Bộ trưởng Tài chính: Luật nghiêm cấm các hành vi chèo kéo bán bảo hiểm
(DNTO) - "Mổ xẻ" tiêu cực trên thị trường bảo hiểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, pháp luật nghiêm cấm các hành vi chèo kéo trong bán bảo hiểm. Bộ đã chuyển cho cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm để cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Chuyển cơ quan điều tra các vụ có dấu hiệu sai phạm về bảo hiểm để xử lý
Sáng 18/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc ngành tài chính. Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề thanh tra kiểm tra bảo hiểm vừa qua được thực hiện ra sao?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về mặt quản lý, luật nghiêm cấm việc các cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo, dùng các thủ đoạn lợi dụng những người chưa có nhận thức cao để bán bảo hiểm. Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra, thanh tra khi có khiếu nại, xử phạt nghiêm minh, đặc biệt sẽ chuyển cho cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm để cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Đặc biệt, mới đây sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, cơ quan soạn thảo đã dành một chương cho hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo hợp đồng bảo hiểm gọn hơn, rõ hơn, chặt chẽ hơn. Đồng thời cũng có quy định, trong vòng 21 ngày, nếu phát hiện hợp đồng bảo hiểm có sai sót thì người tham gia bảo hiểm có quyền đòi nhận lại tiền, công ty bảo hiểm phải trả lại cho người tham gia bảo hiểm.
Bộ trưởng cho biết, năm 2024, Bộ Tài chính sẽ thanh tra 14 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó sẽ xem xét việc bảo hiểm liên kết bán qua tổ chức tín dụng. "Chúng tôi sẽ phối hợp với thanh tra Ngân hàng Nhà nước, bởi khi thanh tra các ngân hàng thương mại thì chỉ Ngân hàng Nhà nước mới có thẩm quyền, còn chúng tôi chỉ có thẩm quyền trong thanh tra việc bán bảo hiểm".
Bên cạnh đó, Bộ trưởng thông tin, vấn đề giải quyết bồi thường thiệt hại tài sản hay tổn thất, thương tật về người và tài sản cho bên thứ ba đã được quy định rõ trong Luật Bảo hiểm năm 2023. Đối với việc thực hiện bồi thường thiệt hại chậm, gây ra tranh chấp hiện có hai kênh giải quyết. Cụ thể là gọi đến Cục Quản lý bảo hiểm sẽ có trách nhiệm giải quyết trong phạm vi phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; Nếu có dấu hiệu lừa đảo hình sự sẽ được xử lý qua bộ phận điều tra hình sự.
Giải pháp giảm giá vàng, USD
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) phản ánh, thời gian qua, nhiều vụ buôn lậu, trốn thuế qua biên giới rất phức tạp, tinh vi liên quan đến vàng và ngoại tệ, gây ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ các giải pháp kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ trong nước?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã kiểm soát chặt các cửa khẩu để quản lý số vàng, ngoại tệ này. Thời gian qua đã bắt được một số vụ chuyển USD, ngoại tệ trong nước, nước ngoài như chuyển đi Hàn Quốc 1,6 tỷ USD; hiện đang điều tra, xử lý 3.700 tỷ đồng, hoặc vụ 1 triệu USD giả chuyển qua đường hàng không...
Để giá vàng, USD xuống, ông Phớc cho rằng, cần triển khai một loạt giải pháp như vàng liên quan đến cung cầu, xuất nhập khẩu...
'Siết' chặt quản lý hoạt động của các doanh nghiệp kiểm toán độc lập
Đại biểu Quốc hội nêu, có không ít doanh nghiệp kiểm toán đã bỏ qua sai sót đối với đối tượng kiểm toán vì lợi ích của kiểm toán viên, dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước. Điển hình như vụ án SCB có đến 3 doanh nghiệp kiểm toán độc lập có tầm cỡ có sai phạm. "Với chức năng quản lý ngành, Bộ trưởng có giải pháp gì để phòng ngừa răn đe, tiêu cực của lĩnh vực kiểm toán tư nhân"?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, việc các doanh nghiệp kiểm toán độc lập vừa qua có sai phạm, trong đó có liên quan đến một số vụ án hình sự xuất phát từ nhiều yếu tố. Thứ nhất là năng lực của cán bộ kiểm toán của các công ty kiểm toán. Thứ hai là về tinh thần trách nhiệm của cán bộ làm công tác kiểm toán trực tiếp. Thứ ba là cũng không loại trừ việc cấu kết, cố tình vi phạm pháp luật để làm sai.
Từ góc độ quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm toán, Bộ trưởng khẳng định, Bộ Tài chính đã chỉ đạo "siết" rất chặt từ khâu kiểm toán viên. Để được cấp Giấy chứng nhận kiểm toán viên, Bộ đã đặt ra các điều kiện theo đúng quy định của pháp luật và tổ chức đào tạo, tổ chức thi. "Trong các đợt thi kiểm toán viên, chưa có năm nào thi mà tỷ lệ đạt vượt qua 30%", Bộ trưởng thông tin.
Theo Bộ trưởng, hiện cả nước có 221 công ty kiểm toán và có 2.343 kiểm toán viên. So với các quốc gia, tỷ lệ của các doanh nghiệp kiểm toán nước ta còn nhỏ song chúng ta chú trọng về chất lượng.