Chuyên gia Nguyễn Hữu Thái Hòa: ‘Doanh nghiệp mất dữ liệu từ nhân viên nhiều hơn từ lỗ hổng công nghệ’
(DNTO) - Ths. Nguyễn Hữu Thái Hòa cho biết, nhiều doanh nghiệp ngần ngại khi chuyển đổi số vì lo lắng những lỗ hổng về bảo mật công nghệ sẽ làm mất dữ liệu, nhưng không biết rằng, đối thủ thường lấy cắp dữ liệu thông qua nhân viên công ty nhiều hơn.
Cấp thiết "xóa mù" khái niệm chuyển đổi số
Trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, khái niệm số hóa (digitizing) và chuyển đổi số (digital transformation) được nhắc đến rất nhiều.
Tại Việt Nam, số hóa được hiểu là quá trình chuyển đổi thông tin trên giấy và các quy trình thủ công thành định dạng kỹ thuật số trong đó thông tin được tổ chức thành các bit và byte.
Còn chuyển đổi số thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng nền tảng công nghệ mới như social (xã hội), mobility (di động), analytics (phân tích dữ liệu lớn) và cloud (điện toán đám mây)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa – chuyên gia Tư vấn chiến lược doanh nghiệp cho biết, khái niệm về số hóa và chuyển đổi số hiện vẫn còn rất nhiều cách hiểu khác nhau, gây tranh cãi trên các bàn thảo luận của các chuyên gia kinh tế.
Đơn cử như khái niệm data (dữ liệu, thông tin), ông Thái Hòa nhận định, hiện Chính phủ và tất cả doanh nghiệp ở Việt Nam đều quan tâm đến việc lưu trữ thông tin nhưng hiện thông tin chưa được sắp xếp nên sẽ không được gọi là data và không có giá trị thương mại. “Chúng ta đang sợ mất thông tin nhưng chưa xây dựng được thông tin thành data thì chúng ta chưa có gì để mất”, ông Hòa nhấn mạnh.
Việc “lờ mờ” trong định nghĩa về số hóa và chuyển đổi số, theo ông Hòa sẽ tạo ra “lỗ hổng” khi xây dựng nền móng cho chuyển đổi số doanh nghiệp và quốc gia. Điều này khiến quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam có thể rơi vào hai kịch bản: thứ nhất, nhà nước lãng phí khi đổ tiền tuyên truyền, gây dựng phong trào chuyển đổi số; thứ hai, doanh nghiệp không hiểu những thứ căn bản, bài bản khi chuyển đổi số nên không biết bắt đầu từ đâu hoặc lựa chọn quy trình chuyển đổi số không phù hợp gây lãng phí. Vì vậy, khái niệm về số hóa và chuyển đổi số cấp thiết phải được làm rõ và chuẩn hóa.
Phải số hóa xong mới nghĩ tới chuyển đổi số
Ths. Nguyễn Hữu Thái Hòa cho biết, số hóa là bước đầu tiên của chuyển đổi số, nếu doanh nghiệp chưa số hóa, không thể "nhảy" vào chuyển đổi số.
“Nếu doanh nghiệp chưa số hóa mà đã mua phần mềm, mua platform (nền tảng), xây app (ứng dụng) là hành động lãng phí. Chúng tôi đã xây dựng rất nhiều app, phần mềm dành cho doanh nghiệp nhưng khi mở ra không có data để đưa vào, vì vậy chúng ta phải số hóa dữ liệu. Ví dụ toàn bộ hóa đơn cá nhân viết tay phải chuyển lên phần mềm dữ liệu số…”, ông Hòa chia sẻ.
Hiện quá trình chuyển đổi số tại các doanh nghiệp Việt Nam diễn ra khá chậm chạp do còn lo ngại về bảo mật dữ liệu. Tuy nhiên ông Hòa cho biết, doanh nghiệp mất dữ liệu từ nhân viên nhiều hơn từ lỗ hổng công nghệ; bởi nếu một dữ liệu cứng bị lấy cắp cũng phải được giải mã mới có thể sử dụng nên doanh nghiệp chỉ mất đi bộ thuật toán mã hóa.
Nhưng, nếu dữ liệu không được số hóa, rất dễ bị “tuồn” ra bên ngoài vì một bộ phận nhân viên có thể bán trực tiếp thông tin, danh sách khách hàng cho đối thủ. Ngoài ra, khi một nhân viên nghỉ việc, nếu họ tự giữ hết tài liệu, như vậy doanh nghiệp mất trắng.
“Ví dụ về rò rỉ dữ liệu khách hàng lớn nhất phải kể đến hãng hàng không Vietnam Airlines, thông tin khách hàng đưa ra bên ngoài không phải từ ổ cứng mà từ các phòng bán hàng, bán vé của doanh nghiệp. Ngay cả nhiều doanh nghiệp hiện nay cho nhân viên đem máy móc công ty về trong khi lại lo lắng về bảo mật khi số hóa”, ông Thái Hòa nêu ví dụ.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh đến việc doanh nghiệp khi chuyển đổi số cần bên thứ ba để chuyển giao công nghệ, bên cạnh nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi số. Hiện rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học đang tham gia với vai trò bên thứ ba, có thể giúp doanh nghiệp chọn lọc những công đoạn, quy trình quan trọng nhất để tiến hành chuyển đổi số sớm, sau đó mới đến việc lựa chọn công nghệ phù hợp để áp dụng.
Ngoài ra, vấn đề lớn nhất của chuyển đổi số toàn cầu hiện nay, theo ông Hòa là digital me (tạm dịch: cá nhân hóa chuyển đổi số), đó là việc mỗi người cần ý thức số hóa mọi hoạt động của mình từ những việc nhỏ nhất như chuyển từ viết tay sang đánh máy, lưu trữ tài liệu từ sổ sách sang tài liệu điện tử…