Còn thiếu điện lâu dài nếu không ‘hút’ được đầu tư
(DNTO) - Việc đầu tư các dự án điện đang bị chậm lại do các nhà đầu tư không mặn mà, một phần vì thua lỗ, một phần vì sợ vướng pháp lý do cơ chế chính sách không hấp dẫn.
Điện không được dùng hiệu quả
Hội thảo "Giải quyết bài toán thiếu điện cách nào?" chiều 9/6, diễn ra trong bối cảnh hệ thống điện miền Bắc có thể thiếu hụt lên tới 1.600 MW cho đến 1.900 MW trong cao điểm nắng nóng tháng 5,6. Nguy cơ thiếu điện còn tiếp diễn khi tăng trưởng kinh tế mỗi năm từ 6-7%.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, cho biết vấn đề thiếu điện không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã được cảnh báo cách đây vài năm. Lý do là miền Bắc gần như không có nguồn cung điện mới. Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vừa đi vào vận hành cũng đã xây dựng được 10 năm, có nhiều trục trặc.
Giai đoạn 2019, các chuyên gia đã thảo luận về cơ chế thúc đẩy đầu tư năng lượng tái tạo ở miền Bắc. Lúc đó, cơ chế giá FIT (giá ưu đãi) lần thứ 2 cho điện mặt trời chưa được ban hành. Trong một dự thảo do Bộ Công thương đưa ra có nêu vấn đề cần phải phân vùng để có ưu đãi giá khác nhau.
Ví dụ các khu vực thuận lợi đầu tư, nắng tốt nhưng nghẽn về lưới truyền tải thì nên hạn chế bằng giá FIT thấp. Thay vào đó ưu tiên cho khu vực miền Bắc, khu vực khó khăn, không thuận lợi bằng giá FIT cao hơn. Nhưng dự thảo này không được thông qua.
“Chúng tôi không biết làm sao những phân tích, đánh giá, đề xuất đó không được chấp nhận và chúng ta có giá FIT 2 ngang bằng giữa khu vực miền Bắc với nơi khác. Điều này dẫn đến vấn đề nhà đầu tư nhìn nhận rõ ràng xây dựng ở miền Bắc khó khăn hơn nhiều, nắng kém hơn khu vực Bình Thuận và Ninh Thuận, nên họ tiếp tục dồn vốn vào các dự án điện mặt trời, sau là điện gió về những khu vực Tây Nguyên, Bình Thuận, Ninh Thuận, những nơi đang bị nghẽn truyền tải rất lớn. Đó là lý do có lượng nguồn điện mới rất lớn nhưng sử dụng chưa hiệu quả”, ông Sơn nêu ví dụ.
Về phát triển hệ thống truyền tải điện, ông Võ Quang Lâm, Tổng Giám đốc EVN cho biết, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt khởi xướng xây dựng đường dây 500kV Bắc Nam mạch 1 mất rất nhiều thời gian, nhưng đến mạch 2 nhanh hơn rất nhiều do cơ chế chính sách ưu đãi, thuận tiện. Nhưng đến nay, để làm đường dây từ Quảng Trạch (Quảng Bình) ra đến Phố Nối (Hưng Yên), các thủ tục sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Bởi với Luật đầu tư hiện nay, riêng việc xác định chủ đầu tư, thủ tục đầu tư, các loại chứng nhận cũng là một vấn đề nan giải.
“Đó là lý do EVN giao cho Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) tích cực làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm sao để tháo gỡ, để ngay lập tức khi Bộ Công thương có kế hoạch triển khai Quy hoạch điện 8, EVN và EVNNPT có thể triển khai ngay việc này. Kế hoạch ban đầu là làm đường dây từ Vũng Áng đi ra, nhưng hiện sân phân phối tại Vũng Áng không đủ chỗ để lắp đặt trạm biến áp, buộc phải đi từ Quảng Trạch, đương nhiên sẽ mất thêm một đoạn nhưng hệ thống sẵn sàng hơn để kết nối ra Phố Nối”, ông Lâm cho biết.
Nhà đầu tư sợ pháp lý
Mặc dù trong Quyết định 500 của Thủ tướng liên quan đến Quy hoạch điện 8 cho biết tạo điều kiện tối đa, không hạn chế với các dự án điện mặt trời mái nhà, không nối lưới, tức tự dùng; nhưng hiện nay chưa có quy định, cơ chế chính sách hỗ trợ và định hướng cho nguồn này.
Theo ông Hà Đăng Sơn, việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo chưa phù hợp. Bởi sau khi hết cơ chế giá FIT, các doanh nghiệp đã xem xét vấn đề đầu tư cho các dự án điện mặt trời mái nhà nhưng gặp rất nhiều vướng mắc trong giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy.
“Vừa rồi, kết luận của Thanh tra Chính phủ về điện mặt trời khi đưa lên phương tiện truyền thông đã tạo cơn ‘sóng thần’ với các nhà đầu tư, họ thật sự lo lắng về rủi ro pháp lý. Trong kết luận của thanh tra có nhiều điểm ám chỉ việc các nhà đầu tư có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý cho dự án năng lượng tái tạo. Một mặt chúng ta hô khẩu hiệu phải làm sao thu hút vốn tư nhân, thị trường hóa, xã hội hóa, phá bỏ thế độc quyền của EVN nhưng một mặt cơ chế chính sách không hỗ trợ các nhà đầu tư làm điều đó”, ông Sơn nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho biết dưới góc độ kinh tế thị trường, cần coi việc thiếu điện tại miền Bắc là cơ hội đầu tư, kinh doanh chứ không phải nút thắt để kìm hãm sự phát triển. Phải thay đổi cách làm chính sách, vận hành chính sách và tiếp cận, xử lý vấn đề.
“Giải quyết vấn đề thiếu điện, cần nhìn bằng con mắt rất thực tế. Trước mắt, những nhà máy điện than đang ở trong quy hoạch, đã được phê duyệt cần đẩy nhanh tiến độ hơn, đừng nói đến điện gió, điện gió ngoài khơi vì nếu chờ kế hoạch hành động để triển khai quy hoạch điện 8 thì có thể 1 năm sau chưa chắc đã có. Cần có một chính sách nhà đầu tư, người tiêu dùng dự tính được. Thời gian vừa rồi tại sao ngừng các dự án đầu tư điện, vì chính sách không ổn định, người ta không dự tính được, hôm nay FIT 1, mai FIT 2, mức như thế nào cũng không biết”, ông Cung nói.