Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành cường quốc về Blockchain
(DNTO) - Năm 2021, sự thành công và bùng nổ của nhiều dự án crypto (tiền điện tử) và blockchain nổi bật như Axie Infinity (AXS), Coin98 (C98), Kyber Network (KNC), TomoChain (TOMO), Kardia Chain,... đã giúp Việt Nam gây tiếng vang trên thị trường thế giới, thu hút nhiều nhà đầu tư.
'Đảo chiều' cuộc chơi của các doanh nghiệp
Với khả năng chia sẻ thông tin dữ liệu minh bạch theo thời gian thực, tiết kiệm không gian lưu trữ và bảo mật cao, blockchain là một trong những xu hướng công nghệ đột phá, có khả năng ứng dụng rộng rãi ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực và thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Một trong những ứng dụng nổi bật nhất của blockchain mà mọi người dễ nhận thấy đó là tiền điện tử. Dù Việt Nam vẫn đang là quốc gia có thu nhập trung bình thấp (đứng thứ 53 về GDP với khoảng 262 tỷ USD), nhưng lại có mức độ chấp nhận cao với các giao dịch tiền điện tử.
Theo Chainalysis, Việt Nam đứng thứ 10 trong tổng số 154 quốc gia về Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu, ngang hàng với nhiều nước phát triển như Mỹ, Trung Quốc hay Nam Phi. Thậm chí còn “vượt mặt” nhiều nước phát triển khác như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc,...
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 19% trong tổng số nhà đầu tư về thị trường tiền điện tử đang dành toàn thời gian trong lĩnh vực này. Đặc biệt, chỉ trong nửa đầu năm 2021, đã có thêm 38,1% số người tham dự vào thị trường crypto (theo Báo cáo toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021, do Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Quốc gia (NSSC) và BambuUP phát hành).
Cũng theo NSSC và BambuUP, trước những chuyển biến mạnh mẽ của công nghệ, crypto cũng đem đến nhiều lợi ích cho thị trường tài chính hiện đại:
Tương lai của Tài chính phi tập trung (DeFi): DeFi tận dụng sức mạnh của blockchain là phi tập trung và minh bạch để tạo nên 1 nền tài chính mở, mà trong đó mọi người đều có thể truy cập và sử dụng nó ở bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào mà không chịu sự chi phối bởi cá nhân, tổ chức tập trung quyền lực nào.
Nền kinh tế tiền mã hóa (Tokenomics): Nền kinh tế token sẽ thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh của một doanh nghiệp, từ gọi vốn, phân phối token, phát triển sản phẩm, phát triển thị trường hay định giá doanh nghiệp. Một dự án hay một công ty tốt có thể được đánh giá qua Tokenomics của dự án.
Tài sản ảo (NFT): NFT là loại token có tính độc nhất và không thể bị thay thế bởi những token khác. Đây có thể là tài sản ảo hoặc phiên bản mã hóa của tài sản trong thế giới thực. Vì mỗi NFT là duy nhất và không thể hoán đổi, nên có thể hoạt động như bằng chứng xác thực và quyền sở hữu trong lĩnh vực kỹ thuật số.
Nhiều thương hiệu hàng xa xỉ rốt ráo tham gia sân chơi NFT, như Givenchy hợp tác với nghệ sĩ kỹ thuật số Chito cho ra mắt Bộ sưu tập bao gồm 15 tác phẩm NFT; Dolce & Gabbana bán 9 sản phẩm có NFT với giá 5,7 triệu USD; Burberry cũng đã ra mắt Bộ sưu tập NFT đầu tiên với sự hợp tác của Mythical Games hồi tháng 8/2021; Gucci chính thức chào hàng trên sàn đấu giá NFT một thước phim thời trang dài 4 phút, nằm trong Bộ sưu tập Aria kỷ niệm 100 năm thành lập thương hiệu, đã được bán với giá lên tới 25.000 USD.
Tại Việt Nam, ngày 6/8/2021, bức tranh NFT đầu tay tên Hoa mai may mắn của họa sĩ 14 tuổi Xèo Chu được đấu giá thành công trên sàn giao dịch Binance NFT, với giá quy đổi gần 23 nghìn USD. Theo đại diện Binance, đây là bức tranh có giá cao nhất đến từ Việt Nam trên sàn NFT này.
Metaverse: một thế giới ảo được tạo nên từ mạng Internet và các công cụ hỗ trợ thực tế ảo tăng cường (VR, AR…), giúp người dùng có những trải nghiệm chân thật như trong thế giới thật. Bloomberg Intelligence ước tính rằng quy mô thị trường cho Metaverse có thể đạt 800 tỷ USD vào năm 2024.
Gucci, Nike, Adidas đã và đang phát triển các gian hàng trên vũ trụ ảo. Nhiều hãng Việt Nam như Thời trang Bò Sữa, Công ty phân phối MVOT... đã đưa sản phẩm của mình lên Metaverse. Theo Morgan Stanley, Metaverse tạo cơ hội tăng doanh thu của những hãng cao cấp lên 50 tỷ USD vào năm 2030.
Có thể thấy, cuộc đua ứng dụng blockchain vào các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục diễn ra. Đặc biệt, các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực ngân hàng, fintech đã ứng dụng thành công công nghệ này, đem đến nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn cho người dùng. Vì vậy, blockchain vẫn còn là mảnh đất màu mỡ cho nhiều doanh nghiệp khai thác trong thời gian tới.
Không để lỡ nhịp tới 'bữa tiệc' công nghệ thế giới
Năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quyết định số 2813/QĐ-BKHCN phê duyệt Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025: “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, trong đó blockchain được xếp thứ 2 sau trí tuệ nhân tạo (AI) trong loạt các sản phẩm của công nghệ chủ chốt.
Các doanh nghiệp trong rất nhiều ngành nghề hiện đang chủ động tìm đến những giải pháp blockchain nhiều hơn, mặc dù việc ứng dụng blockchain chưa thật sự rộng rãi nhưng đang trở nên sôi động.
Ông Đinh Việt Hùng, CEO Rada Community tin rằng Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để trở thành cường quốc blockchain. Điều quan trọng là các doanh nghiệp và các startup phải dám đứng lên để nghiên cứu và triển khai để chuyển đổi doanh nghiệp toàn diện trong việc ứng dụng blockchain.
“Blockchain và crypto sẽ mang đến thế hệ web 3.0, tokenomics đang làm điên đảo nền kinh tế thế giới, tài chính phi tập trung (defi) đang khiến các tổ chức tài chính truyền thống lo lắng. Nếu các doanh nhân công nghệ Việt Nam chỉ mới nghe báo đài đề cập đến sự lên giá của Bitcoin, sự xuất hiện của những khái niệm mới như NFT, DeFi mà chưa dành đủ hàng trăm, hàng nghìn giờ nghiên cứu sâu, tập trung làm các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng blockchain, thì e rằng Việt Nam lại một lần nữa đến trễ với bữa tiệc công nghệ của thế giới”, ông Hùng đinh nhấn mạnh.
Còn ông Vinh Lê, CEO Coin98 Finance nhận định, trong vòng 5-10 năm tới, DeFi vẫn sẽ là tương lai, xu hướng của công nghệ blockchain, khi mọi người muốn tạo ra mạng lưới giao dịch không cần sự tin tưởng lẫn nhau mà vẫn có thể hoạt động qua hợp đồng thông minh.
“Việt Nam hiện tại là một trong những thị trường tiềm năng nhất cho blockchain vì những lý do sau: Cơ sở hạ tầng số hóa chưa đầy đủ và thống nhất nên blockchain không phải cạnh tranh khốc liệt, tỷ lệ dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng - đây là nhóm sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới; chính phủ ủng hộ khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ 4.0 và hành lang pháp lý cho fintech đang dần hoàn thiện”, ông Vinh Lê cho hay.