Chứng khoán tuần mới: Đà tăng giá chỉ diễn ra cục bộ
(DNTO) - Theo giới phân tích, trong tuần giao dịch mới thị trường sẽ đón nhận những phiên giao dịch cuối cùng của năm cũ, bước vào năm mới. Nhìn chung đà tăng giá chỉ diễn ra “cục bộ” ở một số nhóm ngành, mức độ lan tỏa chưa cao khi dòng tiền trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu nhập cuộc một cách mạnh mẽ.
Tuần giao dịch mới (30/12/2024-3/1/2025), giới phân tích nhận định, những rủi ro gần đây đã tạm thời lắng dịu, nhưng thị trường vẫn thiếu vắng thông tin hỗ trợ đủ mạnh.
Tuần qua, các chỉ số chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến xu hướng phục hồi tích cực khi những rủi ro gần đây tạm thời lắng dịu. Cụ thể, đà tăng của chỉ số sức mạnh đồng đô la (DXY) đã chững lại trong tuần qua, giúp tỷ giá USD/VND liên ngân hàng “tạm thời hạ nhiệt” và giảm xuống dưới ngưỡng can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Điều này tạo điều kiện để NHNN bơm trở lại lượng lớn thanh khoản (khoảng hơn 70.000 tỷ đồng) cho hệ thống ngân hàng trong phiên 23/12/-26/12, đảo ngược lại gần như hoàn toàn mức hút ròng gần 71.500 tỷ đồng trong tuần trước đó. Đây là diễn biến tích cực trong bối cảnh các ngân hàng thương mại đang “nỗ lực về đích tăng trưởng tín dụng trong những ngày cuối năm”.
Trước diễn biến đó, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã chứng kiến đà tăng giá ấn tượng và là động lực chính thúc đẩy xu hướng đi lên của các chỉ số chứng khoán. Đồng thời, nhóm cổ phiếu đầu tư công cũng “dậy sóng” khi nhà đầu tư kỳ vọng Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư công trong năm tới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect, nhìn chung đà tăng giá chỉ diễn ra “cục bộ” ở một số nhóm ngành và mức độ lan tỏa chưa cao khi dòng tiền trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu nhập cuộc một cách mạnh mẽ.
"Bước sang tuần giao dịch chuyển tiếp giữa năm cũ và năm mới, tôi cho rằng thị trường chứng khoán trong nước có thể duy trì xu hướng vận động đi lên và chỉsố VN-Index sẽ kiểm định vùng kháng cự mạnh 1.280-1.300 điểm", vị chuyên gia nhận định.
Cũng theo ông Hịnh, hiện tại xác suất thị trường sớm vượt qua được vùng kháng cự mạnh này không cao, đặc biệt trong bối cảnh áp lực tỷ giá vẫn “chực chờ” và thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ đủ mạnh. Do đó, nhà đầu tư nên tận dụng những phiên tăng điểm để giảm đòn bẩy và hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu về ngưỡng an toàn, hạn chế giải ngân mới để giảm thiểu rủi ro.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh DSC dự báo thị trường vẫn sẽ tiếp tục xu hướng giằng co trong khoảng 1-2 tuần giao dịch tới và phân hoá mạnh với câu chuyện về báo cáo tài chính quý 4. Nguyên nhân do dòng tiền kỳ vọng sẽ có sóng năm mới, nhưng năm nay giai đoạn này tiền vẫn yếu. Áp lực tỷ giá lên thanh khoản hệ thống vẫn có nên thị trường khó bùng nổ nếu không có yếu tố mang tính đột biến và báo cáo tài chính quý 4 sắp tới cũng dự kiến phân hoá giữa các ngành, doanh nghiệp. Do đó, chuyên gia đưa ra quan điểm trung lập về xu hướng thị trường sau Tết và nửa đầu năm 2025. Nếu có sóng tăng thì cũng sẽ không tăng mạnh, chỉ dao động quanh vùng 1.300 điểm.
Dự báo ngắn hạn về yếu tố tác động đến thị trường sau tết Dương lịch, ông Huy cho rằng khả năng áp lực khối ngoại bán ròng sẽ giảm bớt sau năm bán ròng kịch liệt. Mặc dù kỳ vọng nâng hạng có thể sẽ hỗ trợ thị trường, nhưng câu chuyện này khả năng cũng đã phản ánh một phần vào VN-Index hiện tại và kỳ vọng mới chỉ xuất hiện nửa sau năm 2025.
Chiều ngược lại, thị trường cũng đối diện nhiều áp lực khi thanh khoản khả năng chưa thể sớm cải thiện, lãi suất xu hướng tăng lại, áp lực từ tỷ giá, rủi ro từ các chính sách từ ông Donald Trump khi nhậm chức. Nhóm ngân hàng dự báo duy trì mức tốt; bất động sản phục hồi, nhưng các ngành phi tài chính khác như thép, bán lẻ, xuất khẩu, cảng biển, logictics… sẽ chậm lại.
Với báo cáo tài chính quý 4 sắp tới, bức tranh sẽ phân hoá mạnh ở từng doanh nghiệp. Ông Huy cho rằng ngân hàng, bất động sản, hàng tiêu dùng, đầu tư công, hàng tiêu dùng sẽ là những nhóm ngành có báo cáo tài chính quý 4 ổn và trong năm 2025 sẽ được hưởng lợi từ việc thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng nội địa, và đây cũng là những nhóm ngành có khả năng hấp thụ dòng vốn từ khối ngoại nếu thị trường được nâng hạng nhờ lợi thế qui mô vốn hóa lớn và hở room ngoại sau một thời gian dài bị bán ròng.