Boeing tái khởi động dịch vụ phóng tàu vũ trụ Starliner cho NASA
(DNTO) - Sau nhiều năm ngưng trệ vì gặp nhiều rắc rối, giờ đây Boeing lại tận dụng cơ hội để tái khởi động nhiệm vụ phóng tàu không gian Starliner lên quỹ đạo cho khách hàng NASA bằng taxi vũ trụ của chính hãng.
Tàu không gian Starliner được Boeing chế tạo để NASA đưa các phi hành gia đến và đi từ Trạm Vũ trụ Quốc tế. Nhưng trước khi thực hiện được mục tiêu ấy, tàu phải tiến hành chuyến bay thử nghiệm không có phi hành đoàn để chứng tỏ tất cả các hệ thống tàu đều vận hành ổn định. Giờ đây Boeing đang rất tin tưởng vào sản phẩm phi hành của hãng trong phi vụ này.
Về mảng phi hành có thể nói Boeing đang bắt kịp “kẻ sinh sau đẻ muộn” SpaceX, công ty vũ trụ mới ra đời do Elon Musk thành lập, một thương hiệu đã từng đưa 5 phi hành đoàn NASA lên quỹ đạo trong hai năm qua.
Tuy nhiên, hai nỗ lực trước của Starliner - lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2019 và lần thứ hai vào tháng 8 năm 2021 - đều xui rủi gặp phải các vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng. Cặp động cơ đẩy để đưa Starliner vào quỹ đạo ổn định đã thất bại trong quá trình vận hành. Cũng may là riêng tàu vũ trụ đã tự động thích ứng tốt với lực kéo còn lại để tiếp tục hoạt động. Hiện các kỹ sư đang rà soát, điều tra những sai sót đã xảy ra từng khiến Boeing tiêu tốn hàng trăm triệu USD.
Tất nhiên NASA vẫn có phương án dự phòng nếu một trong các tàu vũ trụ gặp trục trặc. Đó là có thể NASA sẽ lại phải dựa vào Soyuz của Nga, vốn là tàu hành trình quỹ đạo duy nhất của các phi hành gia Mỹ trong gần một thập kỷ trước. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Nga trên trạm vũ trụ nay đã trở nên phức tạp về mặt chính trị sau khi Nga và Ukraine lâm chiến vào đầu năm nay.
Cũng may là buổi ra mắt gần đây đã khiến các quan chức của Boeing và NASA thở phào nhẹ nhõm. Động cơ của tên lửa Atlas 5 đã gầm lên từ bệ phóng Cape Canaveral ở Florida, nâng Starliner lên bầu trời. Ba mươi hai phút sau, tàu đã an toàn nhập quỹ đạo. Khoảng thời gian đếm ngược và tiến trình tàu rời bệ phóng diễn ra suôn sẻ, ngoại trừ chút xíu trục trặc rất nhỏ ở khoảnh khắc cụp cánh quạt của Starliner. Phía sau tàu vũ trụ là bốn module, mỗi module chứa một cụm ba động cơ đẩy. Quá trình thoát quỹ đạo sẽ kéo dài khoảng 40 giây, bắt đầu từ động tác khai hỏa từng hỏa tiễn đẩy ở mỗi module. Chỉ hơn 24 giờ sau khi phóng, Starliner dự kiến sẽ cập bến Trạm Vũ trụ Quốc tế.
Nhiệm vụ này không mang theo bất kỳ phi hành gia nào, ngoài một hình nộm tên Rosie the Rocketeer. Ngoài ra trong tàu còn có hơn 363kg hàng hóa, chủ yếu là thực phẩm và đồ dùng cho phi hành đoàn trạm vũ trụ. Sau bốn hoặc năm ngày kết nối, Starliner sẽ quay trở lại Trái đất, hạ cánh tại một trong năm địa điểm ở miền Tây Hoa Kỳ.
Có một sự khác biệt là trong khi hầu hết các module phi hành của Mỹ trước đây đều “hạ thủy” ở đại dương – kể cả Crew Dragon của SpaceX - Starliner lại bung dù cập bờ và hạ cánh dựa vào các túi khí. Nếu mọi việc suôn sẻ, chuyến bay sẽ cung cấp cho NASA đủ dữ liệu để chứng nhận một điếu, tàu vũ trụ có thể vận chuyển con người vào vũ trụ một cách an toàn, kỳ vọng sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Kinh nghiệm trục trặc từ các lần phóng trước đã mang lại nhiều bài học cho NASA. Trong chuyến bay thử nghiệm không người lái đầu tiên vào tháng 12 năm 2019, vấn đề nảy sinh gần như ngay lập tức khi tàu tiếp quỹ đạo. Lỗi phần mềm khiến đồng hồ trên Starliner đặt sai thời gian khiến máy tính trên tàu bị lầm lẫn, gây ra tiêu tốn nhiên liệu làm kế hoạch cập bến trạm vũ trụ của Starliner thiếu hiệu quả. Boeing đã phát hiện ra lỗi và chỉnh sửa phần mềm ngay trong thời gian Starliner đang quay quanh Trái đất, nhờ đó tàu mới hạ cánh an toàn xuống White Sands. Trục trặc đã khiến các chuyến bay chở theo phi hành gia bị trì hoãn khiến NASA và Boeing đành phải tiến hành nhiều chuyến bay không người lái để tìm ra cách an toàn tối ưu.
Boeing đã dành hơn một năm để đổi mới và thử nghiệm lại phần mềm. Tháng 8 năm ngoái, Starliner đã quay trở lại bệ phóng Cape Canaveral ở Florida mang theo trên đỉnh là tên lửa Atlas 5. Thế như mọi sự vẫn chưa “thuận buồm xuôi gió”! Quy trình đếm ngược bất ngờ gián đoạn khi kiểm soát viên không lưu phát hiện 13 van trong hệ thống đẩy của Starliner không thể mở. Boeing đã dành khoảng 8 tháng để điều tra trục trặc này, cuối cùng họ phải thay thế mô-đun dịch vụ bằng loại đã được tinh chỉnh để lên kế hoạch tiếp tục nhiệm vụ.
Thực ra để thực thi chương trình này NASA đã cùng lúc thuê cả SpaceX lẫn Boeing, tức cả Starline lẫn Crew Dragon đều cùng góp mặt. Thế nhưng trong khi Starliner vẫn nằm bất động trên mặt đất thì SpaceX đã thực hiện được bảy nhiệm vụ bằng Crew Dragon. Xem chừng tính đến nay dịch vụ do SpaceX cung cấp vẫn rẻ hơn đáng kể so với của Boeing. Tuy nhiên, các quan chức NASA vẫn cam kết sẽ tận dụng sự cạnh tranh của cả hai để đổi mới và tăng tính linh hoạt cho kế hoạch lớn của mình.