Thế là hơn một tháng đã trôi qua kể từ ngày công ty lữ hành không gian SpaceX thực hiện sứ mệnh kinh doanh du lịch vũ trụ đầu tiên. Bốn con người “bình thường” nhưng lắm tiền của đã được ngao du lên quỹ đạo Trái đất. Một kỷ nguyên mới đã mở ra, nhưng liệu có đầy hứa hẹn?
Nói là “bình thường” bởi không ai trong số hành khách nam nữ kể trên là phi hành gia chuyên nghiệp, cho dù nhân thân của họ cũng không hề ở mức khiêm tốn. Cả nhóm gắn bó với khoang tàu SpaceX, Crew Dragon rộng gần 4m vuông, bao gồm một tỷ phú tự tài trợ cho sứ mệnh, một người là y sĩ sống sót sau căn bệnh ung thư, một giáo viên đại học cộng đồng, và nhân vật còn lại là chuyên viên của hãng Quốc phòng An ninh Mỹ, Lockheed Martin. Tuổi của họ chỉ từ 29 đến 51.
Bệ phóng tại Trung tâm Không gian Kennedy của NASA ở Florida được chiếu sáng rực giữa bầu trời đêm nhờ hệ thống đèn pha hoành tráng như trên sân khấu. Khi 9 động cơ của tên lửa SpaceX khai hỏa, cả vùng đầm lầy xung quanh tràn ngập một luồng sáng lóa mắt. Phi thuyền phóng vút lên không, phô diễn màn trình diễn ánh sáng ma quái đầy kịch tính ở tầng bình lưu.
Sau khi đạt đến tốc độ cần thiết để thắng trọng lực - hơn 27km/giờ, khoang chở bốn hành khách tách ra khỏi tên lửa Falcon 9 của SpaceX, bắt đầu di chuyển về phía quỹ đạo dự định. Phi hành đoàn ở trong ca-bin Crew Dragon trọn ba ngày, di chuyển với tốc độ hơn 17.500 dặm một giờ quanh hành tinh 90 phút một vòng. Họ bay lơ lửng và ngắm nhìn toàn cảnh Trái đất trước khi quay trở lại hạ cánh xuống bờ biển Florida.
Khoang cabin con nhộng dự trữ đầy đủ thức ăn và vật dụng cho khoảng một tuần sinh hoạt. Suốt thập kỷ qua, đây mới chỉ là lần phóng phi hành đoàn thứ ba từ đất Mỹ. Ba ngày trên không gian, tất cả các hành khách đã sử dụng chung một nhà vệ sinh đặc biệt được thiết kế thích hợp với tình trạng vô trọng lực, nằm gần đỉnh của khoang ngủ. Tất nhiên phòng tắm không có vòi hoa sen, và cả nhóm phải ngủ ngay trên chiếc băng ghế ngả dựa họ đã ngồi khi phóng.
Công ty du hành không gian SpaceX hy vọng đây sẽ là hành trình đầu tiên trong số nhiều sứ mệnh du lịch tương tự, mở đường cho một tương lai mà chuyện bay lên vũ trụ cũng phổ biến như đáp một chuyến đi bằng phi cơ. Mặc dù khoang tàu Crew Dragon của SpaceX được thiết kế và chế tạo theo hợp đồng của NASA nhằm mục đích đưa các phi hành gia đi – về Trạm vũ trụ quốc tế ISS, SpaceX vẫn sở hữu, vận hành phương tiện này, và được phép bán vé chỗ ngồi hoặc thu khoản phí bay toàn bộ sứ mệnh cho bất kỳ ai hay tổ chức nào có yêu cầu.
Dĩ nhiên, cùng với hợp đồng đó, SpaceX và các khách hàng du lịch vũ trụ có thể cùng nhất trí thiết kế toàn bộ nhiệm vụ, từ việc chọn đường bay, đào tạo phi hành đoàn cho đến việc tuyển các loại thực phẩm hành khách sẽ thưởng thức trong chuyến hành trình lên quỹ đạo. Theo Sembroski, 42 tuổi, chuyên viên của hãng Quốc phòng An ninh Mỹ, Lockheed Martin, người đã nhận được vé lên tàu thông qua giải trúng một cuộc xổ số, cả nhóm thật hào hứng vì đã được tham gia vào một sứ mệnh từng thuộc riêng về NASA, nhưng lại chẳng bị ràng buộc gì vào các quy tắc của họ.
Đây không phải là lần đầu tiên thường dân được du hành vào vũ trụ. Mặc dù NASA chẳng ưa lắm chuyện phải đăng ký các phi hành gia không chuyên vào các nhiệm vụ thông thường, nhất là sau cái chết của Christa McAuliffe, một nữ giáo viên trường New Hampshire đã bị thiệt mạng trong thảm họa tàu Challenger năm 1986. Tuy nhiên vào những năm 2000, một nhóm gồm những người giàu có, thích cảm giác mạnh, đã tự trả tiền túi cho trạm ISS thông qua một công ty có tên là Space Adventures để được du hành không gian dạng này.
Tỷ phú Mỹ Dennis Tito đã trở thành người đầu tiên tự tài trợ cho một chuyến đi vào năm 2001 với thời gian lưu trú 8 ngày trên Trạm vũ trụ quốc tế. Sau ông còn có 6 người khác làm tương tự. Tất cả họ đều đặt vé đồng hành cùng với các phi hành gia chuyên nghiệp bay chung trên tàu vũ trụ Soyuz của Nga.
Sứ mệnh ngày ấy được đánh giá là bước khởi đầu của một kỷ nguyên du hành vũ trụ mới, trong đó những người bình thường được cơ hội khám phá không gian, chứ không phải là các phi hành gia do chính phủ lựa chọn hay những chuyên gia thám hiểm về khoa học.
Tuy nhiên cũng phải minh định một điều trào lưu này vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước so với thực tế. Bởi luôn có sự lệ thuộc vào túi tiền tài trợ của một, hai tỷ phú nào đó khi mức giá cho một chỗ ngồi trong khoang phi hành là rất cao, điển hình với Crew Dragon của SpaceX là khoảng 55 triệu USD mỗi suất đi.
Sở dĩ tỷ phú 39 tuổi Isaacman nhận tài trợ cho chuyến bay đầu tiên của SpaceX này là vì anh muốn truyền cảm hứng cho những cuộc phiêu lưu không gian tương tự mai sau, do đó phi hành đoàn mới nhất trí đặt tên cho cuộc du hành vừa qua là Inspiration4.
Isaacman cũng kỳ vọng nhiệm vụ này sẽ trở thành trung tâm điểm cho đợt gây quỹ 200 triệu đô-la mà anh muốn hỗ trợ Bệnh viện Nhi đồng St. Jude thông qua quyên góp trực tuyến và bán đấu giá. Trong các vật phẩm chờ gõ búa, đặc biệt có cả cây đàn ukulele mà người bạn đồng hành Sembroski của anh đã chơi trong không gian với tàu SpaceX ở chuyến du hành kỳ thú vừa qua.