Cơn sốt GameFi và những ‘cú bẻ lái’ đến từ vị trí các quỹ đầu tư mạo hiểm
(DNTO) - Dòng vốn đầu tư mạo hiểm đang đổ bộ mạnh mẽ vào những lĩnh vực mới nổi, trong đó có GameFi (game trên nền tảng Blockchain giúp người chơi có thể kiếm tiền). Bên cạnh những quỹ đầu tư với vai trò bệ đỡ cho dự án, không ít nơi bị tố là ‘găng bẫy’ các nhà đầu tư tiền số.
‘Trang sức’ của các dự án GameFi
Năm 2021 đánh dấu một cột mốc quan trọng của hoạt động đầu tư GameFi, Metaverse (vũ trụ ảo), với dòng vốn rót kỷ lục hơn 4 tỷ USD được rót vào lĩnh vực này (theo Blockchain Gamer).
GameFi đã thu hút hơn 30.000 người dùng chỉ trong 4 tháng và trở thành một trong những hệ sinh thái blockchain quan trọng nhất đối với cộng đồng game thủ, khi người chơi vừa có thể chơi game để giải trí, vừa có thể kiếm tiền từ việc mua bán vật phẩm và token (tài sản số, tiền số) trong game.
Đặc biệt, thị trường GameFi ngày càng sôi động khi các ‘cá mập’, là những quỹ đầu tư mạo hiểm sừng sỏ trên thị trường, tham gia rót vốn.
Softbank là ‘cá mập’ đầu tiên ‘đánh hơi’ được tiềm năng của các dự án GameFi, và đã có quyết định chiến lược, dẫn đầu vòng rót vốn vào dự án Sorare, một nền tảng giao dịch NFT (mã thông báo không thể thay thế) trong lĩnh vực bóng đá, giúp Sorare khép lại năm 2021 rực rỡ với gần 738 triệu USD vốn đầu tư.
Tại thời điểm đầu tư, Sorare đã được định giá 4,3 tỷ USD và sở hữu 600.000 người dùng, cùng với các cầu thủ được cấp phép từ hơn 180 tổ chức bóng đá, trong đó có cả Real Madrid, Liverpool và Juventus.
Vào cuối quý 3/2021, Meta (trước là Facebook) đã ra mắt quỹ đầu tư trị giá 50 triệu USD, và bắt đầu đầu tư vào hàng loạt các dự án GameFi/Metaverse đình đám như Forte, Game7, Mythical Games…
Ở Việt Nam, thị trường GameFi cũng bùng nổ sau ‘cú twist’ đến từ Axie Infinity, game NFT đang thu hút 2 triệu người chơi mỗi ngày với tổng giá trị giao dịch của các tài sản số NFT trong trò chơi đã vượt mức 2 tỷ USD. Hay ngay sau đó là Thetan Arena, game NFT đạt tổng vốn hóa thị trường pha loãng vượt hơn 5,2 tỷ USD. Cùng với hàng trăm các dự án GameFi đã và đang chuẩn bị tung ra thị trường, khiến cộng đồng tiền số ngày một nhộn nhịp.
Trong xu hướng xoay chuyển của thế giới công nghệ, các nhà đầu tư mạo hiểm đương nhiên không bỏ qua lĩnh vực với nhiều tiềm năng phát triển của GameFi/Metaverse.
Tại Việt Nam, một nhóm nhà đầu tư mạo hiểm đã và đang tích cực “săn lùng” các dự án GameFi tiềm năng để đầu tư. Nổi bật là một số cái tên tiên phong như Kyros Ventures, Coin98, Animoca Brands, Kyber Venture… hay những tên tuổi lớn trong ngành như, Pantera, DeFinance Capital, Binance Labs, Coinbase Ventures, , A16Z và Huobi Ventures…
Theo một chuyên gia blockchain và tiền điện tử, những quỹ đầu tư mạo hiểm đang là một trong những trợ lực quan trọng của các dự án GameFi. Bên cạnh sự hậu thuẫn về tài chính, các quỹ còn là “món trang sức” để đội ngũ phát triển dự án truyền thông, quảng bá nhằm thu hút người chơi, xây dựng cộng đồng lớn mạnh. Bởi với một dự án GameFi, một cộng đồng hùng hậu là một trong những yếu tố giúp dự án thêm thành công khi ra mắt.
‘Hỏa mù’ với nhà đầu tư tiền số
Tuy nhiên, trong giới đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực GameFi, cũng chứng kiến không ít trường hợp "vàng thau lẫn lộn". Bên cạnh những quỹ hoạt động chân chính, vẫn còn không ít những trường hợp tự xưng là "ventures", nhằm thu hút nhà đầu tư vào các dự án kém chất lượng.
Mới đây, quỹ đầu tư tiền số tại Việt Nam MMEG thông báo thua lỗ toàn bộ tiền gọi vốn được (tổng cộng 719.000 USD, tương đương 16 tỷ đồng) của các nhà đầu tư.
MMEG hoạt động theo hình thức kí quỹ, nhà đầu tư phải chịu 2% phí tham gia. Mỗi tháng, MMEG sẽ thu thêm 20% trên tổng lợi nhuận nhà đầu tư đạt được. Trong trường hợp thu lỗ 18%, MMEG sẽ ngừng hoạt động và hoàn trả lại tiền góp vốn. Theo cam kết, các nhà đầu tư yêu cầu MMEG hoàn trả 82% tổng số tiền góp vốn (tương đương 590.000 USD).
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc MMEG thua lỗ vẫn chưa thể xác định được vì ngay cả khi bồi thường thiệt hại cho các nhà đầu tư, đơn vị này vẫn còn lại khoản chênh lệch 129.000 USD.
Hay mới đây, nhà đầu tư dự án game CryptoBike bị thiệt hại nặng nề khi đồng tiền ảo trong game là CB đối diện với cảnh 60% lượng token dự án bị bán tháo.
Đoàn Việt Hưng, người đứng sau CryptoBike ngay lập tức “bốc hơi” trên mạng xã hội. Trước đó, Hưng là chủ của HT Ventures, quỹ đầu tư được lập lên để chuyên huy động vốn từ các nhà đầu tư, rót vào các dự án GameFi tự tạo, như CrytoBike.
Hiện tượng các quỹ đầu tư tự xưng mọc lên như nấm sau mưa trước sự bùng nổ của công nghệ blockchain nói chung và tiền số, GameFi nói riêng, một mặt là động lực thúc đẩy thị trường này phát triển, tuy nhiên một mặt sẽ gây hỗn loạn thị trường, làm mất niềm tin của nhà đầu tư khi các quỹ hoạt động không đảm bảo tiêu chuẩn.
Khi những thỏa thuận góp vốn đầu tư chỉ được thỏa thuận qua tin nhắn, không có hợp đồng hay văn bản pháp lý, những nhà đầu tư không còn cách nào khác ngoài việc ngậm ngùi nhận “trái đắng”. Vì vậy, theo các chuyên gia, việc rót tiền vào một lĩnh vực mới như GameFi nói riêng hay tiền số nói chung cần hết sức thận trọng, đặc biệt cần trang bị kiến thức để nhận diện những dự án “ma”, tránh rơi “bẫy truyền thông” từ các đối tượng.