Các doanh nghiệp bị kẹt giữa 'làn lửa đạn' dư luận trái chiều của cuộc chiến Israel-Hamas
(DNTO) - Các tập đoàn, công ty đang cảm nhận áp lực của cuộc chiến Israel-Hamas, vất vả tìm kiếm sự cân bằng.
Khi chiến sự giữa Israel-Hamas tiếp tục diễn ra căng thẳng, với các cuộc không kích liên tiếp được thực hiện bởi Israel đến các mục tiêu tại dải Gaza và các nước phương Tây tìm cách làm dịu căng thẳng, thì các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn ngày càng gặp khó khăn khi tìm cách gỡ rối khỏi ảnh hưởng của cuộc chiến này.
Vấn đề lớn nhất mà doanh nghiệp trên thế giới đang phải đối mặt là tìm đến một phản ứng cân bằng của cuộc chiến này, mà không làm phật lòng khách hàng, đối tác và cả các nhân viên bên dưới.
Các công ty không muốn bị rơi vào tình huống của các trường đại học danh tiếng tại Mỹ, vốn đã bị lôi vào vòng lằng nhằng của các luồng dư luận trái chiều. Một loạt cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên, phát ngôn của giáo viên về cuộc chiến... đã làm phật lòng các đối tác đầu tư và nhà tài trợ.
Marc Rowan, Giám đốc điều hành của Apollo Global Management và là nhà tài trợ lớn cho Đại học Pennsylvania, đã kêu gọi hiệu trưởng và chủ tịch của trường từ chức. Cựu Đại sứ Jon Huntsman đã ngừng tài trợ cho trường học và Ron Lauder, người thừa kế hãng mỹ phẩm Estée Lauder, cho biết ông đang “xem xét lại” khoản hỗ trợ tài chính của mình.
Tại Harvard, tỷ phú người Israel Idan Ofer và người sáng lập Victoria's Secret, Leslie Wexner, đã cắt đứt quan hệ với trường sau khi các nhóm sinh viên ký đơn thỉnh cầu đổ lỗi cho Israel về vụ tấn công của Hamas.
Đó không phải là viễn cảnh mà các doanh nghiệp muốn vướng phải.
Tuy nhiên, không phải dễ để các hãng có thể né tránh hoàn toàn vấn đề nhạy cảm này. Nhất là khi tính chất kinh doanh của họ có mối quan hệ mật thiết với dư luận như các hãng kinh doanh mạng xã hội.
LinkedIn, mạng xã hội chuyên kết nối việc làm và kinh doanh, đã đưa ra cảnh báo đến trang web anti-israel-employees.com. Trang web này tự động thu thập thông tin của Linkedin để liệt kê danh sách các nhân viên có ý kiến chống Israel. Ý kiến chỉ trích cho rằng thông tin của trang web này không có độ chính xác cao, có thể sai lầm trong nhận định và tạo hiềm khích không đáng có. Đại diện LinkedIn cho biết họ sẽ đấu tranh để gỡ bỏ trang web này.
Trong khi đó, Meta đang vất vả tìm cách điều chỉnh chính sách nội dung một các công bằng trên tất cả các nền tảng của họ, bao gồm Facebook và Instagram. Trước đó, công ty này đã phải lên tiếng xin lỗi vì tính năng tự động dịch của họ nhầm tưởng tên một số người dùng Ả-rập có nghĩa là “khủng bố Palestine”.
Các doanh nghiệp cũng chịu áp lực phải đưa ra chính kiến của họ. Những nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang cân nhắc các lời lẽ chính thức. Họ đang phải tìm kiếm một sự cân bằng giữa việc tố cáo cuộc tấn công khủng bố, chủ nghĩa bài trừ Do Thái, và đồng thời cũng phải chống tư tưởng bài Hồi giáo, kêu gọi ngừng bắn.
Chuyên gia giao tiếp doanh nghiệp cho biết các công ty, tập đoàn luôn gặp lúng túng khi đụng phải những vấn đề nhạy cảm, và không nên vội vàng tung ra chính sách, lời phát ngôn chính thức. Ngược lại, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã từng bị dư luận khiển trách khi họ né tránh đưa ra lập trường, đặc biệt là khi trước kia họ đã từng tham gia vào các vấn đề xã hội như nhân quyền hay bình đẳng chủng tộc.
Một số công ty, nhất là những công ty không hoạt động ở Trung Đông, đã chọn cách không lên tiếng. COO của công ty phần mềm Asana cho biết họ theo nguyên tắc: “Chúng tôi có lên tiếng thì cũng không giải quyết được vấn đề gì”.
Một số quan chức cấp cao đã phải đối mặt với hậu quả khi họ hành động sai lầm. Giám đốc điều hành của Web Summit, một trong những hội nghị công nghệ lớn nhất châu Âu, đã phải từ chức khi bị chỉ trích vì nhận xét công khai của ông về Israel khiến các nhà tài trợ và diễn giả lớn rút khỏi sự kiện.
Một đại diện hàng đầu tại Creative Artists Agency cũng đã rời vai trò lãnh đạo của mình sau khi xin lỗi về nội dung chỉ trích Israel mà bà đã đăng trên tài khoản Instagram của mình.