Có 2 FTA với khu vực Á-Âu nhưng hàng Việt chỉ chiếm 0,06% lượng nhập khẩu của khối này
(DNTO) - Một thị trường với 28 nước và đã có 2 FTA với Việt Nam, thế nhưng, doanh nghiệp Việt dường như chưa thể khai phá hết cơ hội tại mảnh đất tiềm năng này.
Thông tin tại Diễn đàn Hợp tác thương mại với các đối tác khu vực Á – Âu 2021, chiều 22/12, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, thị trường Á-Âu là thị trường rộng lớn, gồm 28 nước, tổng GDP gần 3337 tỷ USD, trong đó nhiều quốc gia là thị trường truyền thống của Việt Nam và hiện nay vẫn còn dư địa để khai thác.
Hiện Việt Nam và các nước khu vực Á-Âu đã hình thành 2 Hiệp định thương mại tự do (FTA): Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA); cùng 4 Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban liên Chính phủ và một cơ chế tham vấn hợp tác kinh tế thương mại song phương. Đây chính là những cơ sở để doanh nghiệp hai bên hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.
Năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 12,7 tỷ USD tăng 20,4% so với năm 2019, chiếm 2,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam với thế giới. Trong đó, xuất khẩu Việt Nam tăng 14,2%, đạt gần 9 tỷ USD.
Mặc dù gặp nhiều bất ổn do đại dịch, kim ngạch xuất khẩu thương mại giữa hai bên trong 11 tháng đầu năm vẫn cho thấy mức tăng trưởng ấn tượng, đạt 12,7 tỷ USD, tăng 13%, trong đó xuất khẩu đạt 8,6 tỷ USD, tăng 10%, nhập khẩu đạt 4,1 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kì năm trước.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam còn rất khiêm tốn so với tổng nhu cầu nhập khẩu của khu vực Á – Âu (khoảng 1345 tỷ USD), tức hiện hàng Việt Nam chỉ chiếm 0,66% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu của khối này. Vì vậy theo ông Linh, dư địa cho doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu vào khu vực Á - Âu còn rất lớn.
Là đơn vị chuyên kiểm định sản phẩm của các doanh nghiệp xuất khẩu, ông Lý Hoàng Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng hiểu rõ nhất lý do vì sao hàng Việt chưa thể thuận lợi thâm nhập vào khu vực Á – Âu, đặc biệt là EU.
Theo ông Hải, xu hướng EU sẽ ngày càng siết chặt quy định kiểm định thực phẩm. Đặc biệt trong năm 2021 và quý 1/2022, EU siết chặt hơn mức độ tối đa cho phép của thuốc bảo vệ thực vật, hay thay đổi quy định về thực phẩm hữu cơ.
Để đảm bảo hàm lượng chất trong sản phẩm, xu hướng của thế giới là kiểm soát sản xuất theo chuỗi, tức kiểm soát từ gốc, từ nông trại đến chế biến và phân phối. Tuy nhiên ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vẫn lấy sản phẩm đầu ra để kiểm soát mà quên mất rằng các yếu tố ảnh hưởng đến đầu ra là từ sản xuất ban đầu.
“Khi biết các nước nhập khẩu cấm chất gì đó thì chúng ta phải kiểm soát sản phẩm từ lúc nuôi, trồng, để đảm bảo không chứa chất đó trong sản phẩm, khi đem ra thị trường mới đáp ứng được tiêu chuẩn của họ”, ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, tại châu Âu, đặc biệt là những nước thuộc khối EU, các yêu cầu kĩ thuật (an toàn thực phẩm sinh học, hóa học, dán nhãn…) tuy khắt khe nhưng lại có điểm thuận lợi là rất rõ ràng, minh bạch. Đặc biệt, các quy định hiện hành hay chuẩn bị ban hành cũng có lộ trình rõ ràng, được công bố công khai. Do vậy doanh nghiệp dễ dàng tìm hiểu trên các website, trang thông tin để cập nhật kịp thời, từ đó, doanh nghiệp Việt s ẽ có định hướng điều chỉnh sản xuất và kiểm soát quy trình sản xuất cho phù hợp.