VCBS dự báo tăng trưởng tín dụng ngân hàng năm 2025 đạt 15%, nợ xấu giảm xuống 1,5%
(DNTO) - Toàn cảnh bức tranh ngành ngân hàng năm 2025 được dự báo với nhiều điểm sáng như lợi nhuận trước thuế đạt mức tăng trưởng khoảng 15%, nợ xấu đã đạt đỉnh và dự báo giảm 1,5% vào năm sau, NIM tăng 5 điểm cơ bản so với cùng kỳ.
Tăng trưởng tín dụng: Điểm sáng từ doanh nghiệp và bất động sản
Báo cáo mới nhất từ Vietcombank Securities (VCBS) vừa dự báo, năm 2025 tín dụng bán lẻ sẽ tăng trưởng khoảng 15%, dẫn đầu bởi các khoản cho vay mua nhà, tài chính tiêu dùng và thẻ tín dụng. Tuy nhiên, những vấn đề pháp lý chưa được tháo gỡ triệt để, cùng mặt bằng giá bất động sản cao, vẫn là rào cản lớn đối với người vay.
Ở phía doanh nghiệp, tín dụng bất động sản ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, đạt 16% YTD vào cuối quý III/2024. Tuy nhiên, tín dụng xây dựng, đặc biệt là các dự án hạ tầng, tăng trưởng khiêm tốn do giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng.
Điểm nhấn trong bức tranh lợi nhuận là sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngân hàng. Cụ thể, các ngân hàng quốc doanh được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 12% vào năm 2025, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân năng động dự kiến bứt phá với mức tăng tới 20%. Ngược lại, các ngân hàng quy mô nhỏ hơn có thể chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn 8%.
VCBS phân tích, tín dụng dự kiến tiếp tục tăng trưởng ổn định ở mức 14-15%, nhờ vào nhiều yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ. Tỷ lệ CASA được cải thiện một cách rõ nét hơn và hỗ trợ tiết giảm chi phí vốn của các ngân hàng. Những ngân hàng tư nhân có thế mạnh về bán lẻ, tỷ lệ CASA cao, chất lượng tài sản vượt trội và tập khách hàng phục hồi khả năng trả nợ nhanh được dự báo sẽ có tiềm năng mở rộng NIM mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) toàn ngành dự kiến giảm xuống mức 34%-35% trong năm 2025 nhờ áp dụng công nghệ số hóa và tối ưu hóa quy trình hoạt động. Các ngân hàng như Vietcombank, MB Bank, và Techcombank được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội, dẫn đầu thị trường nhờ quản lý rủi ro hiệu quả và chiến lược kinh doanh linh hoạt.
Về nợ xấu, mặc dù vẫn tăng nhẹ trong 2 quý liên tiếp, có dấu hiệu cho thấy nợ xấu dường như đã tạo đỉnh và có thể cải thiện trong năm 2025. Tỷ lệ nợ chuyển quá hạn (bao gồm cả nợ được tái cơ cấu) có xu hướng giảm dần và ở mức 0,23% dư nợ trong quý 3/2024, thấp hơn trung bình lịch sử là ~0,5%/quý.
Trong đó, nợ nhóm 2 (chỉ báo sớm của nợ xấu) giảm 8 bps trong quý 3/2024 và duy trì xu hướng giảm 2 quý liên tiếp nhờ sự phục hồi của nhóm khách hàng bán lẻ. Nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023 cũng có xu hướng giảm và chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 0,8%. Số ngày thu lãi bình quân, như đã đề cập, cũng có chuyển biến tích cực cho thấy nợ tiềm ẩn xấu nhìn chung đang được kiểm soát.
"Nhìn chung, thời điểm khó khăn nhất đã qua và tỷ lệ nợ xấu năm 2025 của các ngân hàng trong danh mục phân tích dự báo giảm xuống 1,5% từ mức 1,6% năm 2024. Tuy nhiên, việc trích lập dự phòng ở mức tương đối thấp trong giai đoạn 2023-2024 khiến áp lực trích lập dự phòng trong năm 2025 vẫn sẽ ở mức cao. Đây sẽ là thách thức không nhỏ trong bối cảnh thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều biến động", VCBS dự báo.
NIM năm 2025 tăng 5 điểm cơ bản so với cùng kỳ, lãi suất có sự phân hóa
Dự kiến, NIM sẽ cải thiện trở lại khi thanh khoản hệ thống dồi dào và sức khỏe tài chính của khách hàng vay được củng cố. VCBS cũng dự báo NIM sẽ tăng nhẹ trong năm 2025 nhờ chi phí vốn được giữ ở mức thấp khi lãi suất huy động ổn định và áp lực tỷ giá giảm. Bên cạnh đó, dư địa để giảm lãi suất đầu ra không còn nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho NIM.
"NIM năm 2025 của các ngân hàng trong danh mục phân tích tăng 5 điểm cơ bản so với cùng kỳ", VCBS nhận định.
Lãi suất huy động dự kiến sẽ nhích nhẹ vào cuối năm 2024 và giữ xu hướng đi ngang trong năm 2025. Cuối năm 2024, lãi suất có thể tăng thêm khoảng 0,2-0,3 điểm phần trăm do áp lực từ tỷ giá và lạm phát vẫn hiện hữu, trong khi các ngân hàng cần tăng cường thanh khoản để đáp ứng nhu cầu tín dụng gia tăng.
Sang năm 2025, VCBS kỳ vọng lãi suất huy động sẽ ổn định khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ tín dụng. Mặc dù có thể nhích nhẹ, mặt bằng lãi suất vẫn sẽ duy trì ở mức thấp, tương tự giai đoạn đại dịch Covid-19.
Về lãi suất cho vay, chuyên gia dự đoán Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ trung hòa nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, chứ chưa sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, đồng thời có sự phân hóa giữa các ngành và nhóm ngân hàng. Các lĩnh vực ưu tiên dự kiến tiếp tục được hưởng lợi với lãi suất giảm nhẹ, trong khi những ngành rủi ro cao hoặc phục hồi nhanh như bất động sản và xây dựng có thể đối mặt với mức lãi suất tăng theo đà của lãi suất huy động.
“Việt Nam thống nhất triển khai đồng loạt nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng mà không cần phải sử dụng đến việc nới lỏng tiền tệ. Có thể kể đến như việc cơ quan quản lý liên tục tập trung mở rộng quan hệ đối tác kinh tế, mở rộng thị trường thương mại, thực hiện giải pháp nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán, thúc đẩy đầu tư công, thúc đẩy đầu tư nước ngoài, cải cách thể chế theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước. Tất cả các giải pháp này góp phần thu hút dòng vốn đầu tư mạnh mẽ hơn, tạo cơ sở để tiếp tục ổn định vĩ mô, tăng dự trữ ngoại hối, từ đó ổn định lãi suất và tỷ giá” chuyên gia phân tích và đưa ra nhận định Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giữ các mức lãi suất chính sách như hiện nay trong một chính sách tiền tệ trung hòa trong vài tháng đầu năm 2025.