Năm 2020 chứng kiến nhiều thành tựu về chuyển đổi số
(DNTO) - Năm 2020 được xem là năm chuyển đổi số quốc gia với nhiều hoạt động sôi nổi trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Sức ép từ các tác động tiêu cực của dịch bệnh đã làm đẩy nhanh quá trình này. Trong một năm qua, lộ trình "số hóa" của Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận.
Dưới tác động của dịch bệnh lên đời sống xã hội và các hoạt động đời thường, việc chuyển đổi số có cơ hội phát huy và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống.
Về thương mại, năm 2020 là một năm bùng nổ của thương mại điện tử, giai đoạn các lệnh hạn chế được áp dụng, hành vi của người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng. Các chợ truyền thống ít tấp nập hơn. Các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada hay Tiki phát huy thế mạnh tiện dụng của mình. Quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2020 tăng 46%, đạt 7 tỷ USD. 94% số người tiêu dùng mới sử dụng các dịch vụ số sẽ tiếp tục sử dụng các dịch vụ đó kể cả sau đại dịch.
Ông Vũ Quốc Thịnh, Tổng giám đốc Lazada Logistics Việt Nam nhận định quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, ước tính đạt 52 tỷ USD vào năm 2025 với nhiều dư địa phát triển.
Về tài chính - ngân hàng, ngân hàng số cũng nhanh chóng được phát triển để rút ngắn khoảng cách với khách hàng. Từ tháng 7 đến nay, nhiều ngân hàng đã triển khai giải pháp tính năng định danh trực tuyến (eKYC) và thu được những kết quả nổi bật. Ngân hàng Nhà nước cũng đang gấp rút hoàn thành hành lang pháp lí để đẩy mạnh hoạt động này.
Theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank, việc triển khai ngân hàng số được các ngân hàng gấp rút hoàn thiện trong năm nay. Điều này mang lại nhiều tiện ích và giá trị cho khách hàng, hạn chế được việc đi lại và tiếp xúc trong dịch bệnh. Hiện nay, khoảng 80% các giao dịch có thể được khách hàng thực hiện tại nhà, và các ngân hàng cũng đang chạy đua để tỉ lệ này đạt 100% trực tuyến.
Về Văn hóa - Giáo dục, các hoạt động, hội nghị, học tập thích nghi nhanh chóng với các lệnh phong tỏa hay hạn chế theo từng địa phương. Điều này cho thấy chúng ta đã có những sự chuẩn bị hết sức kỹ càng cho các diễn biến phức tạp. Các hội nghị, hội thảo được chuyển sang nền tảng trực tuyến, giúp các đơn vị không bị lỡ nhịp trong tiến trình hội nhập.
Các lớp học bị ảnh hưởng cũng nhanh chóng được thay thế bằng phương pháp học trực tuyến, mặc dù hiệu quả được đánh giá chưa đạt yêu cầu như trực tiếp nhưng đã phần nào giúp quá trình dạy và học không bị lũng đoạn.
Ông Trần Nam Đông, Giám đốc Đài Truyền hình Đồng Nai cho biết ngoài các lớp học trực tuyến theo từng trường, Đài Truyền hình Đồng Nai còn tiên phong tổ chức hình thức học qua truyền hình giúp học sinh củng cố kiến thức và đạt hiệu quả cao.
Về y tế, hoạt động số hóa ngành y tế đã được thực hiện từ nhiều năm nay, nhưng đến năm 2020 mới thực sự tăng tốc và ứng dụng mạnh mẽ. Trong lĩnh vực hành chính, 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, 100% văn bản tại Bộ Y tế đã được xử lý điện tử và áp dụng chữ ký số.
Trong phòng chống dịch Covid-19, chuyển đổi số đã góp phần rất lớn giúp Việt Nam kiểm soát và khống chế được dịch bệnh. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ứng dụng tờ khai y tế điện tử, bản đồ an toàn Covid-19, ứng dụng truy vết Bluezone..
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong mục tiêu chuyển đổi số y tế đến 2025, 100% cơ sở y tế sẽ tham gia khám chữa bệnh từ xa, bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân.
Về công nghệ thông tin, tuần vừa qua, Việt Nam chính thức bước vào Top 5 nước đầu tiên trên thế giới làm chủ được công nghệ 5G và đang bắt đầu triển khai tại các thành phố lớn.
Nắm thời cơ thuận lợi, Tập đoàn Công nghệ Bkav chính thức xuất khẩu lô hàng camera an ninh AI View đầu tiên sang Mỹ, thị trường khó tính bậc nhất thế giới, đánh dấu tầm ảnh hưởng của công nghệ Việt giữa lúc thế giới khó khăn.
Cùng thời điểm, Tập đoàn FPT thành lập công ty thứ 8 trong hệ thống, quyết "đánh lớn" vào công cuộc chuyển đổi số. Tổng giám đốc Tập đoàn FPT khẳng định công ty này quy tụ tất cả sức mạnh công nghệ của FPT để cung cấp và kích hoạt tính năng mới cho khách hàng chuyển đổi số thành công.
Mới đây, tại Hội nghị Chính phủ và các địa phương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong tháng 1/2021, dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT và các Bộ liên quan, các doanh nghiệp số của Việt Nam sẽ công bố các nền tảng chuyển đổi số cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho hợp tác xã, hộ kinh doanh… cũng như một số nền tảng chuyển đổi số cho ngành, nhất là y tế, giáo dục… và miễn phí từ 6 tháng đến 1 năm.
"Về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, không làm tuần tự mà hướng ngay đến mục tiêu 100%, trong quý 1/2021, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Về triển khai về chính quyền số, không nhất thiết phải làm xong Chính phủ điện tử mới làm Chính phủ số mà có thể triển khai ngay Chính phủ số từ năm 2021. Bộ TT&TT sẽ tư vấn về cách làm nhanh và tiết kiệm." Bộ trưởng cho biết
Bộ TT&TT không chỉ hỗ trợ về hướng dẫn, tháo gỡ chính sách, mà còn phản ứng nhanh, có thể hỗ trợ từ xa, cầu truyền hình hoặc trực tiếp đến tận nơi để cùng làm với các địa phương. Lực lượng gần 60.000 doanh nghiệp số Việt Nam có năng lực và sẵn sàng tham gia các chương trình chuyển đổi số. Các Bộ, ngành, địa phương chỉ cần đặt ra các bài toán các vấn đề của mình cho giới doanh nghiệp số Việt Nam, có thể trực tiếp hoặc thông qua Bộ TT&TT.
Bộ TT&TT khuyến nghị các Bộ, ngành và địa phương trong nhiệm kỳ tới chọn đột phá là công nghệ, nhất là công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách của kinh tế, xã hội…