Doanh nghiệp mong đòn bẩy nguồn tài chính được ‘cởi trói’ để tạo động lực chạy nước rút
(DNTO) - Thời điểm này là giai đoạn doanh nghiệp chạy nước rút để hoàn thành kế hoạch của năm, nhưng số doanh nghiệp rời bỏ thị trường, tạm ngừng hoạt động vẫn chưa suy giảm. Cần tiếp tục có các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực từ các gói hỗ trợ của nhà nước.
'Thúc' nhanh tiến độ sửa Nghị định 132 để giảm gánh nặng chi phí lãi vay
Trong 10 tháng đầu năm 2023, có khoảng 146.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022, và vượt qua con số 143.200 doanh nghiệp rời thị trường của cả năm 2022. Những con số trên cho thấy, doanh nghiệp hiện đang trong "cơn bão tố", nhất là khi thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp bị thu hẹp. Ở trong nước, sản xuất khó khăn, việc làm và thu nhập của người lao động suy giảm, sức mua thấp, thị trường ảm đạm... Đầu tư nước ngoài không được như kỳ vọng, đầu tư tư nhân yếu, đầu tư công, dù đã có những xung lực mới, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn thấp...
Dẫn chứng điển hình, mới đây, một doanh nghiệp có doanh thu nhiều năm vài nghìn tỷ đồng và lãi hàng trăm tỷ đồng như Garmex Sài Gòn lại đang cho thấy tình trạng “sức khỏe” đáng báo động. Từ công ty may lớn ở TP.HCM với 5 nhà máy, khoảng 4.000 công nhân, đến hết tháng 9, số nhân sự bám trụ chỉ còn vỏn vẹn 37 nhân sự.
Tại Nghị trường Quốc hội khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu cũng bày tỏ những lo ngại về việc doanh nghiệp rời bỏ thị trường. Tình trạng tắc tín dụng, trong khi đó trái phiếu doanh nghiệp đến kỳ đáo hạn, áp lực lãi vay đến kỳ phải trả... đang diễn ra nhiều nơi, doanh nghiệp chới với giữa dòng giá, “làm thì lỗ, không làm thì phá sản”.
Đặc biệt sự chậm trễ, kém hiệu quả trong việc thực thi chính sách pháp luật, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp... đã đẩy doanh nghiệp lâm vào tình cảnh ngày càng khó khăn. Đơn cử, để gỡ khó cho sản xuất kinh doanh, từ tháng 7/2023, Thủ tướng đã có Nghị quyết yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Nghị định 132 ngay trong quý 4 năm nay.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 10, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) mới có văn bản xin ý kiến của các vụ, cục trong Bộ Tài chính về việc sửa đổi. Đáng chú ý, trong văn bản trên, Bộ Tài chính dự tính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ việc sửa đổi bổ sung Nghị định 132 trong… tháng 8/2024.
Thực tế, việc chậm trễ trên đang khiến rất nhiều doanh nghiệp bị bào mòn "thể lực". Bởi Nghị quyết 132 được sửa đổi kỳ vọng sẽ "trợ lực" lớn với doanh nghiệp khi nhiều chi phí của doanh nghiệp sẽ được nhìn nhận đúng, phù hợp với thực tế giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực hồi sinh.
Đơn cử, việc quy định "khống chế chi phí lãi vay chỉ ở mức 30% tổng lợi nhuận thuần, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế. Nếu vượt thì khoản lãi vay đó không được tính vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp". Tuy nhiên, quy định này đã không còn phù hợp nhất là trong bối cảnh lãi vay tăng vọt lên gần gấp đôi so với thời điểm ban hành quy định khiến doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn.
Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho rằng, với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay là quá bất cập. Áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là quá nặng nề, mang tính tận thu của cơ quan quản lý thuế.
"Thậm chí, có lúc doanh nghiệp chỉ vay vốn từ chính ngân hàng với chi phí lãi vay cao, không có bất kỳ giao dịch liên kết nào nhưng vẫn bị loại trừ khoản chi phí này là quá vô lý...", Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe nhận định.
Đồng thời kiến nghị, Chính phủ xem xét hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp doanh nghiệp không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế. Bên cạnh đó, cần cho phép chuyển chi phí lãi vay vượt mức khống chế sang kỳ tính thuế tiếp theo, hay kéo dài thời gian chuyển chi phí lãi vay vượt mức khống chế từ 5 năm lên cao hơn…
Xem xét 'nới' các điều kiện vay vốn cho doanh nghiệp
Để "cứu" doanh nghiệp bất động sản, tại Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) chỉ rõ những bất cập trong các “điều kiện vay vốn” của Thông tư 39. Hiện cách hiểu và thực hiện của các ngân hàng thương mại lại khác nhau, đặc biệt là điều kiện “nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp”, “có phương án sử dụng vốn khả thi” (tại khoản 3) và “có khả năng tài chính để trả nợ”.
"Ở cả 3 điều kiện vay vốn này trong thực tế phát sinh nhiều bất cập, trong đó bất cập lớn nhất là hầu như các ngân hàng thương mại đều chưa thực hiện được công tác “thẩm định tính khả thi của dự án đầu tư”, nhất là dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở thương mại để thực hiện điều kiện người vay vốn tín dụng “có phương án sử dụng vốn khả thi”, Chủ tịch HoREA nêu rõ.
Đặc biệt, các ngân hàng thương mại lại đặt nặng vấn đề cho vay tín dụng “có tài sản bảo đảm”, nên "ngó lơ" tính khả thi của dự án đầu tư, thì gần như doanh nghiệp sẽ không tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng.
Từ những bất cập trên, Chủ tịch HoREA đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét “nới một chút” các “điều kiện vay vốn” đối với bất động sản. Cụ thể, đối với dự án đã có “Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư”, Hiệp hội đề nghị ngân hàng thương mại có thể cho chủ đầu tư được vay tín dụng “để bù đắp tài chính” với khoản vay không vượt quá 30% tổng mức đầu tư của dự án.
Đối với dự án đã có “Giấy phép xây dựng” và đã khởi công xây dựng, đề nghị ngân hàng thương mại có thể xem xét cho chủ đầu tư được vay tín dụng “để thanh toán, chi trả chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh” với khoản vay không vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án.
Hiệp hội đề nghị ngân hàng thương mại không yêu cầu chủ đầu tư phải cung cấp Văn bản thẩm định “thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở” hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án, trừ trường hợp chủ đầu tư tự mình cung cấp để chứng minh năng lực hoặc để làm tài sản thế chấp.
Bên cạnh quy định “Tổ chức tín dụng phải tổ chức xét duyệt cấp tín dụng theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cấp tín dụng”, HoREA đề xuất bổ sung quy định “khách hàng thỏa thuận với tổ chức tín dụng thuê đơn vị tư vấn độc lập thực hiện thẩm định tính khả thi của dự án đầu tư; chi phí thẩm định do khách hàng thanh toán”, để làm cơ sở cho tổ chức tín dụng xét duyệt cấp tín dụng.
“Cơ chế này rất phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu, có năng lực tài chính và có dự án đầu tư quy mô lớn”, ông Châu nhấn mạnh.