Du lịch không gian là kỳ vọng thực sự nghiêm túc
(DNTO) - Với các chuyến bay vào rìa quỹ đạo vừa được hai tỷ phú Jeff Bezos và Richard Branson thực hiện, chuyện tư nhân hóa ngành du lịch vũ trụ là hướng kinh doanh thực sự nghiêm túc, và chắc chắn sẽ đi vào hiện thực.
Dịp kỷ niệm phi thuyền Apollo hạ cánh xuống mặt trăng tuy đánh dấu một bước nhỏ cho công cuộc du hành không gian của nhân loại, nhưng lại là bước nhảy vọt khổng lồ của các tỷ phú đam mê các chuyến phi hành vũ trụ. Hai tên tuổi Jeff Bezos và Richard Branson đã chứng minh một cách sinh động rằng, chuyện bay lên đến đường ranh bầu trời là an toàn, và trên hết, thực sự là một niềm vui!
Thoát ra khỏi một hành tinh nhiễu nhương như trái đất, dù chỉ trong 10 phút – thời lượng mà Blue Origin và Virgin Galactic đưa các doanh nhân tỷ phú vào rìa quỹ đạo – cũng đã đủ nhẹ nhõm. Tuy nhiên, chuyện vượt ra ranh giới tầng không ấy còn là một thông điệp sâu sắc hơn: Du lịch không gian là kỳ vọng thực sự nghiêm túc.
Những gì trước đây phần lớn thuộc lĩnh vực và nhiệm vụ của các nhà nước giàu mạnh, giờ đây ngày càng nằm trong tầm tay của các tập đoàn công nghệ lớn. Sau khi đã bán những sản phẩm kỹ thuật số trên Internet cho người dùng, bây giờ các ông chủ giàu có này sẽ bán cho khách hàng cả các chuyến ngao du đến mặt trăng và các vì sao.
Sau chuyến bay vào không gian của mình, CEO Amazon, Jeff Bezos đã tuyên bố chương trình hàng không vũ trụ tư nhân Blue Origin chính thức đi vào hoạt động. Mặc dù giá vé chưa được Bezos tiết lộ nhưng doanh thu cho các chuyến bay đã đạt gần 100 triệu USD. Nhu cầu đang thực sự cao chứ không cần đến hiệu ứng từ giới truyền thông đưa tin quảng bá về các chuyến phi hành tương lai!
Sau chuyến bay của phi hành gia lớn tuổi nhất thế giới và người trẻ nhất thế giới cùng tham gia, ngay cả Elon Musk, giám đốc điều hành của đối thủ SpaceX và cũng là người hay hoài nghi về giấc mơ không gian của Bezos, cũng thấy tự mình phải đưa ra lời chúc mừng. Còn tỷ phú chịu chơi Richard Branson, nhân vật từng khoe mình sẽ là doanh nhân đầu tiên thực hiện ý đồ đó, cũng đành vỗ tay trước kỳ tích của bạn già Jeff Bezos và hẹn sẽ bay sau. Lời hứa hẹn ấy cũng vừa được Branson thực hiện xong thời gian gần đây.
Những chuyến du hành ra ngoại tầng không gian giờ đây không còn là độc quyền của các nhà nước mà còn có cả doanh nhân nhúng tay vào. Trong nhiều thập kỷ, NASA không còn đủ kinh phí để tiếp tục thực hiện các chương trình hoành tráng tầm cỡ Apollo, nên nay đành chậm chạp đi từng bước. Chính quyền Trump cũng từng quyết định quay trở lại mặt trăng, nhưng phải chờ tận đến năm 2024. Còn ê-kíp tổng thống Biden, tuy đã tán thành mục tiêu vị tiền nhiệm, nhưng lại chưa xác định rõ thời điểm ngày giờ.
Lúc này, giả dụ nếu chương trình ấy hiện thực, có lẽ nó sẽ cần đến sự hỗ trợ của các công ty tư nhân như SpaceX của Elon Musk hay Blue Origin thuộc Jeff Bezos. Nghĩa là, trái ngược với dự án Apollo vào những năm 1960, xem ra chuyến đi tới mặt trăng tiếp theo sẽ được nhà nước thuê ngoài, và chắc chắn các dự án kinh doanh du lịch không gian tầm trung sẽ rộng mở hơn cho các doanh nhân.
Theo West Griffin, giám đốc tài chính của Axiom, một công ty khởi nghiệp nhắm mục tiêu xây dựng trạm vũ trụ thương mại đầu tiên, tuy việc thương mại hóa không gian đã bắt đầu trong thời kỳ bùng nổ dot-com những năm 1990, nhưng để đạt được kết quả lại mất nhiều thời gian hơn. Nó chỉ tăng tốc vào năm 1996, khi tổ chức phi lợi nhuận X Prize công bố một cuộc thi trao giải thưởng 10 triệu USD cho tổ chức nào chế tạo được một tàu vũ trụ có khả năng tái sử dụng để đưa được ai đó lên độ cao 100 km. Thiết kế đoạt giải vào năm 2004 là phi thuyền SpaceShipOne, do kỹ sư hàng không Burt Rutan thiết kế, và được thực hiện nhờ nguồn tài trợ của tỷ phú Paul Allen, người đồng sáng lập Microsoft.
Theo công ty phân tích không gian Bryce Tech, các nhà đầu tư đã rót 7 tỷ USD tài trợ cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực không gian vào năm 2020, gấp đôi so với chỉ hai năm trước đó.
Giờ đây, có doanh nhân còn có ý đồ đi xa hơn. Tỷ phú Elon Musk đã thành lập SpaceX vào năm 2002, và lúc này ông muốn đưa mọi người lên tận... sao Hỏa. SpaceX hiện đang phát triển Starship, đủ lớn để thực hiện cuộc hành trình và Starlink, một chòm sao internet vệ tinh, nhằm mục đích tạo ra lợi nhuận cần thiết để tài trợ cho kế hoạch sao Hỏa đầy mơ mộng của ông chủ hãng xe điện Tesla. Musk uy tín đến nỗi NASA gần đây đã ký hợp đồng với SpaceX để sử dụng nguyên mẫu Starship của công ty cho chương trình mặt trăng.