Bộ Tài chính: Còn 21 Bộ, 30 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư công với số vốn 16.000 tỷ đồng
(DNTO) - Ngày 6/12, Bộ Tài chính vừa đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khẩn trương phân bổ hết nguồn vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023. Theo báo cáo, hiện nay vẫn còn trên 16.166 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết.
Theo Bộ Tài chính, tổng kế hoạch giao năm 2023 Thủ tướng giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng, kế hoạch các năm trước chuyển sang) là hơn 831.092 tỷ đồng. Uớc thanh toán từ đầu năm đến 30/11 là 460.980 tỷ đồng, đạt 59,39% kế hoạch (đạt 65,1% kế hoạch Thủ tướng giao). Cùng kỳ năm 2022 đạt 52,43% kế hoạch và đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng giao.
Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ giải ngân của cả nước có tăng (7% so với kế hoạch và 6,77% so với kế hoạch Thủ tướng giao), nhưng so với tổng kế hoạch vốn cần giải ngân trong năm 2023 thì tỷ lệ này vẫn đạt thấp.
Bộ Tài Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương đánh giá khả năng thực hiện đến hết 31/1/2024, chủ động đề xuất số vốn tiếp tục kéo dài theo quy định tại Nghị định 40 của Chính phủ và theo khả thực hiện, tránh trường hợp đề xuất kéo dài nhưng hết thời gian quy định không giải ngân được, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn.
Đồng thời có phương án phân bổ kế hoạch năm 2024 ngay khi được Thủ tướng giao, tránh trường hợp giao vốn thành nhiều lần trong năm.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương xác định cụ thể mức vốn cho từng dự án thành phần và nhu cầu bố trí vốn từ 13.796 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2021 bố trí cho 3 dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1 trong từng năm 2023, 2024 và 2025.
Cũng theo Bộ Tài chính, lũy kế 11 tháng năm 2023, thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, bằng 94,9% dự toán, giảm 7,1% so cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 11/2023, thu nội địa ước đạt 106,1 nghìn tỷ đồng, bằng 8% dự toán, thấp hơn khoảng 48 nghìn tỷ đồng so với số thu tháng trước.
Nguyên nhân chủ yếu do một số khoản thu chế độ cho phép thu theo quý (như thuế TNDN, thuế TNCN và thuế GTGT của hộ kinh doanh, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi NSNN...), phát sinh quý 3/2023 các doanh nghiệp đã kê khai nộp trong tháng 10, sang tháng 11 phát sinh thấp. Về thu từ dầu thô, tháng 11 ước đạt 5,1 nghìn tỷ đồng, bằng 12,1% dự toán.
Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 15,7 nghìn tỷ đồng trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt khoảng 30 nghìn tỷ đồng, bằng 7,1% dự toán; hoàn thuế GTGT theo chế độ trong tháng khoảng 14,3 nghìn tỷ đồng. Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 11 khoảng 172,1 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn, giảm khoảng 65,2 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 106,9 nghìn tỷ đồng.
Về chi NSNN, tổng chi tháng 11 ước đạt 158,2 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 11 tháng đạt khoảng 1.502,9 nghìn tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán, tăng 10,9% so cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 461 nghìn tỷ đồng, bằng 63,4% dự toán, tăng 36,3% (khoảng 122,7 nghìn tỷ đồng) so với cùng kỳ, chi trả nợ lãi ước đạt khoảng 86,4 nghìn tỷ đồng, bằng 84% dự toán, tăng 3,4% so với cùng kỳ; chi thường xuyên ước đạt 953 nghìn tỷ đồng, bằng 81,3% dự toán, tăng 2,5% so cùng kỳ.
Ngân sách các cấp đã chủ động đảm bảo nguồn thực hiện tăng lương tối thiểu (từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng) cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN và tăng lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng thuộc NSNN đảm bảo từ ngày 1/7/2023.
Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2023 Thủ tướng Chính phủ giao khoảng 708,3 nghìn tỷ đồng. Tổng hợp đến thời điểm báo cáo, các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương tăng thêm (từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương,…) khoảng 68 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ Tài chính cũng cho biết, trong 11 tháng vừa qua, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 27/11/2023, đã thực hiện phát hành 278,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,43 năm, lãi suất bình quân 3,26%/năm.