Bức tranh thị trường bán lẻ 2022 sẽ như thế nào?
(DNTO) - Hai năm 2020 và 2021, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Đại dịch đã tác động rất lớn đến tất cả ngành kinh tế, trong đó có bán lẻ. Năm 2022, thị trường bán lẻ sẽ ra sao, tâm lý, hành vi mua sắm của người dùng sẽ như thế nào, và doanh nghiệp bán lẻ sẽ thích ứng ra sao?
Theo các chuyên gia ngành hàng tiêu dùng, sự suy giảm tình hình dịch bệnh tại TP.HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất nước đã dần giúp các ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ lấy lại sự cân bằng sau một thời gian dài.
Chỉ trong năm 2021, tâm lý và hành vi của người tiêu dùng đã trải qua những sự thay đổi ở các góc độ khác nhau. Sau một năm, nhìn chung thì người tiêu dùng đã lấy lại niềm tin để chi tiêu nhiều hơn sau khi đại dịch dịu đi.
Thương mại điện tử vẫn tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng
Bà Võ Thị Kim Ngân, Phó Giám đốc, Bộ phận Tư vấn chiến lược KPMG Việt Nam nhận định, sự khác biệt rõ nét nhất thể hiện ở kênh mua sắm và danh mục sản phẩm.
“Thời gian qua, trong khi các kênh mua sắm bị gián đoạn do giãn cách xã hội thì thương mại điện tử vẫn tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng nhờ vào ưu thế giao hàng và thanh toán không tiếp xúc. Tính đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã đạt 8 triệu người mới sử dụng nền tảng số hóa trong mua sắm kể từ khi bùng phát đại dịch, theo báo cáo điện tử SEA 2021 của Google, Temasek, Bain & Company. Bên cạnh đó, chủng loại sản phẩm cũng được người tiêu dùng tập trung hơn vào các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Do đó, các sản phẩm ngoài danh mục này chiếm mức chi tiêu ít hơn”, bà Ngân cho hay.
Theo bà Ngân, trong năm 2022 thương mại điện tử sẽ tiếp tục là điểm sáng, được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững, hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ trong bối cảnh đại dịch vẫn đang diễn ra.
Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc AEON Việt Nam cho rằng: "Hậu đại dịch, chúng tôi nhận thấy thị trường toàn cầu có 3 xu hướng quan trọng: thúc đẩy phát triển bền vững, chuyển đổi từ tập trung hóa sang phân hóa/đa cực và chuyển đổi số".
Theo ông Furusawa Yasuyuki, trong 5-10 năm tới, kinh tế Việt Nam nói chung và ngành bán lẻ nói riêng đều rất tiềm năng với nhiều điều kiện phát triển thuận lợi, khi Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về tỉ lệ tăng trưởng tầng lớp trung lưu trong khu vực Đông Nam Á (9,2%/năm).
Theo dự báo, trong 1 thập kỉ tới, GDP bình quân đầu người tại Việt Nam sẽ tương đương với Thái Lan ở hiện tại. Cũng vào năm 2030, tỉ lệ đô thị hóa sẽ tăng từ 36% hiện tại lên 50%, và tỉ lệ kênh phân phối hiện đại cũng sẽ đạt mức 50%, tăng mạnh từ con số 10% hiện nay. Bên cạnh đó, thương mại điện tử cũng sẽ phát triển mạnh mẽ với tỉ lệ tăng trưởng đạt khoảng 24%/ năm. Theo mục tiêu của chính phủ Việt Nam, tính đến năm 2025, tỉ lệ thanh toán không tiền mặt sẽ đạt 90%, và 100% người dân sẽ có danh tính số.
Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế Việt Nam và sự thay đổi mạnh mẽ về cấu trúc của ngành bán lẻ trong thời gian tới, doanh thu của các nhà bán lẻ hàng đầu dự đoán sẽ gấp 3 lần so với thời điểm hiện tại.
Đại diện của hệ thống MM Mega Market Việt Nam (MM) cũng cho rằng, mặc dù năm 2021, thị trường bán lẻ Việt Nam có mức tăng trưởng thấp do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng về dài hạn vẫn là một thị trường đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân, được xếp vào nhóm các quốc gia phát triển tầng lớp trung lưu mạnh, tốc độ đô thị hóa nhanh và thu nhập của người dân cũng có phần cải thiện. Vì vậy Việt Nam vẫn là thị trường đầy tiềm năng cho ngành bán lẻ.
Đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Khách hàng ngày càng chú trọng hơn về sự tiện lợi và lựa chọn các siêu thị nhỏ và vừa, có vị trí gần nhà đối với các sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày.
Thương mại điện tử, không gian mua sắm ảo và thanh toán không tiền mặt càng phát triển mạnh mẽ nhằm nâng cao trải nghiệm mua sắm, đem đến sự an toàn và tiện lợi cho khách hàng.
Hơn nữa, theo nghiên cứu, 60% người tiêu dùng trên toàn cầu ngày càng quan tâm cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của mình sau khi trải qua đại dịch. Họ chủ động tiếp cận các loại thực phẩm dinh dưỡng chức năng, những nguyên liệu gần gũi với thiên nhiên, truy xuất nguồn gốc. Chính vì thế chúng tôi luôn đặc biệt chú trọng phát triển thực phẩm sạch, hữu cơ và tốt cho sức khỏe.
Những bước biến chuyển của doanh nghiệp
Trước những ảnh hưởng dù lớn, dù nhỏ của đại dịch Covid-19, bước sang năm 2022, các doanh nghiệp bán lẻ đều cho rằng, cần phải thay đổi, chuyển biến để tồn tại và phát triển.
MM Mega Market Việt Nam đã đón đầu xu hướng số hóa bằng việc triển khai chiến lược phát triển bán hàng đa kênh và ngày càng hoàn thiện giải pháp bán hàng trực tuyến. Hiện nay, MM có kênh bán hàng trực tuyến khá đa dạng với 3 hình thức là website MM Click & Get; Zalo và Telesales.
Ngoài ra, trong năm 2021, MM đã tích cực triển khai các hình thức thanh toán không tiền mặt trên cả hai kênh mua sắm trực tuyến và trực tiếp; mở rộng nhiều mô hình kinh doanh khác nhau như Food Service, Depot hay Hybrid Food Service để tăng độ phủ trên khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Thêm nữa, MM sẽ tiếp tục đầu tư và phát triển kênh bán hàng đa kênh (omnichannel) vì thương mại điện tử ở Việt Nam đang ngày càng nở rộ và phát triển. Đặc biệt hơn, MM đang nghiên cứu và sẽ sớm đưa vào sử dụng phần mềm Pick & Go. Đây là phần mềm được phát triển bởi công nghệ AI...
Có thể thấy trong năm 2021 vừa qua, một số hệ thống bán lẻ khác như Saigon Co.op, LOTTE Mart… cũng không ngừng tập trung phát triển bán hàng qua điện thoại, Zalo, app và các đối tác thương mại điện tử; triển khai các hình thức thanh toán không tiền mặt trên cả hai kênh mua sắm trực tuyến và trực tiếp.
Về phía Aeon Việt Nam, ông Furusawa Yasuyuki cho biết, chuyển đổi số, đặc biệt tập trung thúc đẩy O2O (Offline – To – Online) sẽ là một trong các chiến lược của Aeon Việt Nam.
Cụ thể là AEON Việt Nam sẽ chú trọng phát triển lĩnh vực thương mại điện tử, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, phát triển các ứng dụng tiện lợi trên nhiều nền tảng và mở rộng nội dung số. Ngoài ra, sẽ mở thêm nhiều địa điểm kinh doanh với đa dạng mô hình bán lẻ, bao gồm trung tâm mua sắm, trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên doanh; tạo giá trị độc đáo bằng ý tưởng mới cho chuỗi cung ứng; tăng cường các sản phẩm mới phục vụ xu hướng sống khỏe…