Chóng mặt trước tình trạng chao đảo của chip điện tử toàn cầu
(DNTO) - Tình trạng thiếu chip diện rộng thời gian dịch bệnh đã khiến guồng sản xuất ô tô, máy tính và thậm chí cả đồ gia dụng như máy giặt, liên tục đình trệ. Liệu giờ đây đã có dấu hiệu nào cho thấy cảnh “đói bộ não điện tử” này sắp chấm dứt, và viễn cảnh ấy có thực sự đáng mừng?
Thế giới chip điện tử nay đang chẳng khác gì một giấc mơ lộn xộn. Giờ đây, thật khó để hiểu cho được những gì Hoa Kỳ và nhiều nước tiên tiến khác đang muốn đạt được khi các kế hoạch chip máy tính ngày càng mông lung và đầy ngõ tắc giữa thiếu và thừa. Tình trạng khô hạn chip điện tử toàn cầu mùa dịch đã khiến chuỗi sản xuất ô tô, máy tính và thậm chí cả máy giặt cho… thú cưng bị đình trệ. Rồi lúc này thị trường lại “dở khóc dở cười” với chuyện… chip ế!
Lâu nay, chip máy tính là thứ thiết yếu cho điện thoại thông minh, các thiết bị điện tử tiêu dùng và thậm chí cả bảng điều khiển… game. Chúng còn được sử dụng trong máy bay chiến đấu, hệ thống đánh lửa, phanh, giải trí của ô tô, và cả ở mảng ít ai ngờ là chăn nuôi khi người ta dùng chip để theo dõi sản lượng sữa của bò. Mọi sự sẽ không có gì để nói nếu chẳng xảy ra điều bất thường trong vài năm qua, phát sinh từ những gián đoạn do đại dịch đến nhu cầu tăng vọt ở người dùng hậu Covid-19. Hệ lụy là tình trạng thiếu hụt lẫn dư thừa chip trên thị trường đã xảy ra.
Lúc này xem chừng “ánh sáng cuối đường hầm” đang từ le lói đến hửng sáng dần, bởi đã có chút dấu hiệu cho thấy làn sóng thiếu hụt ấy đang tự điều chỉnh. Trong những tuần gần đây, chip máy tính có vẻ như đang “dồi dào” một cách trái khoáy. Thậm chí ngược đời là một số công ty sản xuất mặt hàng be bé nhưng thiết yếu này đang lo lo, vì doanh số bán hàng giảm khiến dôi dư nhiều hàng tồn kho. Thực tế là lượng chip không được sử dụng hiện đang chất đống ở Hàn Quốc, nơi vốn luôn là trung tâm sản xuất lớn cho mặt hàng này.
Một trong những lý do chủ yếu là khách hàng trên khắp thế giới không còn mặn mà mua sắm lắm với các thiết bị điện tử như máy tính xách tay, điện thoại thông minh hay TV. Cơn sốt hút hàng của chúng cách đây một hoặc hai năm xem chừng đã hạ nhiệt. Mối đe dọa từ giá cả leo thang cũng như tình trạng sức khỏe kém của các nền kinh tế đang kìm hãm và cản đường chip điện tử trở lại thời hoàng kim. Thế là nhiều công ty vội vã cắt giảm đơn đặt hàng đối với chip máy tính mà lẽ ra chúng đã được tích hợp sẵn trong nhiều sản phẩm.
Có thể nói nền kinh tế và thế giới chip máy tính đang cùng chơi “trò ú tim”. Ván bài ấy cũng xảy ra giữa mức độ tăng giảm của nhu cầu chi tiêu và kỳ vọng của những nhà sản xuất chip. Bởi trước đây hệ thống kinh doanh này luôn sản xuất quá mức dẫn đến tình trạng thừa bứa chip trên thị trường. Nỗi lo đại dịch sẽ phá sản thế giới chip thực sự đang lơ lửng, lúc ẩn lúc hiện. Lâu nay, hầu hết các chip tiên tiến nhất trên thế giới đều được sản xuất ở châu Á, đặc biệt là tại Đài Loan và Hàn Quốc. Có lẽ nhiều người Mỹ không vui khi thấy đa số các loại chip thiết yếu đều được sản xuất tại xứ Đài, nơi vẫn ngấm ngầm chịu ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trước tình thế này, giới quan chức và các ngành công nghiệp Hoa Kỳ đã “nóng mặt”, đến nỗi họ phải đưa ra một danh sách các lợi ích từ việc tài trợ chip của mình, bao gồm viễn cảnh lạc quan là sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn cho con cháu chú Sam, đồng thời có thể cạnh tranh với đối thủ Trung Quốc. Bên cạnh đó còn là những lời hứa hẹn trợ giúp các ngành công nghiệp Mỹ, điển hình là mảng sản xuất ô tô, tiếp tục tung ra được các sản phẩm một cách dễ dàng hơn.
Dấu hỏi cuối cùng là liệu chip ra lò ngay tại những nơi như Texas có được các công ty châu Âu hoặc châu Á tiêu thụ, hay quanh đi quẩn lại chỉ có những chiếc Ford F-150 ở Mỹ sử dụng? Điều trái khoáy khó tin lúc này là ô tô hiện đang phải tranh giành chỗ ưu tiên chầu chực trên dây chuyền nhà máy sản xuất chip. Mục đích của chúng là để “phỗng tay trên” cho được những con chip có lợi vốn đang bị sức hút mạnh từ thị trường điện thoại thông minh, hoặc chống lại cơn sốt thu gom từ các thiết bị ưa thích khác, giữa tình hình ngáo ộp đại dịch được kỳ vọng sẽ mờ dần.